Chuyển đổi kép ngành sản xuất công nghiệp: Không còn cách nào khác

Áp dụng chuyển đổi kép qua xanh hóa và AI để nâng cao năng suất, đáp ứng ESG và mở rộng thị trường toàn cầu chính là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh mới.

Khi kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn phục hồi và tái cấu trúc sau các cú sốc địa chính trị và biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu Việt Nam không còn đứng ngoài xu thế chuyển đổi kép: chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Đây chính là yêu cầu từ thị trường và đang ngày càng trở thành điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu có trách nhiệm, đạt các tiêu chuẩn ESG ngày càng khắt khe.

ESG – Từ tiêu chuẩn "mềm" thành điều kiện "cứng"

Nếu như trước đây, các tiêu chí ESG chỉ đóng vai trò tham khảo trong đánh giá đối tác thì hiện nay, ESG đang trở thành “tấm hộ chiếu” để doanh nghiệp bước vào các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ hay Nhật Bản.

Đặc biệt, yếu tố môi trường (E – Environmental) ngày càng được chú trọng với các yêu cầu cụ thể như giảm phát thải CO₂, sử dụng năng lượng tái tạo, kiểm soát rác thải trong sản xuất.

”Các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thích ứng với những chuyển động bất ngờ của nền kinh tế thế giới, khi mà các chính sách thuế và hiệp định thương mại đang thay đổi từng ngày”, Tiến sĩ Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhận định.

Chia sẻ tại hội thảo Công nghiệp xanh & Xuất khẩu thông minh, quan điểm này của ông Minh được đặt trong bối cảnh các biến động kinh tế do các yếu tố như thay đổi chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị và tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang làm lung lay niềm tin của thị trường quốc tế.

Ông Minh cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2024 với tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 7,09% và quy mô GDP lên đến 476 tỉ USD, triển vọng năm 2025 được kỳ vọng tăng trưởng ở mức 8% với quy mô GDP 500 tỉ USD. Đây là một con số đầy triển vọng nhưng cũng ẩn chứa không ít rủi ro.

Tình hình kinh tế Việt Nam 2024. Nguồn: Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân

Tình hình kinh tế Việt Nam 2024. Nguồn: Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân

Trong thời kỳ mà nền kinh tế đang đối mặt với sự thay đổi liên tục của các chính sách thương mại, ESG – vốn từng được xem là tiêu chí “mềm” – đã nhanh chóng biến thành “tấm hộ chiếu” chiến lược cho doanh nghiệp.

Theo ông Minh, doanh nghiệp sản xuất cần chuyển mình bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn ESG một cách toàn diện, từ giảm thiểu lượng phát thải, tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng đến minh bạch hóa quy trình sản xuất.

Tiến sĩ Bùi Thanh Minh , Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: HAMI

Tiến sĩ Bùi Thanh Minh , Phó Giám đốc chuyên môn Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: HAMI

“Khi doanh nghiệp minh bạch hóa các quy trình sản xuất và báo cáo các chỉ số ESG, họ sẽ dễ dàng tiếp cận với các thị trường xuất khẩu chất lượng. Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại và tạo ra cơ hội để doanh nghiệp khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, giảm sự lệ thuộc vào các thị trường đang có nhiều biến động”, ông Minh, khẳng định.

Việc áp dụng ESG theo đúng nguyên tắc sẽ giúp doanh nghiệp mở ra các cơ hội từ làn sóng dịch chuyển FDI, động lực chuyển đổi nội bộ và mở rộng kết nối toàn cầu.

Theo ông Minh, bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện cho thấy, những nước biết đầu tư vào công nghệ xanh và xây dựng hệ thống quản trị ESG mạnh mẽ đang dần chiếm ưu thế trong các chuỗi cung ứng quốc tế.

“Nếu không đáp ứng được yêu cầu về ESG, doanh nghiệp sẽ dần bị loại khỏi các chuỗi cung ứng khắt khe của thị trường EU, Mỹ hay Nhật Bản”, ông Minh cảnh báo. Yêu cầu về minh bạch hóa và trách nhiệm xã hội – cốt lõi của tiêu chuẩn ESG – trở thành điều kiện tiên quyết để tham gia vào các chuỗi cung ứng quốc tế.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chủ động chuyển đổi từ “tuân thủ” sang “chiến lược”.

Bài toán xanh hóa chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp Việt

Xanh hóa chuỗi cung ứng là biện pháp bảo vệ môi trường và cũng là điều kiện bắt buộc để tiếp cận các thị trường xuất khẩu khó tính.

Áp dụng ESG không có nghĩa là chỉ báo cáo các chỉ số về môi trường hay xã hội, mà còn phải được hiện thực hóa thông qua các hành động cụ thể như giám sát tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải, đảm bảo an toàn lao động và minh bạch hóa quy trình quản trị.

Các trụ cột của ESG chính là bộ khung đánh giá về trách nhiệm doanh nghiệp và tạo nên nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông Phạm Minh Luân, Giám đốc KNA Cert. Ảnh: HAMI

Ông Phạm Minh Luân, Giám đốc KNA Cert. Ảnh: HAMI

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức từ biến động thương mại và chính sách thuế quan nghiêm khắc như trong kỷ nguyên “Trump 2.0”, nên việc nhanh chóng chuyển đổi tư duy trong các doanh nghiệp xuất khẩu là cần thiết.

“Để doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu vươn lên mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu, việc áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững là không thể thiếu”, ông Phạm Minh Luân, Giám đốc KNA Cert chia sẻ.

