Chuyện của người trồng cà phê
Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.
Vốn chỗ quen biết lâu nay nên khi nghe tôi hỏi thăm chuyện làm cà phê, chị Lê Thị Ngân (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho hay: Chị mua lại vườn cà phê 1.200 cây (hơn 1 ha) tại xã Ia Pếch, cách nhà gần 10 km.
Chủ cũ thiếu đầu tư phân bón nên chị phải bỏ công chăm sóc mất gần 4 năm mới bước vào kinh doanh được 2 vụ gần đây. Chỉ trừ những lúc phải lo hiếu hỷ, còn thì quanh năm chị hầu như ở luôn trong vườn đến tối mịt mới về. Chị giao việc nhà cho cô con gái lớn học THCS.
Người dân huyện Đak Đoa thu hoạch cà phê. Ảnh: L.N
Thấy vậy mà cũng lắm việc: nào vỏ trấu, phân chuồng bón gốc, đặc biệt là 3-4 đợt tưới, sau mỗi đợt lại bón thêm phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật, cắt cành, bấm tỉa chồi... sức yếu làm không xuể nên chị phải thuê mướn thêm người làm, ngốn không biết bao nhiêu tiền.
Đã vậy, nhân công không dễ kiếm bởi trong vùng này hầu như ai cũng có vườn cà phê nên chủ yếu họ dành thời gian chăm sóc vườn của mình, họa hoằn lắm mới đi làm thuê sau khi đã xong việc nhà.
Nhọc nhất là khâu tưới. Tưới cà phê không như tưới rau. Nước từ dưới suối bơm lên qua đường ống đặt chôn dưới đất, sau đó nối ống vào họng nước rồi kéo qua tưới vào các bồn, ống nước đường kính 60 mm, dài hàng mấy chục mét đầy nước rất nặng, người không có sức khỏe tốt không kham nổi.
Mỗi đợt tưới vườn phải mất 3-4 ngày mới xong. Vườn nào lắp đặt được hệ thống béc cố định tưới bằng điện thì đỡ nhọc hơn nhiều.
Thời gian chăm sóc cây cà phê phát triển, nuôi quả lớn để thu hái là cả một quá trình tiêu tốn công sức và tiền bạc khá lớn, nếu nhà vườn nào không tích lũy thì gặp nguy.
Chị Ngân tính sơ sơ tiền phân bón, tiền thuốc bảo vệ thực vật, tiền công bón phân, mấy đợt làm cành, làm cỏ, phun thuốc và công hái cũng hết trên dưới 70 triệu đồng mỗi vụ.
Vườn mới vào kinh doanh vài năm nên chỉ thu được khoảng 11-12 tấn tươi, không lời lãi bao nhiêu. Vài ba vụ nữa thu trên 20 tấn thì mới có lãi. Những nhà chuyên sống bằng cà phê thì chủ yếu lấy công làm lời nên sau mỗi vụ cũng khá dư dả.
Năm nào cũng vậy, cứ bước vào mùa thu hoạch là người từ các tỉnh đồng bằng lên, từ miền Bắc vào, Tây Nguyên đông hẳn. Người từ các tỉnh đến đây làm công lâu năm nên cũng đã quen đất, quen việc, họ thường chia thành nhiều nhóm, có nhóm vào Lâm Đồng, Đắk Nông, nhóm thì vào Đắk Lắk, Gia Lai, hành lý mang theo gọn nhẹ, chủ yếu vài bộ quần áo đi đường và quần áo lao động, bao tay.
Ấy là chưa kể đến những nhà vườn nuôi sẵn người làm, ngày thường chăm sóc vườn cây và đến kỳ thu hoạch thì hàng ngày hái dần mà cũng phải thuê mướn thêm nhân công.
Mấy năm nay, giá thuê nhân công trên 300 ngàn đồng/ngày/người, chủ vườn hỗ trợ thêm tiền gạo hoặc thức ăn nhưng phần lớn họ đều nhận khoán bởi có thể lên đến hơn 500 ngàn đồng/ngày.
Năm nay, nhận hái cà phê cho chị Ngân là anh Ba và anh Trọng ở Bình Định lên. Vào thời điểm nông nhàn, thanh niên dưới quê đều vào làm công nhân trong các xí nghiệp, ruộng vườn giao lại cho vợ trông coi. Số lớn tuổi hơn như anh Ba, anh Trọng thì làm “thợ đụng” nghĩa là gặp người ta thuê mướn việc gì thì nhận làm việc ấy, có đợt lên Tây Nguyên cả tháng thu hái hồ tiêu, cà phê.
Đợt này, 2 anh làm lán ở luôn ngoài vườn cà phê cho tiện, ăn uống và tiền xe đi lại được chị Ngân hỗ trợ. Lương là 350 ngàn đồng/ngày/người với điều kiện phải hái được ít nhất 1,8 tạ/ngày, bằng không thì hái khoán. Đã quen lao động chân tay nên cuối đợt (thường khoảng nửa tháng) mỗi anh cũng mang về cho gia đình một khoản tiền kha khá.
Năm nay, thời tiết khá thuận lợi. Dẫu cuối vụ có ảnh hưởng bão nhưng năng suất vẫn đạt mức trên 16 tấn tươi/ha. Giá cà phê đến ngày 26-10-2024 đạt mức 109.800 đồng/kg.
Nếu tính từ thời hoàng kim của cà phê năm 1995 đến nay, người trồng cà phê đã qua nhiều cuộc “bể dâu” do giá cả thất thường. Song đến nay, cà phê vẫn tiếp tục khẳng định vai trò là một trong các loại cây trồng chủ lực của Tây Nguyên, mang lại cuộc sống ổn định cho người trồng cà phê và tạo việc làm cho người lao động. Làm cà phê vốn nhọc nhằn nhưng nếu thiếu công việc này, bao nhiêu gia đình sẽ lâm vào cảnh khó khăn, túng thiếu.
Những ngày này, Tây Nguyên như vào một vòng quay, hái cà phê xong là tất bật vào mùa tưới.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-cua-nguoi-trong-ca-phe-post298735.html