Chuyển dịch năng lượng - Hiểu cho đúng để không lạc hướng

Trong vài năm gần đây, cụm từ 'chuyển dịch năng lượng' xuất hiện dày đặc trên báo chí, trong các chiến lược quốc gia và cả những buổi hội thảo lớn nhỏ. Nhưng càng đọc, càng nghe, người ta càng dễ rơi vào trạng thái… hồ nghi.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Có người bảo phải bỏ hết than, dầu khí; có người lại quả quyết năng lượng tái tạo sẽ giải quyết tất cả. Có cả những nhà đầu tư vội vã chạy theo trào lưu, lẫn người dân hoang mang không biết điện sẽ đi về đâu. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần ngồi lại, suy nghĩ cẩn thận, để hiểu đúng và đi đúng.

Chuyển dịch năng lượng là một xu thế không thể đảo ngược, nhưng không vì thế mà tất cả các quốc gia có thể đi với cùng tốc độ, cùng điểm xuất phát. Những nền kinh tế phát triển thường đã có sẵn hạ tầng điện lực hiện đại, công nghệ lưu trữ tiên tiến và thị trường điện cạnh tranh. Ngược lại, nhiều nước đang phát triển vẫn còn đối mặt với bài toán tăng trưởng nhanh, nhu cầu điện lớn nhưng khả năng đầu tư hạn chế.

Trong bối cảnh đó, nếu hiểu sai, hoặc nóng vội chạy theo một mô hình duy nhất, hậu quả có thể không chỉ là thất bại tài chính, mà còn là sự bất ổn trong cung ứng điện, tác động dây chuyền đến nền kinh tế và đời sống xã hội. Chuyển dịch năng lượng, do vậy, không phải là một cuộc đua tốc độ, phải là một hành trình đòi hỏi sự tỉnh táo, cân nhắc và thích ứng phù hợp với điều kiện riêng của từng quốc gia.

Ở đây, nếu hiểu sai, đi sai, cái giá phải trả không chỉ là vài dự án thất bại, mà là nguy cơ mất cân bằng cung cầu, thậm chí mất an ninh năng lượng, thứ mà không quốc gia nào dám coi nhẹ.

Nhiều người quá tin vào điện mặt trời, điện gió, xem đó như một lối thoát hoàn hảo. Nhưng thực tế thì khác. Những nguồn điện này phụ thuộc vào nắng và gió - thứ mà con người chưa điều khiển được. Khi không có nắng, không có gió, thì vẫn phải có điện chạy đều. Đó là lý do vì sao thế giới vẫn duy trì các nguồn điện nền - thủy điện, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), điện hạt nhân.

Tại Việt Nam, có lúc điện mặt trời tăng trưởng quá nhanh, nhưng không kèm theo đầu tư truyền tải. Hệ quả là điện thừa ở nơi nắng nhiều, nhưng không chuyển đi đâu được. Và trong những ngày mây mù, người dân vẫn cần điện như thường.

Có một quan điểm thường được các chuyên gia năng lượng nhấn mạnh: “Không có năng lượng nào là xấu - chỉ có cách sử dụng xấu”. Đây là cách nhìn công bằng hơn trong đánh giá các nguồn năng lượng, bởi vấn đề không nằm ở bản thân than đá hay dầu khí, mà ở công nghệ, quy chuẩn môi trường, và cách con người khai thác, sử dụng chúng. Với dầu khí cũng vậy. Nếu dùng có chọn lọc, có công nghệ lọc, giảm phát thải, thì khí tự nhiên vẫn là một nguồn sạch. Trong giai đoạn ban dầu của sự chuyển đổi, vai trò của khí - đặc biệt LNG - là không thể thay thế.

Nhiều tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đã và đang lựa chọn một hướng đi thận trọng nhưng có chiều sâu: không từ bỏ vai trò truyền thống một cách đột ngột, từng bước chuyển mình thành các tập đoàn năng lượng tích hợp. Họ vẫn khai thác dầu khí với công nghệ sạch hơn, đồng thời đầu tư vào điện khí, phát triển điện gió ngoài khơi, nghiên cứu thu giữ carbon (CCS), và từng bước tiếp cận hydrogen hay lưu trữ năng lượng.

Đó không phải là sự níu kéo quá khứ, mà là một kiểu đổi thay có nền móng, nơi kinh nghiệm công nghiệp, năng lực tài chính và mạng lưới toàn cầu được tận dụng để đi vào lĩnh vực mới, nhưng không làm tác động tiêu cực sự ổn định hiện tại. Một cách đi không ồn ào, nhưng có cơ sở để bền vững.

Có một điều đáng tiếc là: nhiều người nghĩ “chuyển dịch năng lượng” chỉ là chuyện vĩ mô. Nhưng thật ra, chuyển dịch năng lượng bắt đầu từ những điều nhỏ, như tắt điện khi không sử dụng, đi xe điện nếu phù hợp, hay đơn giản là hiểu đúng bản chất của năng lượng. Chúng ta không thể đòi hỏi một lưới điện xanh nếu bản thân vẫn tiêu thụ lãng phí, vẫn phung phí tài nguyên. Sự bền vững bắt đầu từ thói quen, điều mà mỗi người đều góp phần tạo nên.

Chuyển dịch năng lượng không phải là một khẩu hiệu, càng không nên là nơi để các “trường phái” tranh cãi hơn thua. Nó cần được nhìn như một bài toán kỹ thuật, kinh tế và xã hội. Nếu đặt sai đề bài, thì lời giải, dù hoành tráng, cũng dễ đưa đến ngõ cụt.

Chuyển dịch năng lượng cần được tiếp cận như một quá trình gieo trồng dài hạn, đòi hỏi sự kiên nhẫn, đầu tư bài bản và khả năng chờ đợi thành quả. Bởi năng lượng, tựa như mạch máu trong cơ thể kinh tế, mọi can thiệp đều phải cẩn trọng, chính xác, không thể hấp tấp. Thay đổi hệ thống năng lượng cũng giống như điều trị một trái tim: cần hiểu rõ cơ chế vận hành, lượng đúng liều và tuyệt đối không được phép sai lầm.

Ngày 28/7, tại Hà Nội, Hội Dầu khí Việt Nam phối hợp cùng Petrovietnam tổ chức Diễn đàn Dầu khí và Năng lượng thường niên 2025 với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và Hành động” nhằm tạo ra không gian đối thoại, trao đổi sâu sắc giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành năng lượng.

Thiên Tường

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-dich-nang-luong-hieu-cho-dung-de-khong-lac-huong-730538.html