Chuyển đổi canh tác từ vùng đất trũng phèn, nông dân thị xã Ngã Năm đổi đời nhờ trồng mãng cầu xiêm
Cây mãng cầu xiêm bén rễ và phát triển tươi tốt trên vùng đất trũng phèn đã mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, giúp nhiều nông dân ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đổi đời.
Gặt hái "Quả ngọt" trên đất phèn
Gia đình anh Nguyễn Việt My ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm) có 9 công đất trồng lúa, do đất trũng phèn nên một năm làm ruộng thu nhập chưa tới 40 triệu đồng. Kể từ khi chuyển đổi sang trồng mãng cầu xiêm, nhờ loại cây này thích nghi tốt với đất phèn, mỗi năm, gia đình anh thu nhập từ 450 - 500 triệu đồng/ha, tùy thời điểm.
Anh Nguyễn Việt My cho biết:
Trước đây, gia đình chỉ trồng lúa, năng suất rất thấp, cuộc sống rất khó khăn nên chuyển sang trồng mãng cầu xiêm. Vợ chồng tôi lên liếp 9 công đất trồng 600 gốc mãng cầu xiêm, khoảng 2 năm thì cho trái. Vùng đất phèn này có mãng cầu xiêm là thích nghi tốt. Cây cho trái quanh năm, giá bán dao động từ 20 - 30 nghìn đồng/kg. Nhờ được tập huấn khoa học kỹ thuật thụ phấn hoa, vườn mãng cầu nhà tôi cho trái quanh năm, đem lại lợi nhuận cao cho gia đình. Nhờ trồng mãng cầu xiêm mà gia đình tôi đổi đời, mua thêm được 5 công đất, cất ngôi nhà mới khoảng 500 triệu đồng, kinh tế gia đình ổn định.
Hơn 10 năm trước, ông Phạm Hữu Huynh ở ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới cũng đã mạnh dạn chuyển đổi từ 1 công đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng mãng cầu xiêm. Hơn 2 năm sau, gia đình mới bắt đầu thu hoạch, đợt trái đầu tiên với năng suất hơn 3 tấn/năm, với giá bán từ 10.000 - 15.000 đồng/kg trong thời điểm 10 năm trước, sau khi trừ đi chi phí sản xuất, gia đình có khoản thu nhập kha khá, với khoảng từ 20 - 25 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Ông Huynh chia sẻ: “Nếu trước kia trồng lúa 1 công đất thu lợi nhuận khoảng 3 - 4 triệu đồng/năm, đời sống của người dân nơi đây hết sức khó khăn, thì từ khi chuyển sang trồng mãng cầu xiêm mang lại thu nhập ổn định ở mức cao hơn từ 7 - 8 lần so với trồng lúa, nên người dân ai cũng trở nên khấm khá. Từ 1 công đất ban đầu, đến nay gia đình tôi mua được gần 1,5ha trồng cây mãng cầu xiêm, năng suất trên 35 tấn trái/năm, với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, lợi nhuận mang về cho gia đình tôi trên 400 triệu đồng/năm”.
Cách gia đình ông Phạm Hữu Huynh không xa, cũng nhờ trồng cây mãng cầu xiêm, mà gia đình anh Đặng Hoàng Tính thoát nghèo và vươn lên khá. Anh Tính cho biết: “Gần 10 năm trước, khi mới lập gia đình, tôi được cha mẹ cho 2 công đất vườn tạp để sản xuất, nhận thấy trồng mãng cầu xiêm đạt hiệu quả kinh tế cao, nên tôi mạnh dạn cải tạo vườn tạp trồng 300 gốc mãng cầu xiêm ghép với gốc bình bát. Sau gần 3 năm thực hiện mô hình, tôi thu hoạch đợt đầu tiên gần 6 tấn trái/năm, trừ chi phí gia đình thu lãi trên 70 triệu đồng. Từ lợi nhuận của vụ đầu tiên và những vụ sau đó, gia đình tôi mua thêm đất, xây dựng nhà cửa khang trang và có tiền cho con đi học”.
Nâng cao giá trị, mãng cầu xiêm trở thành sản phẩm OCOP
Ông Lưu Tấn Hòa - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Năm đánh giá, xã Vĩnh Quới với địa hình vùng trũng thấp, khả năng thoát nước kém, tình trạng ngập úng kéo dài vào mùa mưa, mặn xâm nhập vào mùa khô và bị nhiễm phèn. Do đó, mô hình trồng mãng cầu xiêm ghép với gốc bình bát khá phù hợp để phát triển ở vùng đất này. Ngành chuyên môn đang tiến hành hỗ trợ nhà vườn về tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác, ghép giống cây trồng, phòng trừ sâu bệnh… đặc biệt xây dựng thêm mô hình để mở rộng diện tích.
Để sản xuất đạt hiệu quả cao hơn, nông dân trồng mãng cầu xiêm tham gia vào hợp tác xã. Bên cạnh được bao tiêu đầu ra, người trồng còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nhờ đó năng suất đạt cao, lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/công trồng mãng cầu, hiệu quả cao hơn gấp 7 - 8 lần trồng lúa hiện nay.
Ông Lê Bảo Xuyên - Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu xiêm Kiên Hòa, xã Vĩnh Quới cho biết
Hợp tác xã có hơn 40 thành viên, tổng diện tích khoảng 30ha, mỗi công trồng mãng cầu xiêm khoảng 3 - 5 tấn, 1 công trồng mãng cầu xiêm cho thu nhập bằng 10 công trồng lúa. Để nâng cao giá trị trái mãng cầu xiêm, hợp tác xã đã chủ động nghiên cứu và chế biến ra các sản phẩm như: trà mãng cầu, mứt mãng cầu và rượu mãng cầu... từ trái mãng cầu xiêm. Hiện hợp tác xã có 2 sản phẩm (trà mãng cầu Ngọc Trân và mứt mãng cầu Ngọc Trân) được công nhận OCOP 3 sao.
Thời gian qua, các cấp lãnh đạo thị xã Ngã Năm rất quan tâm, tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương phát triển các sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của địa phương, trong đó, sản phẩm trà, bánh, mứt từ mãng cầu xiêm chiếm số lượng nhiều nhất so với các sản phẩm đặc trưng khác, bước đầu xây dựng thương hiệu rộng khắp và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các chủ cơ sở và người dân trên địa bàn. Đây là điều kiện thuận lợi để nông dân trồng mãng cầu xiêm nâng cao giá trị nông sản, mở rộng quy mô vùng trồng để phát triển kinh tế cao hơn.