Chuyển đổi số trung tâm phục vụ hành chính công, tăng tốc số hóa dữ liệu bằng AI
DNVN – Trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ và toàn, việc hiện đại hóa hành chính công đang trở thành ưu tiên hàng đầu.
Giải pháp công nghệ "Make in Vietnam" mang tính hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và địa phương thực hiện thủ tục hành chính, từ đó hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ số ngay từ gốc rễ hành chính địa phương.
Giải pháp này là sự kết hợp hiệu quả giữa Phần mềm Hệ thống trạm số hóa và định danh dữ liệu điện tử cùng Phần mềm Hệ thống nhận dạng văn bản ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI.OCR - HWR). Hai hệ thống phần mềm này được xem là "trái tim công nghệ" của Trung tâm phục vụ hành chính công tiêu chuẩn mới. Tại đây, cá nhân và tổ chức được trao quyền tự chủ tối đa, có thể chủ động số hóa giấy tờ hoặc thực hiện dịch vụ công trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi và chính xác trên các trang thiết bị bố trí tại bộ phận một cửa.

Mô hình ứng dụng trạm số hóa và định danh dữ liệu điện tử tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Ninh.
Điểm ưu việt của giải pháp nằm ở khả năng ứng dụng AI và tự động hóa toàn diện, mang lại hiệu suất vượt trội và trải nghiệm phục vụ tối ưu, đồng thời đóng góp trực tiếp vào mục tiêu tạo lập dữ liệu sạch, có giá trị cao cho quốc gia theo đúng tinh thần Nghị quyết 214/NQ-CP.
Phần mềm Hệ thống trạm số hóa và định danh dữ liệu điện tử: Nổi bật với khả năng định danh dữ liệu điện tử thông qua VNeID và CCCD gắn chip, kết nối trực tiếp với định danh điện tử quốc gia. Điều này không chỉ xác thực nhanh chóng mà còn chuẩn hóa dữ liệu, đảm bảo tính toàn vẹn và liên thông toàn quốc. Quy trình quét, xử lý, ký số được thực hiện hoàn toàn tự động, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết hồ sơ, giảm thiểu sai sót và tạo ra dữ liệu số hóa chất lượng cao, sẵn sàng cho khai thác.
Phần mềm Hệ thống nhận dạng văn bản ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI.OCR - HWR): Với AI học máy linh hoạt, hệ thống này được huấn luyện liên tục trên các tình huống thực tế, nâng cao độ chính xác trong việc nhận diện và xử lý thông tin. Công nghệ này có khả năng nhận dạng ký tự quang học (OCR) cho văn bản in và đặc biệt là nhận dạng chữ viết tay (HWR) với độ chính xác cao (95-98% đối với tiếng Việt), cùng hiệu suất vượt trội (2-3 giây/trang). Hệ thống tự động bóc tách dữ liệu theo biểu mẫu, phân loại tài liệu, đảm bảo dữ liệu số hóa hoàn chỉnh, đáng tin cậy và sẵn sàng tích hợp qua API.
Song hành với các phần mềm đột phá, trung tâm phục vụ hành chính công theo mô hình mới được triển khai theo hướng dẫn tại văn bản số 5621/VPCP-KSTT ngày 20/6/2025 của Văn phòng Chính phủ.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Ninh theo tiêu chuẩn mới.
Với 8 khu vực chức năng được thiết kế tối ưu, trung tâm mang đến một môi trường phục vụ chuyên nghiệp và thân thiện: từ khu vực tiếp đón ban đầu có KIOSK AI lấy số tự động, khu vực tra cứu thông tin 24/7, khu chờ tiện nghi, khu tiếp nhận và số hóa hồ sơ, đến khu trả kết quả, cùng các khu vực hỗ trợ đa dạng (gọi điện video, quầy ưu tiên, tư vấn pháp lý, thanh toán tự động, v.v.) và khu nội bộ dành cho cán bộ.
Sự ra đời của giải pháp tổng thể này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của Việt Nam. Nó không chỉ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị định 118/2025/NĐ-CP và Văn bản 5621/VPCP-KSTT mà còn trực tiếp hưởng ứng và triển khai tinh thần Nghị quyết 214/NQ-CP ngày 23/7/2025 của Chính phủ về thúc đẩy tạo lập dữ liệu phục vụ chuyển đổi số toàn diện.
Trong chuyến thăm và kiểm tra tại xã Phúc Thịnh, Hà Nội vào ngày đầu tiên vận hành bộ máy chính quyền hai cấp (1/7/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã bày tỏ ấn tượng trước sự sắp xếp tại điểm phục vụ hành chính công của xã, nơi người dân rất phấn khởi với sự đổi mới trong cách làm, tư duy và tác phong phục vụ nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng "Công tác cải cách hành chính vẫn phải tiếp tục được đẩy mạnh để quản lý, quản trị đều phải tốt".
Sự đánh giá tích cực này là minh chứng rõ ràng cho thấy việc đầu tư vào các giải pháp số hóa "Make in Vietnam" chính là hướng đi đúng đắn, mang lại hiệu quả thực chất và nhận được sự đồng tình từ cả người dân lẫn lãnh đạo, góp phần đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian, và nâng cao sự hài lòng cho mọi cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính, từ đó hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ số từ chính gốc rễ hành chính địa phương.