Chuyện của ông Điện Biên

Minh họa: PV

Minh họa: PV

Ở xứ cát, dường như mọi ngả đường đều dẫn tới biển cả mênh mông. Điều ấy khiến người dân nơi đây rất đỗi tự hào và lấy làm hãnh diện. Trên một con phố chỉ dài chừng vài trăm thước rợp bóng cây bằng lăng đâm thẳng ra biển, bên cạnh những khách sạn và chi chít cửa hàng cửa hiệu sáng choang, có một ngôi nhà hai tầng nằm ẩn mình dưới giàn bông giấy đỏ rực.

Trông nó chẳng ăn nhập gì với dáng vẻ thanh tân của một thành phố du lịch đang thay da đổi thịt từng ngày. Nhưng ngôi nhà lại ở vào một vị trí quá đẹp, cách bãi biển không đầy năm phút đi bộ, khuôn viên rộng hơn hai trăm thước vuông, hướng chính nam. Đã có rất nhiều người lui tới hỏi thuê với giá hời, thậm chí lắm kẻ đòi mua đứt ngôi nhà, “giá nào cũng chiều” để xây khách sạn, nhưng lần nào họ cũng thất vọng trở về. Không ít người chê chủ nhân ra mặt. Rằng đồ dở hơi, ngồi trên đống vàng mà phải chịu khổ, rõ phí! Ông lão chỉ cười nhẹ, bỏ ngoài tai tất cả.

Đó là một cựu chiến binh Điện Biên Phủ, hàm đại tá, tuổi đã ngoại bát tuần nhưng lưng hãy còn thẳng thớm, dáng đi chậm rãi khoan thai, trên môi thường trực nụ cười thân thiện. Ông sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng ở một cái làng có tên nôm là Kẻ Ngù, vùng đất văn vật của Hà Tĩnh. Quả thật, đất Kẻ Ngù hiện có cả trăm người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy tại các trường đại học đầu ngành trong cả nước, cùng với bốn vị tướng lừng lững. Kể cũng lạ. Chỉ tính riêng trong số anh em nhà ông đã có một trung tướng, hai đại tá, còn người em út là tiến sĩ toán học.

Ông đại tá có tên hẳn hoi nhưng cả dãy phố mà đặc biệt là bọn trẻ vẫn quen gọi bằng cái tên là “ông Điện Biên”. Chiều chiều, hễ thấy ông lọc cọc chống gậy ra biển là bọn trẻ bu lại, đòi kể chuyện. Chẳng khi nào ông đại tá nỡ từ chối. Có chuyện ông kể không biết bao lần nhưng bọn trẻ vẫn không biết chán. Trời phú cho ông đại tá cái giọng kể thật quyến rũ. Nào là chuyện kéo pháo vào rồi kéo pháo ra, thoạt đầu bộ đội ta cũng “lăn tăn” lắm, nhưng quân lệnh như sơn. Phẩm chất đầu tiên của người lính là y lệnh cấp trên, các cháu biết không?

Chuyện lính trinh sát của ta xuất quỷ nhập thần. Ấy là trước khi vào chiến dịch, giữa mùa đông rét như cắt ruột, tổ trinh sát đã kiên trì mai phục cả tháng trời tìm cách lọt vào tận sào huyệt của quân Pháp ở trung tâm Mường Thanh lấy được tấm bản đồ tác chiến mang về trình lên Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Rồi chuyện giặc Pháp thả đồ tiếp tế cho đồng bọn đang bị vây ở lòng chảo Điện Biên, gió đẩy dạt những cánh dù ấy sang phía quân ta. Bên trong các thùng hàng ấy có đủ bánh mì, đường sữa, pho mát, thuốc lá… đôi khi có cả rượu vang nữa. Hóa ra, Tây tiếp tế cho quân ta, các cháu nhé.

Có lần đơn vị ông vớ được một hòm dù đỏ nặng. Ai cũng chắc mẩm phen này được bữa tha hồ… tươi. Ngờ đâu lúc khui ra toàn đạn pháo, lính ôm nhau cười vỡ bụng. Chuyện bộ đội ta thay nhau đào hầm vây lấn các cứ điểm của giặc Pháp, ai mệt quá cứ úp mặt vào chiến hào mà ngủ đứng, vài chục phút sau tỉnh dậy lại đào tiếp. Hấp dẫn nhất vẫn là chuyện bắt sống tướng Đờ Cát và toàn bộ ban tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ…

Những khi ấy, ông đại tá như sống lại thời trẻ tráng của mình. Thường thì ông ngồi trên chiếc ghế đá dưới gốc cây bằng lăng, không chỉ kể chuyện mà ông còn giải đáp cho bọn trẻ vô khối thắc mắc của chúng. Nhiều khi không kịp ra tới biển nữa, đèn đường bật sáng, ông lại quay về ngôi nhà có giàn bông giấy. Bà vợ đã mất. Một mình ông càng khiến cho ngôi nhà rộng rênh. Bốn người con của ông đại tá đều sinh sống ở Hà Nội. Ai cũng muốn đón bố về ở với mình để tiện chăm sóc, nhưng ông từ chối.

Ông không nỡ rời xa thành phố biển hiền hòa mà ông đã gắn bó từ sau ngày đất nước liền một dải. Ngôi nhà ông từ lâu trở thành điểm hẹn của các cựu chiến binh. Ông đại tá gọi đây là “Ngàn Sao hotel”, dành đón tiếp bè bạn. Trong nhà xếp mấy giá sách dễ đến hàng nghìn cuốn, chủ nhật nào ông cũng mở cửa cho bọn trẻ đến đọc hoặc mượn đem về nhà.

