Chuyến đi khai phá tiềm năng từ Trung Đông của Thủ tướng

Chuyến công du đến Trung Đông của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ góp phần củng cố quan hệ hữu nghị mà còn khai phá những lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với UAE, Saudi Arabia, Qatar.

UAE, Saudi Arabia và Qatar là những cường quốc năng lượng, có quy mô kinh tế lớn và vai trò quan trọng tại Trung Đông. Ba nước nói riêng và khu vực Trung Đông – Bắc Phi là những đối tác, thị trường, trung tâm tài chính, công nghệ lớn của khu vực, thế giới mà tiềm năng, dư địa hợp tác với Việt Nam còn rất lớn.

Tiến sâu vào thị trường Trung Đông

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 3 nước UAE, Saudi Arabia và Qatar vào những năm 1990. Trải qua 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên “đã có những bước tiến tích cực”.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, các quốc gia Trung Đông đều đặt Việt Nam vào vị trí ưu tiên trong “chính sách hướng Đông” của mình.

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và 3 nước trong thời gian gần đây còn chưa tương xứng với quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp cũng như tiềm năng, nhu cầu và mong muốn của hai bên.

"Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam-UAE (CEPA) nhằm tạo đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư hai nước. UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định CEPA có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực và có tiềm năng xuất khẩu lớn của Việt Nam. Điều này tạo cơ sở thuận lợi cho việc xúc tiến xuất khẩu của ta sang thị trường này và từ đó sang các nước Trung Đông. Hiệp định này sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và UAE trong thời gian tới".

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng thành công tốt đẹp với nhiều kết quả quan trọng, không chỉ góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với 3 nước mà còn mang ý nghĩa “khai phá” nhiều lĩnh vực tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với UAE, Saudi Arabia, Qatar nói riêng và thị trường Trung Đông nói chung.

Việc chính thức nâng cấp quan hệ với UAE lên “Đối tác Toàn diện” đã mở ra không gian phát triển mới cho quan hệ hai nước. UAE trở thành Đối tác Toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại Trung Đông cũng mở rộng mạng lưới Đối tác Toàn diện của Việt Nam lên 14 nước.

Đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam - UAE có ý nghĩa lịch sử để Việt Nam tiến sâu vào thị trường Trung Đông, nhằm đưa kim ngạch thương mại song phương từ 5 tỷ USD hiện tại lên 20 tỷ USD.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam - UAE là cơ hội không thể bỏ lỡ cho doanh nghiệp Việt Nam và UAE. Ảnh: Nhật Bắc

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam - UAE là cơ hội không thể bỏ lỡ cho doanh nghiệp Việt Nam và UAE. Ảnh: Nhật Bắc

Điểm nhấn về thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư cũng được nêu bật trong quan hệ với Saudi Arabia khi hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ để đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

Trong đó, Việt Nam và Saudi Arabia thống nhất đưa hợp tác kinh tế thành trụ cột chính trong quan hệ song phương, Saudi Arabia trở thành một trong các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam và hướng đến việc nâng kim ngạch thương mại song phương từ 2,7 tỷ USD của năm 2023 lên trên 10 tỷ USD vào năm 2030.

Qatar và Việt Nam cũng nhất trí nỗ lực để nâng cấp quan hệ song phương lên một khuôn khổ đối tác sâu rộng, thực chất, hiệu quả hơn; trong đó xác định hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là một trụ cột quan trọng.

Hai bên sẽ thúc đẩy khả năng đàm phán các hiệp định liên chính phủ song phương trong các lĩnh vực miễn thị thực, lao động, kinh tế, thương mại… để mở rộng thị trường cho hàng hóa.

Nhiều cơ hội rộng mở

Thủ tướng đã chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng tại các cuộc hội đàm, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo, các đối tác của UAE, Saudi Arabia và Qatar.

Trong các cuộc làm việc tại 3 nước Trung Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh: Con đường phát triển của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với ba nước. Trong đó, các nhà lãnh đạo có những điểm chung về tầm nhìn, tư duy đổi mới và phát triển; coi trọng “thời gian”, coi trọng “trí tuệ”, cùng chung khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhà nước Qatar chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao Việt Nam và Học viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao Nhà nước Qatar. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhà nước Qatar chứng kiến lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao Việt Nam và Học viện Ngoại giao - Bộ Ngoại giao Nhà nước Qatar. Ảnh: Nhật Bắc

Đặc biệt, Thủ tướng nhiều lần bày tỏ tâm đắc với “tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, cách thức quản trị và định hướng, giải pháp phát triển đất nước, cũng như phương châm hành động quyết liệt, xác định nhiệm vụ công việc rõ ràng, coi trọng thời gian, trí tuệ” của các nhà lãnh đạo vùng đất Trung Đông.

"Chuyến thăm của Thủ tướng đến 3 nước Trung Đông khẳng định “tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới, quyết tâm cao của lãnh đạo Việt Nam trong việc đưa quan hệ với 3 nước chủ chốt của khu vực vùng Vịnh bước vào một giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, tin cậy sâu sắc hơn, với nhiều cơ hội rộng mở hơn".

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng ấn tượng khi nghe Bộ trưởng Kinh tế UAE chia sẻ về các chính sách mở trong thu hút đầu tư như thủ tục lập doanh nghiệp chỉ mất 5 phút đã giúp UAE có 1,5 triệu doanh nghiệp niêm yết, tăng gấp 3 lần so với con số 500 nghìn doanh nghiệp cách đây 3 năm. Hay như chính sách visa vàng cho nhà nghiên cứu, chuyên gia, sinh viên nhằm thu hút nhân tài.

Thủ tướng cho rằng, đây là cốt cách của người Trung Đông, những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi.

Trên tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện”, người đứng đầu Chính phủ áp dụng ngay những điều này khi làm việc với bộ ngành của nước bạn để triển khai các cam kết hợp tác mà hai bên đã thống nhất.

Đó là cuộc “marathon" giữa Bộ trưởng Công nghiệp và Khoáng sản Saudi Arabia Bandar Alkhorayef và Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên được Thủ tướng đặt ra để đàm phán ký kết Hiệp định thương mại tự do vào quý 1 năm 2025. Trong đó, Thủ tướng và Hoàng Thái tử - Thủ tướng Saudi Arabia sẽ làm trọng tài và là khán giả chứng kiến cuộc đua này.

Đó là đòi hỏi sự "máu lửa" vào cuộc của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Công nghệ truyền thông Qatar Mohammed bin Ali bin Mohammed Al Mannai cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong thực hiện công thức hợp tác ''nguồn lực tài chính từ Qatar, nguồn lực con người của Việt Nam, cùng quan hệ của hai nước" để tạo ra sản phẩm cung cấp cho thị trường Trung Đông.

“Thời gian không đợi ai cả, phải vượt qua chính mình thì mới làm được việc lớn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đúc kết.

Trong các cuộc tiếp doanh nghiệp, nhà đầu tư hàng đầu của nước bạn, Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Chúng ta có mong muốn, có khát vọng và điều kiện thì không có lý do gì không hợp tác với nhau".

"Việt Nam luôn kiên định chính sách tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư”, với “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh".

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đáp lại sự nhiệt huyết, chân thành và thiện chí của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo 3 nước đều bày tỏ ngưỡng mộ lịch sử hào hùng của Việt Nam, đánh giá cao tiềm năng, thành tựu phát triển và vị thế, vai trò ngày càng cao của Việt Nam.

Quốc vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al Thani khẳng định “không có giới hạn nào trong quan hệ với Việt Nam”.

Bộ trưởng Công nghiệp và Khoáng sản Saudi Arabia bày tỏ: “Những thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền cảm hứng mạnh mẽ”.

Lãnh đạo các quỹ đầu tư, các tập đoàn lớn của 3 nước đều khẳng định, sau chuyến thăm của Thủ tướng sẽ cử ngay đoàn sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh với tinh thần “không bỏ lỡ cơ hội” đang mở ra và sớm hiện thực hóa thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai bên.

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Ảnh: Nhật Bắc

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Ảnh: Nhật Bắc

Có thể nói, chuyến thăm của Thủ tướng tới 3 nước Trung Đông đã tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận những nguồn lực mới, những bài học kinh nghiệm quý, tạo động lực mới cho những lĩnh vực hợp tác truyền thống, thúc đẩy khai phá những lĩnh vực tiềm năng. Từ đó giúp đất nước thu hút tối đa các nguồn lực phục vụ phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Từ "kỳ tích trên sa mạc", với quyết tâm "biến những gì không thể thành có thể", "đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện, đã thực hiện là ra sản phẩm cân đo đong đếm được" như Thủ tướng vẫn thường nhắc nhở, hy vọng trong thời gian tới sẽ có một "kỳ tích mang tên Việt Nam".

Những con số ấn tượng

- 60 hoạt động tại 3 nước.

- Việt Nam - UAE đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD.

- Việt Nam - Saudi Arabia hướng đến nâng kim ngạch thương mại song phương lên trên 10 tỷ USD vào năm 2030.

- 33 văn bản hợp tác trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, tài chính, năng lượng, đổi mới sáng tạo, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng, giáo dục - đào tạo, thể thao, hợp tác giữa các doanh nghiệp...

- Lãnh đạo tập đoàn năng lượng ACWA Power của Saudi Arabia sẵn sàng đầu tư 5 tỷ USD để triển khai các dự án tại Việt Nam “nhanh nhất có thể”...

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-di-khai-pha-tiem-nang-tu-trung-dong-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-2338330.html