Chuyển đổi kép - chìa khóa giúp phát triển bền vững

Ngày 16/8 tại TP. Hồ Chí Minh, Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 (IEIF) do Viện Nghiên cứu Phát triển, Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS | CIIS) phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức với chủ đề 'Thúc đẩy các mô hình kinh tế mới hướng tới phát triển bền vững'.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (chuyển đổi kép) là rất cần thiết

Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng các mô hình hướng đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trở thành yêu cầu cấp bách mà mỗi quốc gia, doanh nghiệp quan tâm. Trong đó, sự phát triển đồng thời cả kinh tế số - kinh tế xanh được coi là trụ cột chính trong nỗ lực hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu

TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu

Để doanh nghiệp tự tin chuyển đổi, Nhà nước cần có khung khổ pháp lý vững chắc làm động lực thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi. Như vậy, với ý tưởng tạo lập diễn đàn thảo luận, thu thập ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp, Diễn đàn kỳ vọng IEIF 2024 sẽ có những đóng góp tích cực giúp Thành phố xây dựng những chính sách phù hợp, giúp cộng đồng doanh nghiệp hình thành được lộ trình chuyển đổi hiệu quả. Cùng với nỗ lực chuyển đổi số, VIAC không nằm ngoài xu thế chung khi cho ra mắt nền tảng nộp đơn điện tử và quản lý tranh chấp trực tuyến eCase vào tháng 6/2024, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh

Khai mạc Diễn đàn, Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển cho biết: TP. Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố hàng đầu thế giới chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Mặc dù quy mô GRDP Thành phố luôn dẫn đầu so với cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố đang có dấu hiệu chững lại, thu nhập trung bình của người dân vẫn còn ở mức thấp... Điều này đòi hỏi Thành phố phải tìm kiếm các giải pháp, động lực và không gian phát triển kinh tế mới. Trong thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành các chương trình, đề án liên quan để triển khai và phát triển các mô hình kinh tế mới như Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó, tập trung chuyển đổi theo hướng “xanh” và “số” trong cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Bình An, Thành phố đang xây dựng hệ thống giải pháp, chính sách hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, tập trung hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, công nghệ, tiêu dùng bền vững, trong đó doanh nghiệp là trung tâm trong việc thực hiện chuyển đổi. Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã mở ra nhiều cơ hội và động lực cho hành trình chuyển đổi số - xanh của Thành phố. Để khai phá và phát triển các mô hình kinh tế mới, Diễn đàn cần tập trung thảo luận các giải pháp giúp thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế xanh và kinh tế số cho Thành phố.

Việt Nam cần có một lộ trình chuyển đổi tổng thể và toàn diện

Mở đầu Diễn đàn, ông Jean - Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ góc nhìn của EuroCham về các mô hình chuyển đổi xanh cũng như kinh nghiệm quốc tế áp dụng. Ông Jean đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ nhiều nước ngày càng quan tâm và ban hành nhiều quy định liên quan phát triển bền vững, phát triển kinh tế gắn với các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội. Trong đó, các chiến lược trong Thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu (EU) một ví dụ điển hình. Tại các quốc gia như Đức, Hàn Quốc hiện đã chuyển đổi và ứng dụng các mô hình kinh doanh mới. Ở Đức, mô hình được phối hợp và thực hiện bởi Chính phủ, nhà làm luật, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực cùng tham gia xây dựng các ý tưởng về chuyển đổi xanh một cách sâu sắc, mạnh mẽ và minh bạch.

Ông Jean-Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

Ông Jean-Jacques Bouflet - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)

Theo đó, Ông Jean-Jacques Bouflet khuyến nghị, Việt Nam cần có một lộ trình chuyển đổi tổng thể và toàn diện, trong đó, các trụ cột chính cần tập trung là: khung khổ pháp luật; thực hiện các dự án thí điểm; mở rộng các nguồn tài chính xanh.

Trao đổi về vấn đề công nghệ số, ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Giám đốc Khối Digital Lighthouse, KPMG Việt Nam đánh giá hiện nay, chuyển đổi số đang là xu hướng thực tiễn toàn cầu, có tới hơn 88% doanh nghiệp đang quan tâm và có các chương trình hướng đến chuyển đổi số (theo báo cáo Transforming the enterprise of the future: The new champions in a digital era của KPMG International, phát hành tháng 3/2024).

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng chỉ ra những yếu tố mang tính quyết định sự thành công của chuyển đổi số, trong đó, vấn đề về con người cũng như các mục tiêu rõ ràng của doanh nghiệp, đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Theo KPMG khuyến nghị, để triển khai thành công các yếu tố nền tảng số, doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa kiên cường, cơ sở hạ tầng, tập trung vào dữ liệu; đầu tư xây dựng năng lực và trang bị kiến thức kỹ năng số cho nhân sự.

Chuyển đổi số là một quá trình thách thức và phức tạp, để giảm thiểu rủi ro và chi phí, các tổ chức có thể xem xét các bước chuyển đổi trung gian, di chuyển tổ chức sang trạng thái kỹ thuật số trong khi tận dụng các công nghệ, khả năng kỹ thuật số hiện có (digital transition), trước khi chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh kỹ thuật số và các giá trị mới (digital transformation).

