Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã khiến việc canh tác lúa gạo gặp nhiều khó khăn, giảm năng suất và thu nhập của nông dân. Dự án 'Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL' (TRVC) triển khai tại 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang nhằm giải quyết vấn đề này.
Dự án được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) tài trợ và thực hiện bởi Tổ chức Phát triển Hà Lan Việt Nam (SNV). Ở An Giang, dự án được triển khai từ năm 2023 - 2027, với cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả và khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp (DN) đang sản xuất - kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo, đẩy mạnh mở rộng ứng dụng trên quy mô lớn các công nghệ sản xuất lúa tiến bộ, với tổng kinh phí khoảng 22 tỷ đồng để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo. Qua đó, góp phần giúp tỉnh chuyển đổi sang phương thức canh tác lúa gạo có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và phát thải carbon thấp thông qua phát triển chuỗi giá trị bền vững; cải thiện sinh kế cho nông dân sản xuất lúa.
Giám đốc Dự án TRVC Trần Thu Hà cho biết: “Khi tham gia dự án, các DN có cơ hội được kiểm định và chứng nhận giảm phát thải khí nhà kính bởi đơn vị kiểm định quốc tế và tham gia các chương trình tập huấn nâng cao năng lực quảng bá, giá trị thương hiệu DN. Đồng thời, phát triển dòng sản phẩm lúa gạo phát thải thấp; tăng cường liên kết DN, hợp tác xã, nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ; đặt nền móng vững vàng cho các DN sẵn sàng tham gia thị trường trao đổi tín chỉ carbon; có cơ hội giành được giải thưởng lên đến hàng chục tỷ đồng”. Theo đó, vùng liên kết canh tác lúa của DN sẽ được các tổ chức chuyên môn thẩm định độc lập kết quả. Nếu đạt các yêu cầu của dự án, sẽ được xem xét trao giải thưởng theo vụ (6 vụ) và giải thưởng chung kết cuộc thi, với tổng giá trị giải thưởng 3,65 triệu AUD (tương đương 57 tỷ đồng). “Như vậy, DN liên kết sản xuất theo tiêu chí bền vững vừa tiết kiệm được chi phí, tăng hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm, đạt yêu cầu giảm phát thải, tăng trưởng xanh, vừa được dự án tặng giải thưởng tiền mặt để tái đầu tư”- bà Trần Thu Hà cho biết.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tôn Thất Thịnh chia sẻ: “Dự án được thực hiện chính thức tại An Giang từ vụ hè thu 2024. Sau thời gian thực hiện, bước đầu đã có những kết quả tích cực. Trong vụ thứ nhất, có 5 đơn vị tham gia dự thi, gồm: Công ty TNHH Angimex - Kitoku, Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VINARICE), Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty Cổ phần Lương thực A An và Công ty Cổ phần Thực phẩm thiên nhiên King Green. Tổng diện tích các đơn vị tham gia vụ thứ nhất là 539,04ha, ở các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn, Châu Phú và TP. Long Xuyên. Sau vụ sản xuất đầu tiên, nông dân tuân thủ theo hướng dẫn của các đơn vị, có cung cấp đầy đủ thông tin nhật ký canh tác, cũng như có nguyện vọng tiếp tục tham gia vào các vụ tiếp theo và sẵn sàng hợp tác lâu dài. Đây là tín hiệu tín cực cho dự án có thể nhân rộng diện tích trong thời gian tới”.
Anh Nguyễn Hữu Khá, Công ty Cổ phần Lương thực A An cho biết: Ở An Giang, công ty liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa vùng nguyên liệu với 2 Hợp tác xã nông nghiệp Sơn Hòa và Hợp tác xã nông nghiệp Vọng Đông (510ha), dự kiến vụ 2 sẽ tăng thêm diện tích. Tham gia dự án này, chúng tôi mong muốn mang lại cho người nông dân về phương thức canh tác thông minh, phát thải thấp, góp phần giảm chi phí và tăng thu nhập. Ông Nguyễn Văn Tắc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Bình cũng đồng tình với tín hiệu tích cực mang lại từ dự án. “Giải thưởng này rất hay. Việc phát triển ngành hàng lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Giải thưởng đưa hết xuống nông dân, thấy tham gia có nhiều lợi ích, nông dân rất phấn khởi. Để thuận lợi hơn trong quá trình sản xuất, kỳ vọng hỗ trợ hợp tác xã, nông dân tiếp cận công nghệ sau thu hoạch, như máy cắt băm và men vi sinh xử lý rơm rạ mùa mưa”- ông Tắc nói.
“Dự án mở ra hướng đi mới cho ngành hàng lúa gạo của An Giang, đóng góp vào diện tích 150.000ha tỉnh đăng ký tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” đến năm 2030. Do đó, mong muốn có thêm nhiều DN đăng ký tham gia dự án, mở rộng diện tích tham gia liên kết tiêu thụ vụ hè thu năm 2024 và sắp tới; tăng thêm mối hợp tác gắn kết giữa DN với hợp tác xã, nông dân trong xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo của tỉnh”- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tôn Thất Thịnh kỳ vọng.
Các kết quả dự kiến về khí hậu, môi trường và xã hội dự án TRVC mong muốn đạt được sau 5 năm (2022 - 2027): Giảm 200.000 tấn CO2 , giảm 30 - 40% lượng lúa giống, giảm 20 - 30% phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, giảm 20 - 40% lượng nước tiêu thụ; chi phí sản xuất giảm 15% so sản xuất lúa truyền thống, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân đến 30%