Chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang nuôi thủy sản tập trung ở Yên Nam

Khu chăn nuôi thủy sản của bác Vũ Văn Và, xã Yên Nam (thị xã Duy Tiên) có diện tích 7 ha. Đây là vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả được bác Và thuê lại của người dân từ năm 2017 để đầu tư quy hoạch, đắp bờ vùng, bờ thửa chuyển thành ao nuôi thủy sản.

Khu chăn nuôi thủy sản của bác Vũ Văn Và, xã Yên Nam (thị xã Duy Tiên) có diện tích 7 ha. Đây là vùng đất trũng cấy lúa kém hiệu quả được bác Và thuê lại của người dân từ năm 2017 để đầu tư quy hoạch, đắp bờ vùng, bờ thửa chuyển thành ao nuôi thủy sản.

Sau khi quy hoạch, trên diện tích ao, bác Và chủ yếu nuôi những loại cá truyền thống. Trong đó, cá trắm trắng 50%, cá chép 30%, trắm đen 10%, còn lại là cá trôi, cá mè. Việc nuôi cá trên diện tích chuyển đổi được áp dụng theo phương pháp bán công nghiệp, với 70% lượng thức ăn công nghiệp, 30% là các loại ngô, thóc. Thức ăn xanh từ nguồn cỏ cao sản trồng trên bờ và một phần diện tích bác gieo lúa sau đó dâng nước lên làm thức ăn cho cá. Nước trong các ao nuôi được định kỳ xử lý bằng chế phẩm sinh học làm sạch, diệt trừ nấm, bệnh.

Sau thời gian sản xuất, khu nuôi thủy sản của bác Và đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt. Năng suất cá đạt bình quân 10 tấn/ha, đem lại giá trị sản xuất và thu nhập cao gấp từ 3 – 4 lần so với cấy lúa trước đây. Được biết, bác Và đang thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trên diện tích hơn 1 ha, hướng đến mở rộng thêm thay thế cá truyền thống. Bác Vũ Văn Và cho biết: Từ khi chuyển đổi khu ruộng trũng sang nuôi thủy sản đã phát huy được hiệu quả kinh tế, cho thu nhập khá cao. Tới đây tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu nuôi giống thủy sản mới để nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập.

Khu nuôi thủy sản của bác Vũ Văn Và cho hiệu quả kinh tế cao.

Khu nuôi thủy sản của bác Vũ Văn Và cho hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với hộ bác Vũ Văn Và, tại vùng nuôi thủy sản tập trung được chuyển đổi của xã Yên Nam có 13 hộ, với tổng diện tích sản xuất 40 ha. Trong đó, nhiều diện tích nhất là hộ anh Phạm Văn Phởn có 10 ha, các hộ khác từ 1 – 3 ha. Đây đều là diện tích đất lúa nằm trong vùng trũng kém hiệu quả được thuê lại của người dân từ năm 2015, thời gian 10 năm, mức thuê 20 kg thóc/sào/vụ.

Chuyển đổi đất ruộng trũng sang nuôi thủy sản tại Yên Nam đã tạo bước đột phá mới trên đồng ruộng. Khu đồng trũng trước đây gần như chỉ cấy được 1 vụ lúa xuân trong năm, các hộ thuê ruộng đầu tư đắp lại bờ vùng, bờ thửa. Đường trục chính ra khu ruộng được mở rộng, cứng hóa bề mặt, thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển vật tư và sản phẩm. Các xe ô tô có trọng tải 2,5 tấn vào được tận nơi sản xuất. Cũng từ hình thành vùng sản xuất tập trung, người dân có điều kiện áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật. Rõ nhất, nước trong ao nuôi được xử lý khá tốt, các ao đều được lắp đặt guồng quay và máy bơm tăng ô xi trong nước…

Thủy sản tại đây được nuôi theo phương thức thâm canh và bán thâm canh trên diện tích rộng đã tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, được thương lái đến thu mua toàn bộ sản phẩm thủy sản ngay tại ao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Theo các hộ nuôi thủy sản trong vùng tập trung tại Yên Nam, ruộng trũng tuy khó khăn trong cấy lúa, nhưng là lợi thế khi nuôi thủy sản. Chỉ tính riêng việc gieo cấy lúa, sau đó dâng nước lên nuôi cá đã giải quyết được khá nhiều lượng thức ăn, nhất là cho cá trắm trắng, đối tượng nuôi chủ lực. Vì thế, giai đoạn cao điểm dịch bệnh Covid-19, mặc dù việc tiêu thụ gặp khó khăn, giá thủy sản giảm, song các hộ vẫn duy trì được sản xuất.

Để thúc đẩy sản xuất, các hộ trong khu nuôi trồng thủy sản tập trung tại Yên Nam vừa thành lập Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Yên Nam nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành viên, trong đó tập trung bàn giải pháp tạo ra sản phẩm thủy sản đạt chất lượng cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, HTX gắn kết các thành viên, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất; Hội đồng Quản trị HTX đứng ra điều hành kế hoạch sản xuất chung, cũng như nhập vật tư, nguồn thức ăn, điều tiết việc tiêu thụ và giá bán sản phẩm, tránh tình trạng bị ép giá. Trong quá trình hoạt động, HTX mời các đơn vị kỹ thuật về tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên kỹ thuật nuôi, phòng và trị bệnh cho thủy sản… Những thành viên nòng cốt, cơ bản đều có diện tích sản xuất lớn trực tiếp tham gia Hội đồng Quản trị HTX.

Từ việc đầu tư chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi thủy sản đã tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho hàng chục lao động địa phương; đồng thời khắc phục được tình trạng sản xuất lúa kém hiệu quả tồn tại nhiều năm trước, phát huy hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Mạnh Hùng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/chuyen-doi-dien-tich-ruong-trung-sang-nuoi-thuy-san-tap-trung-o-yen-nam-84602.html