Chuyển đổi kép - chìa khóa giúp phát triển bền vững

Phát biểu về các mô hình chuyển đổi kép, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho biết chuyển đổi kép góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Về mặt lý thuyết, mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, đất đai và lao động giá rẻ là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng; ngược lại, mô hình tăng trưởng dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, năng suất chất lượng, hiệu quả, chuyển đổi số, đảm bảo phát triển bền vững và bao trùm là mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam chưa xanh và không đóng góp nhiều cho phát triển bền vững (năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường (đặc biệt rác thải nhựa), phát thải KNK. Kinh tế xanh còn đang ở dạng tiềm năng và thể chế tuy có được cải thiện nhưng còn nhiều điểm nghẽn, thiếu đột phá.
Ông Vũ Mạc Hưng - Chuyên gia tư vấn kinh tế xã hội, Công ty Boston Consulting Group (BCG) chia sẻ bên cạnh những bước tiến đáng kể trong hành trình xanh hóa nền kinh tế, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn gặp nhiều thách thức khi áp dụng các mô hình kinh tế mới. Ông nhấn mạnh tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng xanh toàn diện thông qua việc xác định rõ quy mô tác động từ tổng thể đối với việc làm, tăng trưởng kinh tế và đầu tư.
Thêm vào đó, Nghị quyết số 98/2023/QH15 cũng đề cập đến việc cho phép TP. Hồ Chí Minh cấp trái phiếu xanh & thí điểm giao dịch tín chỉ carbon, đây được xem là một trong những ưu tiên phải thực hiện nhằm thúc đẩy các tham vọng xanh của thành phố và cả Việt Nam. Bên cạnh nền kinh tế xanh, việc chuyển đổi sang nền kinh tế số cũng rất quan trọng, ông Hưng đề xuất năm nhóm giải pháp cốt lõi để phát triển thành công nền kinh tế số tập trung vào quản trị & tổ chức; chính sách, quy định & tiêu chuẩn; năng lực lãnh đạo, nhân tài, kỹ năng & văn hóa; nghiên cứu, phát triển & đổi mới sáng tạo và ưu đãi & đầu tư.

Nối tiếp Diễn đàn, LS. Nguyễn Trung Nam - Luật sư Thành viên Cao cấp Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt, Trọng tài viên VIAC đưa ra những cập nhật về khung pháp lý và các vấn đề về tranh chấp trong bối cảnh xanh - số hóa. Bên cạnh sự quan tâm sâu sắc của cả cộng đồng đối với vấn đề phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay đưa đến nhiều thay đổi đáng kể trong việc các quy định có liên quan. Điển hình như trong bối cảnh bùng nổ của nền kinh tế số, các doanh nghiệp có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro về vấn đề chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và bảo mật dữ liệu. Trong khi đó, chuyển đổi xanh đặt nặng vào những cam kết tuân thủ về tiêu chuẩn môi trường, yếu tố xanh, lao động,... Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với cả hai loại rủi ro khi chuyển đổi đồng thời cả xanh - số và nguy cơ leo thang thành nhiều tranh chấp phức tạp.

Chẳng hạn như, Chỉ thị số 02/CT-CA về đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử hay tại VIAC, nền tảng nộp đơn điện tử và quản lý tranh chấp trực tuyến eCase cũng là một điểm sáng giúp đổi mới, hoàn thiện thủ tục tố tụng trọng tài, từ đó, hướng đến mục tiêu chung là nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch của hoạt động giải quyết tranh chấp. Từ sự thay đổi này, doanh nghiệp và các cơ quan giải quyết tranh chấp đều cần có hướng đi phù hợp để thích nghi tốt với yêu cầu đặt ra từ bối cảnh, đặc biệt trong giai đoạn khung khổ pháp lý còn nhiều rào cản, LS. Nguyễn Trung Nam chia sẻ.

Để hiện thực hóa các mô hình kinh tế trên, ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc Hợp tác
xã Tuấn Ngọc cũng chia sẻ về thực trạng hoạt động của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tuấn Ngọc trong quá trình chuyển đổi tiết kiệm điện, nước, phân bón và những định hướng của hợp tác xã đến mô hình chuyển đổi xanh trong nông nghiệp. Bên cạnh việc đầu tư công nghệ xanh giúp tiết kiệm giảm chi phí sản xuất, HTX cũng gặp khó khăn về chi phí đầu tư ban đầu rất cao, phải thường xuyên bảo trì bảo dưỡng các thiết bị công nghệ; ngoài ra, HTX phải trang bị kiến thức và kỹ năng kiểm soát công nghệ cho nông dân và cán bộ HTX.

Tuy nhiên, các chính sách vay vốn ưu đãi và gói hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và tổ chức phi chính phủ vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các HTX. Thị trường tiêu thụ nông sản xanh trong nước cũng chưa phát triển mạnh, nhu cầu chưa ổn định cũng khiến HTX khó duy trì và phát triển sản xuất, Ông Lâm Ngọc Tuấn bày tỏ.

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh điều phối tham luận

Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh điều phối tham luận

Sau phần tham luận của các diễn giả, phiên thảo luận với chủ đề “Giải pháp thúc đẩy các mô hình kinh tế mới hướng tới mục tiêu phát triển bền vững” dưới sự điều phối của Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh cùng sự tham gia của các chuyên gia tham gia trình bày và các đại diện Sở ban ngành, đại diện doanh nghiệp diễn ra sôi nổi.

Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 là hoạt động thường niên của Thành phố Hồ Chí Minh kể từ năm 2018, chương trình còn có các hoạt động trưng bày sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu, giao thương, kết nối doanh nghiệp bên lề Diễn đàn.

Kim Huệ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/chuyen-doi-kep-chia-khoa-giup-phat-trien-ben-vung-125215.htm