Đừng để mạng xã hội 'dắt mũi'

Trong thời đại trí thông minh nhân tạo (AI) bùng nổ, chúng ta đang sống trong một không gian mạng mà tin tức thật, giả lẫn lộn.

Tại một diễn đàn về truyền thông ở Azerbaijan mà tôi vừa tham gia, một diễn giả đã đặt câu hỏi: “Có bao nhiều người trong số các bạn tin vào những thứ nhìn thấy trên mạng nhưng về sau điều đó hóa ra là sai sự thật?”. Tôi là một trong số những người đã giơ tay. Sau khi nhận ra mình đã bị “dắt mũi” bởi một bức ảnh không có thật do AI tạo ra, tôi đã luôn ở trong trạng thái cảnh giác, hoài nghi mỗi khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, luôn đặt cho mình câu hỏi đây là thật hay giả mỗi khi bắt gặp một thông tin hay hình ảnh kịch tính.

Tôi tin rằng có nhiều người từng như tôi, từng vội tin vào những gì mình vừa nhìn thấy, thậm chí còn bị cảm xúc cuốn đi và vội chia sẻ những thông tin đó, vô tình làm cho tin giả lan càng nhanh.

Những thông tin sai lệch về vụ lật tàu do AI "sáng tác". Ảnh: Vietnam+

Những thông tin sai lệch về vụ lật tàu do AI "sáng tác". Ảnh: Vietnam+

Vụ lật tàu du lịch Vịnh Xanh gây hậu quả thương tâm tại vịnh Hạ Long mới đây là một sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, là cơ hội để nhiều người lợi dụng phát tán ảnh giả, tin giả, video giả do AI tạo ra nhằm tăng tương tác, câu view. Bên cạnh các bức ảnh giả về nạn nhân vụ lật tàu là những thông tin, những câu chuyện được sáng tác, bịa đặt để tăng tính cảm động, đánh vào cảm xúc của độc giả. Bên dưới là hàng nghìn lượt bình luận cứ như thể bức ảnh và những thông tin đó là thật. Chỉ một số người nhận ra đó là sản phẩm của AI.

Mới đây, ngày 24/7, một nam thanh niên tại Hà Nội đã bị phạt 7,5 triệu đồng vì dùng AI tạo ảnh giả, mô tả cảnh một người tạo dáng “sang chảnh” ký biên bản nộp phạt với cảnh sát giao thông, kèm theo cuộc đối thoại bịa đặt mang tính cợt nhả. Bức ảnh nam thanh niên kia dựng lên bằng AI chỉ là một trong nhiều bức ảnh tương tự đang trở thành trào lưu gần đây trên mạng xã hội. Thoạt nhìn, những bức ảnh này gây bối rối vì trông rất thật.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hai ví dụ trên chỉ là một vài trong số những hành vi câu view bất chấp nhằm trục lợi từ nỗi đau của người khác, nhằm đánh lừa dư luận. Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều ví dụ cho thấy sự phổ biến đến mức báo động của hình ảnh giả mạo do AI tạo ra. Những hình ảnh này không chỉ khiến không gian mạng thật - giả lẫn lộn, mà còn khoét thêm nỗi đau, gây tổn thương tinh thần cho những người có liên quan.

Tin giả không còn là điều xa lạ với người dùng Internet, nhưng khi kết hợp với công nghệ AI biến đổi từng giờ, thì sự nguy hiểm đã tăng lên một mức độ mới.

Ảnh giả mà AI tạo ra ngày càng tinh vi và giống ảnh thật. Chỉ cần những công cụ miễn phí hoặc trả phí dễ tiếp cận, người dùng bình thường cũng có thể tạo ra những bức ảnh mang tính thuyết phục cao. Ảnh do AI tạo ra bây giờ không còn những chi tiết ngớ ngẩn, phi lý mà nhìn là có thể phát hiện ra ngay. Những bức ảnh giả ngày càng chân thật vì AI học rất nhanh và học rất giỏi để tạo ra các sản phẩm “giả như thật”.

Càng nguy hiểm hơn khi những bức ảnh hay video “giả như thật” đó được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên không gian mạng xã hội. Một bài đăng trên Facebook hay TikTok có thể đạt hàng chục nghìn lượt tương tác chỉ trong vài giờ. Cảm xúc cộng đồng thường đi trước lý trí vì người xem dễ bị tác động bởi các hình ảnh bi thương, gây xúc động mạnh, trước khi đủ tỉnh táo để kiểm tra tính xác thực.

Khi báo chí chính thống chưa kịp xác minh và khi cơ quan chức năng chưa kịp xử lý các luồng thông tin bịa đặt dẫn dắt dư luận thì những đối tượng tạo ảnh giả đã kịp kiếm tiền từ các lượt view, lượt tương tác trên các kênh mạng xã hội.

Ảnh giả nhưng hậu quả luôn là thật, nhất là với lòng tin của xã hội. Khi thật, giả lẫn lộn, người ta dần mất lòng tin vào thông tin trên mạng khi nhận ra mình là một trong cả triệu người khóc thương “online”, rồi hoài nghi cả báo chí chính thống. Nghiêm trọng hơn, nếu tình trạng này không được kiểm soát, lòng tin vào hệ thống thông tin chính thống sẽ suy giảm.

Trong thời đại mà bất cứ ai cũng có thể trở thành “nhà sản xuất nội dung” với vài cú bấm chuột, thì năng lực truyền thông (media literacy) là điều rất quan trọng.

Đây là khái niệm tương đối mới ở Việt Nam và là kỹ năng thiết yếu mà mỗi người cần trang bị, nhất là trong thời đại AI. Theo bà Shafag Mehraliyeva, giảng viên tại Đại học ADA (Azerbaijan), năng lực truyền thông là loại kỹ năng cơ bản của thế kỷ 21, quan trọng không kém gì việc biết đọc và biết viết.

Đó là khả năng tiếp nhận thông tin một cách có chọn lọc, biết phân biệt đâu là tin thật, đâu là hình ảnh dàn dựng, đâu là cảm xúc bị thao túng. Khi đối mặt với một bài đăng gây xúc động, người dùng cần tự hỏi: ai đang đưa tin?, có nguồn kiểm chứng không?, mục đích của người đăng là gì?... Không chia sẻ vội vàng, không tiếp tay cho những nội dung giả mạo cũng là một cách bảo vệ sự thật. Năng lực truyền thông giúp một người trở thành người tiêu dùng thông tin chủ động, thay vì là nạn nhân của cơn bão thông tin sai lệch. Khi thấy một hình ảnh khiến mình “nổi da gà” hoặc “muốn chia sẻ ngay lập tức”, đó chính là lúc ta cần dừng lại và kiểm tra.

Giữa một thế giới mà thông tin thật - giả, nửa thật - nửa giả trộn lẫn, báo chí chính thống vẫn là tuyến đầu bảo vệ sự thật. Trách nhiệm của báo chí không chỉ là đưa tin nhanh, mà còn phải đưa tin đúng. Đặc biệt, báo chí cần chủ động đấu tranh, không chỉ phản bác lại tin giả, mà còn vạch trần nguồn gốc, phương thức tạo ra tin giả, qua đó nâng cao nhận thức xã hội.

Có thể nói chúng ta không thể ngăn chặn 100% tin giả, nhưng nhờ sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, ta có thể ngăn mình trở thành nạn nhân, để không bị tin giả thao túng, “dắt mũi”.

Thùy Dương

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/goc-nhin/dung-de-mang-xa-hoi-dat-mui-20250727195512983.htm