Vậy mà gần cả tháng nay, ông Điện Biên bỗng dưng biệt tích. Bọn trẻ đi học về tạt qua ngõ nhà ông ngó thấy hai ổ khóa lù lù im ỉm, đứa nào cũng chưng hửng. Bông giấy rụng đầy trước sân, gió vun lại thành đống to tướng. Mấy đứa trẻ thẫn thờ đoán già đoán non, hay là “ông Điện Biên” bị làm sao phải nhập viện? Lạ nhỉ? Hay ông đại tá đi thăm con cháu? Làm gì mà đến mức không để lại một lời nhắn? Chiều nào đám trẻ cũng đảo qua ngõ nhà ông Điện Biên, ánh mắt thắc thỏm.

Chiều nay, khi lũ trẻ đã gần như hết hy vọng thì ông đại tá đột ngột trở về. Ông như trẻ ra đến hàng chục tuổi. Cánh cửa của ngôi nhà lại rộng mở, những bông giấy hồng rực chúm chím cười trước gió. Bọn trẻ ùa vào nhà ông ríu rít như những cánh chim non. Không nén nổi niềm vui, chúng vòng tay đồng thanh: “Chúng cháu chào ông Điện Biên ạ!”. Liền đó là những câu trách móc, hờn dỗi.

Ông đi đâu mà lâu lắc hà, để tụi cháu chờ mỏi cả mắt. Ừ, vào cả đây, ông nhận “khuyết điểm” với các cháu. Bữa ông đi, ông có viết mấy chữ nhét vào ổ khóa nhắn các cháu, nhưng chắc là gió biển đã lấy đi mất. Làm sao ông quên các cháu được? Ông có quà Điện Biên cho các cháu đây. Những chiếc túi thổ cẩm be bé với các họa tiết nhiều màu thật xinh, rồi những nắm đất trên các đồi A1, D1… được gói lại thành gói nhỏ. Thì ra nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đại tá trở về chiến trường xưa. Là cựu chiến binh Điện Biên lại có Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng nên ông được đi về bằng máy bay miễn phí.

Ông đại tá đã không cầm nổi nước mắt khi đứng trước nghĩa trang liệt sĩ thắp nén nhang tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống. Bọn trẻ được một phen thích mê những câu chuyện không bao giờ cũ của ông Điện Biên. Chúng nâng niu bàn tay của ông lên ngắm nghía. Đôi bàn tay của người lính già thô tháp chẳng có gì đặc biệt, vậy mà đã làm nên bao chuyện thần kỳ.

Câu chuyện của mấy đứa trẻ với ông Điện Biên tưởng chừng không thể dứt ra được nếu không có chiếc xe hơi dừng trước ngõ. Hai người đàn ông và một người phụ nữ trẻ mở cửa xe bước vào. Thấy có khách, bọn trẻ vội vàng xin phép ra về. Người đàn ông dong dỏng đeo cặp kính cận dày cộp khẽ đặt chiếc cặp lên bàn. Thưa bác, chúng cháu đã soạn thảo giấy tờ theo ý bác, xin bác soát lại và cho ý kiến. Chúng cháu chỉ ngại một điều là chưa rõ ý con cháu dâu rể của bác liệu có thuận không?

Tài sản trị giá một đống tiền. Ông đại tá cười nhẹ, các anh chị khỏi lo. Tôi đã bàn bạc kỹ với chúng nó rồi, ban đầu không phải đứa nào cũng ủng hộ ý nguyện của tôi đâu. Nhưng nay thì chúng thuận rồi. Tôi dẫu sao vẫn còn may mắn hơn hàng nghìn đồng đội vĩnh viễn nằm lại với mảnh đất Điện Biên lịch sử. Họ đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất đổi lấy tự do và độc lập cho Tổ quốc mà có giữ lại cho mình chút gì đâu.

Nếu tôi bán ngôi nhà này bất quá cũng chia cho mỗi đứa con được hơn chục cây vàng, phỏng có ích gì. Mười bảy tuổi, tôi trốn nhà đi bộ đội, tài sản chỉ có chiếc ba lô. Nay tôi đã hoàn thành trách nhiệm đối với gia đình, con cái. Tôi yêu các con cháu của tôi vô cùng, nhưng tôi không muốn chúng trở thành những kẻ chỉ biết hưởng thụ. Xin hãy coi như đây là một chút lòng thành nhỏ nhoi của tôi. Ông đại tá dừng lại một lát để thấm nước mắt.

… Tôi xin hiến toàn bộ ngôi nhà này cho thành phố, với một điều kiện là không được biến chỗ này thành nơi sinh lợi, kiếm lời. Chỉ được sử dụng làm nhà trẻ của khu phố hoặc làm một thư viện nhỏ dành riêng cho các cháu thiếu nhi. Đấy là ước nguyện cuối đời của một người lính Điện Biên Phủ.

Tiễn khách ra đường, ông đại tá đứng lặng dưới cây bằng lăng đang duỗi dài những tràng hoa tím rịm. Ngọn gió từ khơi xa thổi vào khiến ông thơ thới.

NGUYỄN MINH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/84/316007/chuyen-cua-ong-dien-bien.html