Chuyển đổi cây trồng hiệu quả thấp sang cây dược liệu - Hướng đi đột phá của Hòa Bình

Chuyển đổi cây trồng từ cây có giá trị thấp và các khu vườn tạp sang trồng cây dược liệu, nhiều địa phương ở Hòa Bình đã thu được hiệu quả mang tính đột phá.

Hiệu quả cao từ cây dược liệu

Với diện tích tự nhiên 4,6 nghìn km2 và khí hậu đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa, Hòa Bình khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung, trồng cây dược liệu nói riêng; đặc biệt là tiềm năng hình thành các vùng sản xuất dược liệu tập trung và bảo tồn, khai thác, phát triển những cây dược liệu tự nhiên, giá trị lớn, quý hiếm. Các địa phương trong tỉnh cũng quan tâm và từng bước phát triển các loại cây dược liệu phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao.

Xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình là một trong những địa phương “điểm sáng” trong chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả và các vùng vườn tạp sang cây dược liệu. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Bùi Phi Diệp - Chủ tịch UBND xã Yên Trị cho biết, thời gian qua, xã Yên Trị đã chủ trương chuyển đổi cây trồng từ những diện tích đất kém hiệu quả khi trồng lúa và các loại cây khác sang các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây dược liệu.

Để đem lại hiệu quả cao nhất cho người nông dân, địa phương đã chủ động chọn các cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như cây sâm, cây dược liệu quý bản địa địa phương… để trồng. Đồng thời, phối hợp với các trung tâm dược liệu, các công ty dược để xây dựng mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và bà con nhân dân. Từ đó tạo công ăn việc làm, kinh tế bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời tạo kinh tế bền vững cho bà con nhân dân, động viên bà con không bỏ đồng ruộng, đặc biệt là những diện tích không mang lại giá trị cao hay các khu vườn tạp.

Đáng chú ý, thay vì trồng các giống cây theo mùa vụ, đặc thù của cây dược liệu chủ yếu là cây dài ngày nên bà con chỉ cần trồng một lần sẽ cho thu hoạch nhiều năm. Đây là đối tượng cây trồng giúp đưa giá trị kinh tế, thu nhập của bà con cao lên.

“Hiện nay diện tích chuyển đổi cây dược liệu từ vườn tạp, đất xấu, kém hiệu quả sang cây dược liệu giá trị cao vào khoảng 35 ha, thu hút 45 hộ dân tại HTX Nông nghiệp Yên Trị và 100 hộ dân khác cùng tham gia” – ông Bùi Phi Diệp chia sẻ. Được triển khai trong 4 năm nay, đến nay, giá trị trồng cây dược liệu mang lại cho bà con cao hơn khoảng 3 lần so với trồng lúa.

Cùng với xã Yên Trị, chủ trương trồng và phát triển cây dược liệu đã được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hưởng ứng. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có trên 2.145 ha cây dược liệu, hương liệu hàng năm được trồng và khai thác; trong đó các loại cây trồng chính có diện tích và sản lượng lớn như: sả 1.576 ha cho thu hoạch trên 10,79 nghìn tấn, cà gai leo 294 ha thu hoạch 2,21 nghìn tấn, xạ đen 218 ha thu hoạch 1,62 nghìn tấn; ngoài ra, còn các loại cây khác như: Nghệ (đỏ, vàng), Ngải cứu, Giảo cổ lam, Đẳng sâm, Hương nhu, Đinh lăng, Cát sâm, Thìa canh... có diện tích trồng dưới 50 ha. Ngoài diện tích trồng tập trung trên đất bằng, đất bưa bãi... diện tích dược liệu trồng dưới tán rừng hiện có khoảng 64,5 ha. Cùng với đó là các dược liệu khai thác tự nhiên với đa dạng về loài, giống như: Đương quy, Sa nhân, Bình vôi, Dạ cẩm, Khôi nhung, Thìa canh, Hà thủ ô, Bạch chỉ, Kim ngân...