Theo ông Luân, cơ hội lớn dành cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nằm ở khả năng khai thác các hiệp định thương mại tự do, mở rộng kết nối trong khu vực và quốc tế, từ đó giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường đang gặp nhiều biến động.

Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ khi các doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống công nghệ số để giám sát và cập nhật kịp thời các chỉ số ESG, đồng thời cải thiện năng lực quản trị nội bộ.

“Chỉ có doanh nghiệp chủ động đầu tư vào công nghệ xanh và số hóa quy trình sản xuất mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, và từ đó nâng cao giá trị thương hiệu”, ông Luân nhấn mạnh.

Sản xuất xanh không thể thiếu AI và dữ liệu

Một thực tế được chỉ ra là xanh hóa quy trình sản xuất không thể tách rời khỏi ứng dụng công nghệ số. Các hệ thống quản trị sản xuất tiên tiến, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data), đang đóng vai trò cốt lõi trong việc giúp doanh nghiệp kiểm soát tiêu hao năng lượng, tối ưu hóa nguyên vật liệu và giảm lượng phát thải.

AI không thay thế con người, mà là công cụ giúp tự động hóa quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng và dự báo nhu cầu bảo trì một cách chính xác. Đây chính là chìa khóa để giảm chi phí và tăng hiệu suất

Ông Vũ Tùng Lâm, Phó Giám đốc Bộ phận cố vấn Digiwin Software

Theo báo cáo của Digiwin Software Vietnam, việc ứng dụng AI trong các quy trình như bảo trì, quy trình quản lý chuỗi và lập kế hoạch trong doanh nghiệp sản xuất mang lại vô vàn lợi ích.

Ông Vũ Tùng Lâm, Phó Giám đốc Bộ phận cố vấn Digiwin Software. Ảnh: HAMI

Ông Vũ Tùng Lâm, Phó Giám đốc Bộ phận cố vấn Digiwin Software. Ảnh: HAMI

Một trong những ví dụ điển hình là việc chuyển từ bảo trì bị động sang bảo trì chủ động thông qua mô hình Machine Learning.

Thay vì dựa vào cơ chế kiểm tra định kỳ – vốn dẫn đến chi phí bảo trì cao và thời gian dừng máy ngoài kế hoạch – AI giúp dự báo tình trạng của thiết bị dựa trên dữ liệu thời gian thực (real-time). Kết quả cho thấy, chi phí bảo trì có thể giảm tới 30%, tỉ lệ sử dụng thiết bị được nâng cao 20% và thời gian dừng máy ngoài kế hoạch được rút ngắn đáng kể.

Đây là bước tiến về mặt kỹ thuật, giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến hiệu suất sản xuất và đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, hệ thống quản lý chuỗi cung ứng thông minh dựa trên AI đã được áp dụng thành công trong phân tích nhu cầu thị trường và tối ưu hóa lịch giao hàng của các nhà cung cấp.

Việc ứng dụng AI trong quản lý thu mua và tồn kho giúp giảm giá trị tồn kho khoảng 20% và tăng thời gian giao hàng chính xác lên tới 30%. Điều này tạo nên một chuỗi cung ứng linh hoạt, giảm thiểu lãng phí và cải thiện tính chính xác trong dự báo nhu cầu sản xuất – những yếu tố then chốt để đáp ứng các yêu cầu của ESG.

Trong lĩnh vực lập kế hoạch sản xuất, các giải pháp AI cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt. Trước đây, sắp xếp lịch sản xuất thủ công dễ dẫn đến sai sót, đặc biệt khi xảy ra tình huống khẩn cấp như hỏng hóc thiết bị đột xuất.

Hệ thống sắp lịch thông minh sử dụng AI giúp tự động điều chỉnh ca làm việc và tối ưu lại trình tự sản xuất để giảm thiểu tác động đến tiến độ giao hàng.

Ví dụ, trong trường hợp dây chuyền sản xuất của một nhà máy ô tô gặp sự cố, AI đã kịp thời chuyển đổi một phần đơn hàng sang dây chuyền khác, từ đó đảm bảo không làm gián đoạn sản xuất và duy trì cam kết giao hàng – một yêu cầu thiết yếu của ESG trong việc đảm bảo tính liên tục và hiệu quả của quá trình sản xuất.

Đặc biệt, việc tích hợp các hệ thống quản lý như ERP, MES, SCM, và WMS với công nghệ AI đã tạo nên một nền tảng thông tin tập trung, cho phép doanh nghiệp theo dõi toàn diện quá trình sản xuất. Từ đó, các chỉ số như năng suất lao động, chi phí nguyên vật liệu, tiến độ sản xuất và hiệu quả bảo trì đều được giám sát theo thời gian thực. Nhờ đó, doanh nghiệp nâng cao được hiệu suất đồng thời đảm bảo tính minh bạch và chính xác của các dữ liệu phục vụ báo cáo ESG.

Trong kỷ nguyên mà ESG trở thành “ngôn ngữ chung” của các chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng biến động thương mại đã và đang là thử thách để doanh nghiệp sản xuất Việt Nam tái cấu trúc, hiện đại hóa quản trị nhưng cũng là cơ hội để khẳng định vị thế thông qua chuyển đổi số kết hợp với các giải pháp xanh hóa.

Đã đến lúc các doanh nghiệp không còn đứng trước câu hỏi “có nên xanh hóa và số hóa hay không”, mà là “làm thế nào để thực hiện điều đó một cách chiến lược và bền vững nhất”.

Công Hiếu

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/chuyen-doi-kep-nganh-san-xuat-cong-nghiep-loi-di-song-con-d39620.html