Chuyên đề: Chuẩn bị nguồn nhân lực cho Sân bay Long Thành: Ưu tiên cho lao động địa phương làm việc tại Sân bay Long Thành
Để thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế (Sân bay) Long Thành, hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Long Thành đã phải nhường đất, chuyển đến nơi ở mới. Do đó, một trong những ưu tiên của Đồng Nai trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ dự án Sân bay Long Thành là ưu tiên cho lao động địa phương vào làm việc tại đây.
Đồng Nai cũng sẽ triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực để phục vụ dự án Sân bay Long Thành.
Sự thịnh vượng phải đồng nghĩa với sự phát triển của cư dân vùng dự án
Toàn bộ dự án Sân bay Long Thành được triển khai thực hiện trên diện tích khoảng 5 ngàn hécta. Để có mặt bằng triển khai, khoảng 5,5 ngàn hộ gia đình với hơn 15 ngàn nhân khẩu trong vùng dự án đã phải di dời đến nơi ở mới, nhường đất cho công trình trọng điểm của quốc gia.
Cùng với việc chăm lo, ổn định đời sống tại nơi ở mới cho người dân vùng dự án, một trong những vấn đề được Đồng Nai quan tâm thực hiện là đào tạo, tìm kiếm việc làm cho người dân, trong đó có việc làm ngay tại chính dự án Sân bay Long Thành. Bởi họ là những người đã giao đất, chấp nhận hy sinh để xây dựng sân bay.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, chuẩn bị nhân lực cho sân bay Long Thành là công việc hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực phục vụ Sân bay Long Thành phải là nguồn nhân lực chất lượng cao. “Về lâu dài, phải tính toán nhân lực cho cả vùng Sân bay Long Thành với không gian quy hoạch phát triển mới lên đến 30 ngàn hécta. Ngoài ra, các cơ quan cũng cần thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao theo tiêu chí thu hút đầu tư vào bốn khu công nghiệp lân cận sân bay mà Đồng Nai đã đưa vào quy hoạch” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết.
Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, phải ưu tiên tạo cơ hội cho người dân địa phương, trước hết là địa bàn Long Thành, con em những hộ dân đã “hy sinh” nhường đất thực hiện dự án Sân bay Long Thành. “Sự thịnh vượng của khu vực này phải đồng nghĩa với sự phát triển của cư dân khu vực này. Không thể chấp nhận Sân bay Long Thành phát triển nhưng thanh niên địa phương lại thất nghiệp vì không được đào tạo, không được học nghề, không được tuyển dụng” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ rõ.
Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ngành chức năng sớm tham mưu tỉnh ban hành chính sách học bổng, tín dụng học nghề cho thanh niên Đồng Nai theo cơ chế đặt hàng. Nếu nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng đủ thì chấp nhận tuyển dụng người từ nơi khác đến, mục đích duy nhất là bảo đảm an toàn bay. Đồng thời, người đứng đầu Tỉnh ủy cũng bày tỏ mong muốn các cơ sở đào tạo lớn hỗ trợ các trường ở Đồng Nai thông qua mô hình liên kết đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng cả những ngành nghề trong và ngoài sân bay.
UBND tỉnh giao Sở Lao động thương binh và xã hội phối hợp các sở, ngành chịu trách nhiệm báo cáo Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ Sân bay Long Thành trình Ban cán sự Đảng UBND tỉnh để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua trong quý II-2024 nhằm tổ chức triển khai thực hiện.
Xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ Sân bay Long Thành
Theo UBND tỉnh, tính đến cuối năm 2023, dân số của tỉnh có khoảng 3,2 triệu người. Trong đó, người trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) khoảng 1,7 triệu người. Số người tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm khoảng từ 30-35 ngàn người. Như vậy, tỉnh có đủ nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động (về số lượng) để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của Sân bay Long Thành. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là để có thể làm việc tại Sân bay Long Thành thì lực lượng này cần phải được đào tạo chuyên môn.
Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu tỉnh phải cấp thiết xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực để phục vụ Sân bay Long Thành đi vào hoạt động. “Đề án phải mang tính khả thi cao” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết.
Đồng Nai đã thống nhất triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực để phục vụ Sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Đồng thời, giao Sở Lao động, thương binh và xã hội chủ trì phối hợp các sở, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng đề án. “Trong quá trình xây dựng đề án, UBND tỉnh đã lưu ý các đơn vị liên quan xác định yêu cầu, đối tượng, dự toán kinh phí (nguồn nào hỗ trợ từ nhà nước, nguồn nào thu từ học viên…), xác định trình độ đầu ra, đầu vào đảm bảo sau khi đào tạo phục vụ tốt hoạt động Sân bay Long Thành. Trong đó, ưu tiên cho lao động thuộc các hộ gia đình có đất bị thu hồi để phục vụ dự án” - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chia sẻ.
Cùng với đó, UBND tỉnh đề nghị Cảng vụ Hàng không miền Nam, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là đầu mối, làm việc cụ thể với Sở Lao động, thương binh và xã hội xác định số lượng, yêu cầu sơ bộ đầu vào, đầu ra, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cơ sở đào tạo có thể đáp ứng yêu cầu, kể cả lao động dịch vụ mặt đất của các hãng hàng không. Từ đó, cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan chức năng của tỉnh làm cơ sở xây dựng đề án sát với nhu cầu thực tế, đáp ứng được yêu cầu của Sân bay Long Thành.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương trong tỉnh thực hiện thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân đăng ký dựa trên cơ sở yêu cầu sơ bộ đầu vào, đầu ra và nhu cầu tuyển dụng việc làm tại Sân bay Long Thành. Từ đó, xác định được nhu cầu trên địa bàn tỉnh để đào tạo phù hợp. Đồng thời dự báo số lượng chuyên gia, nguồn lao động chất lượng cao đến làm việc tại Đồng Nai để xây dựng các mô hình dịch vụ phục vụ phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế.