Chuyến đi rừng

Được nghỉ hè, Cang không phải dậy sớm đi học như mọi khi, nó thoải mái ngủ. Nó còn nằm mơ, giờ ra chơi, cùng thằng Tảo, thằng Chu, thằng Mận đánh quay dưới tán cây lát ở sân trường:

- Cang ơi, pa vào rừng thông trong Thua Lạn, con dậy ăn sáng, nếu muốn đi chơi nhớ khóa cửa nhá! Pa đứng ở bên bàn học cạnh giường nó nói to.

- Pa vào rừng thông cho con đi với! Cang bật dậy thật nhanh.

Những tia nắng sớm rọi qua cửa sổ, rọi cả vào giường, Cang dụi mắt lấy khăn mặt, bàn chải đánh răng ra máng nước cạnh bếp rửa mặt.

- Thế thì con khẩn trương rửa mặt, rồi đem theo gói xôi mẹ gói sẵn ở dưới lồng bàn ấy.

- Vâng… nhưng mẹ đi đâu rồi pa? Cang nhìn quanh nhà hỏi pa nó.

- Mẹ đi chợ phiên dưới Nà Lẹng từ khi trời chưa sáng rõ rồi! Pa không nhìn thằng Cang mà nhìn ra lối mòn khi ẩn, khi hiện ven cánh rừng trước cửa nói với nó.

- Nếu con biết mẹ đi chợ, con bảo mẹ mua cho con một thứ...

- Con muốn mua thứ gì? Pa mỉm cười nhìn cậu con trai dáng dấp hơi gầy, được cái nó nhanh nhẹn và hiểu chuyện rất nhanh.

- Con muốn mẹ mua cho con một bộ lego tàu thủy… Cang gãi gãi đầu cười.

- Vậy à? Thôi để mai kia pa xuống dưới xã họp mặt trận, nếu có pa mua cho! Chú Vĩ xoa xoa đầu nó.

- Pa nhớ nhé? Nó ngước nhìn pa bằng ánh nhìn tin cậy.

- Pa hứa… dù sao con cũng đáng được thưởng, vì năm nay con đạt học sinh giỏi mà! Nào, con rửa mặt xong rồi lấy gói xôi, lát nữa vào rừng ăn cũng được, nếu không đi muộn nắng lắm. Chú Vĩ giục cậu con trai.

- Vâng ạ.

Chú Vĩ khóa cửa rồi rảo bước ra lối mòn, Cang cũng bước nhanh theo sau pa. Mõ dao chú Vĩ đeo sau lưng khua lách cách theo từng bước chân nghe cũng vui tai. Cang cũng đeo một mõ dao, nó không buộc ngang lưng mà đeo mõ dao chéo qua vai, y như các chú bộ đội đeo súng. Bóng hai pa con Cang, một cao lớn, một hơi thấp mảnh mai dưới ánh nắng sớm chan hòa. Ut… ut… Thằng Cang giật mình, con bìm bịp cặp cánh nâu, vụt bay ngang lối mòn xuống dưới khe, kêu lạc lõng:

- Pa ơi, con bìm bịp làm con giật cả mình! Thằng Cang vừa thở hổn hển vừa nói.

- Ơ, con trai miền núi mà lại giật mình bởi con chim bìm bịp à? Chú Vĩ quay lại nhìn Cang và nói.

- Thì… thì nó kêu ngay trước mặt mà pa! Cang chống chế.

- Con chim bìm bịp nó làm tổ ở tít trên cành cao như chim chào mào, khướu, queng quý… à pa? Cang hỏi.

- Không phải đâu con trai ạ. Chú Vĩ giải thích: Chim bìm bịp thường làm tổ chỉ cách mặt đất chừng một mét, ở những nơi có nhiều rắn để tiện cho việc săn mồi, vì món ăn khoái khẩu của bìm bịp là các loài rắn nhỏ, nhái, cá... Tổ của bìm bịp có hình dạng hơi dài, miệng tổ hơi nghiêng về một bên. Mỗi lứa bìm bịp lớn đẻ từ 3 - 4 quả trứng.

- Wow… Bìm bịp bắt cả rắn để ăn à pa? Cang ngạc nhiên kêu lên.

- Ừ, sở trường của loài bìm bịp đấy! Chúng vốn là loài ăn thịt mà! Chú Vĩ nói tiếp.

- Người ta còn bắt bìm bịp non về nuôi, thuần hóa chúng để chúng giữ nhà đấy! Chú Vĩ vừa rảo bước nhanh lên con dốc Thua Lạn, vừa kể về loài bìm bịp cho cậu con trai nghe.

- Nhưng mà pa, sao con bìm bịp lại biết giữ nhà? Thằng Cang ngỡ ngàng.

- Loài bìm bịp thường ăn rắn, chuột… nên người ta bắt được bìm bịp con sẽ chăm sóc nó, nuôi nó từ nhỏ, khi lớn lên nó quen ở với người sẽ không bay đi. Chim bìm bịp rất thông minh, ngày xưa các cụ kể: Khi người bị tai nạn gãy tay hay gãy chân là nhờ con bìm bịp mẹ lấy thuốc. Nếu muốn lấy được thuốc của bìm bịp mẹ, người ta tìm ổ chim bìm bịp, bẻ gãy cánh hoặc gãy chân bìm bịp con. “Oái… sao người ta ác thế à pa?”. Thằng Cang kêu lên. Từ từ pa kể nào… khi chim mẹ đi kiếm ăn về thấy con gãy xương, nó bèn bay đi tìm lá thuốc ủ cho con nó vài ba ngày là lành ngay. Người già kể rằng, tổ chim bìm bịp chỉ ở được một hai lứa, đến lứa thứ ba chim mẹ sẽ tha rắn hổ về canh ổ của nó. Thế mới có câu “Bìm bịp là thầy rắn hổ”. Vị thuốc mà bìm bịp mẹ chữa cho con nó, ngày nay con người cũng đã biết và dùng để chữa trị khi bị gãy xương”.

Minh họa: Hoàng Chinh

Minh họa: Hoàng Chinh

Cang nghe pa kể, nó đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, rồi nó thầm ao ước: “Nếu mình mà bắt được con bìm bịp con, mình sẽ nuôi chúng trông nhà, mình sẽ làm bạn với nó, chăm sóc nó thật tốt”.

Chú Vĩ kể xong về loài chim bìm bịp, thì hai pa con chú đã đến đỉnh dốc Thua Lạn, rừng thông cao vút hiện ra, dưới ánh nắng hè trong vắt. Tiếng chim cu cườm rúc cu… cu từng chặp, chim chào mào, khướu, chích chòe thi nhau hót vang trên cánh rừng ngút ngàn. Gió thổi qua rừng thông vi vu như điệu nhạc không lời, Cang thích thú chạy xuống dưới những gốc thông thẳng tắp cao phải chục mét, nó gom lớp lá thông hình kim ngả màu nâu rơi đầy dưới gốc, rồi nó ngả xuống nằm, “mát quá”. Cang reo lên thích thú.

“Con ăn xôi đi, pa sang bên kia rừng thông kiểm tra xem đã nhé”. “Pa đợi con với, con cũng đi”. “Được rồi”. Cang vội mở gói lá chuối ra, xôi mẹ đồ hai màu tím và trắng nhìn rất hấp dẫn, nó thong thả véo từng mẩu xôi chấm với muối lạc ăn vừa bùi, vừa thơm. Trên thảm lá thông dày, những hạt nắng xiên qua kẽ lá thông chạy đi, chạy lại như có bàn tay vô hình nào đó trêu đùa. Inh… inh… Ve rừng đua nhau rền rĩ, Cang ăn hết gói xôi, nó đón bình toong nước từ tay pa, ngửa cổ tu một hơi, dà, vị nước vối thơm thật!

“Nào, đi thôi con trai”. Chú Vĩ đứng dậy, Cang cũng nhanh nhảu theo sau pa. Dưới vòm cây cao vút và dày, đến mức nắng cũng khó lọt xuống, rừng thông vi vu gió, ve ran ran, các loài chim đua nhau hót vang cả khu rừng u tịch. “Chim bìm bịp giỏi thật, dám bắt cả rắn để ăn, lại còn biết cây thuốc chữa gãy xương nữa, thế mà lần trước mình theo mẹ xuống chợ, vào quán phở, thấy bình thủy tinh rượu to tướng, ngâm cả con bìm bịp, sao họ lại bắt nó để ngâm rượu thế chứ? Có lẽ họ còn bắt cả chim con về nuôi, rồi lại đem ngâm rượu cũng nên… chiều nay đi chăn trâu mình sẽ kể cho tụi thằng Tảo, thằng Chu, thằng Mận, cái Ngay biết chuyện con bìm bịp để mọi người sau này không săn bắt bìm bịp nữa”.

- Con trai à? Mệt chưa? Chú Vĩ hỏi thằng Cang.

- Pa… pa bảo gì con vậy? Cang không hiểu pa nó vừa nói gì.

- Ơ, con trai đang mơ à? Pa hỏi con mệt chưa? Chú Vĩ quay lại nhìn nó mỉm cười.

- Là… là con nghĩ con bìm bịp biết cây thuốc ấy…

- Đúng là loài bìm bịp biết cây thuốc đấy! Chú Vĩ khẳng định, chú dừng trước mấy gốc cây sau sau to đã bị người ta chặt lấy gỗ, gần cuối rừng thông: Con xem này, nhiều nấm quá, chú Vĩ cúi xuống, vặt những cây nấm trắng mọc chi chít quanh gốc cây sau sau.

Cang giúp pa nhặt những cây nấm, không chỉ ở gốc cây sau sau to bị đốn này, gần đó những cành cây sau sau khô cũng mọc khá nhiều nấm. Hồi lâu, pa con Cang đã hái được cả vốc nấm. “Trưa nay mẹ nấu canh nấm này ăn ngọt lắm”. Chú Vĩ vui vẻ. “Nào pa con mình đến cuối rừng thông kia, xem có gì khác thường không rồi về”.

“Vâng, nhưng mà pa, nếu pa con mình thấy tổ con bìm bịp, pa cho con bắt con nó về nuôi nhé?”. Cang nhìn sang pa đang phát những cành cây dại ven rừng thông rồi nói. “Theo pa, nếu thấy tổ bìm bịp thì kệ nó con ạ, cứ để chúng sinh sản trong tự nhiên, bắt con nó về nuôi cũng được, nhưng bất kể loài vật nào cũng muốn ở cùng cha mẹ chúng, con thấy pa nói đúng không?”. “Đúng thế pa ạ”. Bởi vì thằng Cang cũng không bao giờ muốn xa pa mẹ, dù năm nay nó đã bảy tuổi, pa hay mẹ đi vắng một buổi nó đã ra đứng ở lối mòn ngoài ngõ để ngóng họ về.

Hai pa con chú Vĩ xuống đến chân dốc thì mặt trời đã chênh chếch trên ngọn cây. Nắng ngập tràn khắp cánh rừng Thua Lạn, ve rừng inh ỏi trên cành cao, thằng Cang vẫn mải nghĩ về chuyện con bìm bịp mà pa kể, mãi tới bây giờ nó mới biết loài chim bìm bịp có ích cho con người như vậy.

Đoàn Ngọc Minh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/chuyen-di-rung-3171653.html