Đây là sản phẩm đặc trưng đem lại hiệu quả thiết thực từ việc chuyển đổi thông minh, nhờ đó người dân tham gia trồng dược liệu này đã có cuộc sống khấm khá hơn

Đây là sản phẩm đặc trưng đem lại hiệu quả thiết thực từ việc chuyển đổi thông minh, nhờ đó người dân tham gia trồng dược liệu này đã có cuộc sống khấm khá hơn

Từ khi bắt đầu thực hiện (năm 2019) đến nay, trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Hòa Bình, cây dược liệu đã và đang là nhóm sản phẩm có tiềm năng phát triển rất tốt. Bắt nguồn từ các bài thuốc gia truyền với sự đa dạng về nguồn cây thuốc tại địa phương, một số hợp tác xã (HTX) đã sản xuất được sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 đến 4 sao như: Cao cà gai leo Yên Thủy của HTX Nông - lâm nghiệp Bảo Hiệu, Cao xạ đen của HTX Nông nghiệp Yên Trị (huyện Yên Thủy); Cao xạ đen và Cao cà gai leo của HTX Tuyết Nhi (huyện Lương Sơn) An phế Triệu Gia của HTX thuốc nam gia truyền Triệu Gia, (huyện Kim Bôi); An Phục Khớp của HTX H20 Việt Nam (TP Hòa Bình)...

Các sản phẩm cũng khá đa dạng về mẫu mã, hình thức sử dụng như: trà túi lọc cà gai, xạ đen, thành ngạnh; bột cà gai leo hòa tan, tinh dầu sả, tinh bột nghệ... Nhiều sản phẩm đã được cơ sở sản xuất đầu tư có chiều sâu từ khâu nguyên liệu đến thu hoạch, chế biến, hình thức bao gói; từng bước nâng cao giá trị và gia tăng giá trị cho cây dược liệu của Hòa Bình. Cùng với việc thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển xây dựng các mô hình trồng và chăm sóc các loài cây dược liệu quý, cây dược liệu bản địa theo hướng bảo tồn, phát triển bền vững.

Cần sự hỗ trợ mạnh hơn

Dù đã đạt được một số kết quả, song ông Bùi Phi Diệp vẫn trăn trở, để chuyển đổi cây trồng sang cây dược liệu cần phải có lộ trình từng bước. Để có được mô hình hiệu quả thì phải có thời gian thí điểm khoảng 2 năm để theo dõi sự sinh trưởng, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu đề ra. Do đó rất cần sự quan tâm về công nghệ sản xuất, sơ chế, bảo quản sản phẩm.

“Chưa kể, hiện nay, bà con có được sản phẩm nhưng lại chưa có được đầu ra thực sự ổn định mà chủ yếu vẫn phải dựa vào các mối quan hệ từ các Hợp tác xã hoặc phải tự chào bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội… Do đó, chúng tôi cần sự hỗ trợ tập huấn cho bà con để có kỹ năng mở rộng chuỗi trên sàn thương mại điện tử; cần sự hỗ trợ về xúc tiến thương mại để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm” – ông Bùi Phi Diệp trăn trở. Đây cũng là yếu tố quan trọng để xã Yên Trị hoàn thành mục tiêu nâng diện tích trồng cây dược liệu lên khoảng 50ha trong thời gian tới.

Đoàn khách tham quan cây dược liệu

Đoàn khách tham quan cây dược liệu

Để hỗ trợ cho các địa phương, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các địa phương trong tỉnh để tổ chức sản xuất, phát triển vùng trồng dược liệu theo quy hoạch, lồng ghép trong kế hoạch, chương trình công tác của ngành. Bên cạnh đó, phối hợp với Sở Y tế và các Sở, Ngành liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu đạt chuẩn. Nghiên cứu, lựa chọn các giống cây dược liệu phù hợp với điều kiện địa phương/vùng trồng; đồng thời vận động, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, phòng chống bệnh hại trên cây dược liệu, sản xuất theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn.

Đặc biệt, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển chuỗi giá trị liên kết dược liệu, gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm tại các địa phương trong tỉnh; xây dựng vùng trồng, cấp mã số vùng trồng, chứng nhận nhãn hiệu cho các vùng/cơ sở đạt điều kiện. Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường cho sản phẩm cây dược liệu; gắn kết với dịch vụ du lịch, lễ hội văn hóa truyền thống của mỗi địa phương. Từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây dược liệu.

Có thể nói, việc chuyển đổi từ nông nghiệp sang cây dược liệu là hướng chuyển đổi thông minh, tạo thu nhập, giúp đời sống cho người dân địa phương của Hòa Bình ngày càng khấm khá, cuộc sống thay đổi, văn minh, hiện đại...

Kim Tuyến

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-cay-trong-hieu-qua-thap-sang-cay-duoc-lieu-huong-di-dot-pha-cua-hoa-binh-264898.html