Chuyển Covid-19 khỏi nhóm bệnh 'đặc biệt nguy hiểm'
Việc hạ cấp độ dịch, đưa Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B không đồng nghĩa với hết dịch, bởi dịch vẫn tiếp tục lưu hành và gây chết người nhưng không còn quá nguy hiểm nữa
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về chương trình phòng chống dịch Covid-19, yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm (BTN) nhóm A sang nhóm B.
Thay đổi hàng loạt quan điểm về phòng chống dịch
Theo Luật Phòng chống BTN, BTN nhóm B là những bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. BTN nhóm B gồm các bệnh: do virus Adeno, virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi, do liên cầu lợn ở người, lỵ Amip, lỵ trực trùng, quai bị, sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, sốt phát ban, bệnh sởi, tay chân miệng, bệnh than, thủy đậu, thương hàn, uốn ván, Rubeon, viêm gan virus, viêm màng não do não mô cầu, viêm não virus, xoắn khuẩn vàng da, tiêu chảy do virus Rota.
BTN nhóm A gồm các bệnh đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Ngoài bệnh Covid-19 được Bộ Y tế bổ sung vào danh mục từ ngày 29-1-2020, các BTN nhóm A khác gồm: bại liệt, cúm A/H5N1, dịch hạch, đậu mùa, sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg gây ra, sốt Tây sông Nile, sốt vàng, bệnh tả, viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các BTN nguy hiểm mới phát sinh và chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các chuyên gia dịch tễ nhận định việc căn cứ tình hình để chuyển Covid-19 từ BTN nhóm A sang nhóm B là phù hợp với thực tế. Theo đó, sẽ không còn áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch và một số quy định khác.
PGS-TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cho rằng chuyển từ BTN nhóm A sang nhóm B, cần căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế, mức độ lây lan của chủng virus, có gây bệnh nặng, hiệu quả của các loại thuốc điều trị, vắc-xin; khả năng kiểm soát dịch, đáp ứng của hệ thống y tế và tiềm lực tài chính. Theo PGS Phu, phải căn cứ từ luận chứng khoa học lẫn thực tiễn mới có thể đưa ra quyết định.
Cần áp dụng phòng chống dịch đặc thù
Phân tích về việc hạ cấp độ dịch, nhiều ý kiến cho biết khi chuyển sang nhóm B, các biện pháp ứng phó với dịch sẽ thay đổi, từ việc giám sát, quản lý ca bệnh, xét nghiệm… Việc này sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính cho công tác phòng chống dịch.
PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: "Nghị quyết đưa ra quan điểm về phòng chống dịch trong thời điểm hiện nay là hợp lý. Cần nghiên cứu để xây dựng kế hoạch chuyển đổi bệnh nhóm A sang nhóm B. Làm thế nào để vừa kiểm soát được dịch bệnh vừa bảo đảm phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên cơ sở đặt sức khỏe và tính mạng người dân lên trên hết". Tuy nhiên, không thể sử dụng các biện pháp phòng chống Covid-19 giống các bệnh thuộc nhóm B như: cúm, ho gà, lao phổi… mà phải có những biện pháp phòng chống dịch hợp lý. Cần xem xét tỉ lệ chuyển nặng, tử vong do Covid-19 để đưa ra biện pháp phù hợp, cần có cơ chế đặc thù cho dịch bệnh này. Khi quyết định hạ cấp độ dịch cần thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự tham gia của các ngành, các cấp, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ Tài chính.
PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nhận định việc có kế hoạch đưa Covid-19 từ BTN nhóm A sang nhóm B là chuyển biến tốt, đây cũng là xu hướng hiện nay trên thế giới. Chuyên gia này cũng lưu ý điều này không đồng nghĩa với hết dịch, bởi dịch vẫn tiếp tục lưu hành và gây chết người nhưng không còn quá nguy hiểm nữa.
Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nếu Covid-19 chuyển sang BTN nhóm B, vẫn phải đeo khẩu trang, những trường hợp nguy cơ như người cao tuổi, có bệnh nền mà chưa được tiêm chủng nên hạn chế tiếp xúc với người lạ. Những đối tượng nguy cơ cao này cũng cần được bảo vệ. "Kể cả khi xem Covid-19 là BTN thông thường nhưng khi bệnh nhân Covid-19 nhập viện vẫn cần phân loại vào khoa truyền nhiễm, để tránh lây nhiễm cho bệnh nhân thông thường" - một bác sĩ khuyến cáo.
Evusheld là thuốc, không phải là "siêu vắc-xin"
Bộ Y tế cho biết ngày 18-3, cả nước ghi nhận 163.174 ca mắc Covid-19 tại 62 tỉnh, thành phố, giảm hơn 10.100 ca so với ngày trước đó.
Số ca tử vong do Covid-19 những ngày qua tiếp tục giảm, hiện chiếm 0,6% tổng số ca mắc. Đến nay, nước ta đã tiêm hơn 201,4 triệu liều vắc-xin Covid-19.
Chiều cùng ngày, Bộ Y tế phát thông tin khẳng định Evusheld là thuốc, không phải là "siêu vắc-xin", không được phép sử dụng Evusheld để phòng Covid-19 cho các đối tượng có thể tiêm vắc-xin. Trước đó, ngày 2-3, Bộ Y tế đã căn cứ các quy định hiện hành để cấp giấy phép nhập khẩu thuốc Evusheld đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. Đến nay, Evusheld đã được cấp phép lưu hành trong tình trạng khẩn cấp tại Mỹ, Pháp, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain... Evusheld gồm 1 liều kháng thể đơn dòng tixagevimab và 1 liều kháng thể đơn dòng cilgavimab. Việc sử dụng thuốc cần phải được bác sĩ đánh giá và sàng lọc chặt chẽ.
Ngày 18-3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về kết quả xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành vắc-xin Nano Covax. Cụ thể, xét báo cáo của Bộ Y tế về kết quả xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành vắc-xin Nano Covax phòng Covid-19 do Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen đăng ký và sản xuất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1027/2022 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản khác có liên quan; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi trường hợp theo quy định của pháp luật.B.Trân