Chuyển đổi số báo chí: Có thực mới vực được đạo
Đội ngũ những người làm báo đã được định hướng rõ ràng hơn trong hành trình chuyển đổi số được cho là mang tính bắt buộc, không thể đảo chiều.
Thay đổi từ tư duy sản phẩm
Theo thống kê được Tổ chức We are Social đưa ra hồi tháng 1/2023, trung bình người Việt mỗi ngày dành đến 6 tiếng 23 phút để vào mạng Internet, trong đó hành vi phổ biến nhất là xem các nội dung video (2 tiếng 39 phút), trong khi hành vi đọc báo chỉ đứng thứ 3 (2 tiếng 3 phút). Con số đó cho thấy. hành vi tiếp nhận thông tin của độc giả đã thay đổi, khi nhiều người, nhất là lớp trẻ, ngày càng có xu hướng “xem và nghe tin” hơn là “đọc tin”.
Tại một diễn đàn báo chí cách đây không lâu, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra lời khuyên cho các tòa soạn là cần có tư duy về sản phẩm, hơn là chỉ nghĩ đến con chữ như cách chúng ta vẫn nghĩ về báo chí. Nếu trước đây, chúng ta từng nói “vũ khí lớn nhất của nhà báo là ngòi bút”, thì giờ đây, các nhà báo có quá nhiều vũ khí để tác nghiệp.
Trong cuốn Cẩm nang của Hiệp hội Báo chí thế giới (WAN-IFRA) về chuyển đổi số dành cho các cơ quan báo chí châu Á - Thái Bình Dương, các chuyên gia có chung nhận xét rằng, trở ngại lớn nhất của báo chí khu vực này (gồm cả Việt Nam) là tư duy “text-based”, tức làm gì cũng chỉ nghĩ đến bài viết trước tiên.
Trong khi đó, các chuyên gia đưa ra hình ảnh hai cuộc họp tòa soạn của hai cơ quan báo chí tiêu biểu trên thế giới, một của Washington Post (Mỹ) và một của Aftenposten (Na Uy). Ở cả hai bức ảnh, người ta đều thấy, dù thành phần cốt lõi của mỗi tòa soạn vẫn là bộ phận news (tạm gọi là nội dung), nhưng ngoài ra, còn có bộ phận vô cùng quan trọng khác là product, với những người chịu trách nhiệm tạo ra những sản phẩm báo chí mới.
Một ví dụ là gần đây, nhiều bạn đọc tỏ ra thích thú với tác phẩm theo phong cách báo chí dữ liệu và báo chí thị giác về “chuyến bay giải cứu” của Báo điện tử VnExpress. Trong đó, các biên tập viên “vẽ ra” (theo đúng nghĩa đen) mối quan hệ chằng chịt giữa các nhóm lợi ích trong vụ tham nhũng lớn này, kèm theo đường đi của những dòng tiền bẩn mà các đối tượng đưa hối lộ điều khiển. Đấy là sản phẩm điển hình của nhóm product trong tòa soạn VnExpress, gồm cả những chuyên viên xử lý - phân tích dữ liệu, lập trình viên, bên cạnh các phóng viên, biên tập viên truyền thống.
Những tác phẩm báo chí tương tự sẽ ngày càng phổ biến trên báo chí, là những mega story tăng cường trải nghiệm cho bạn đọc, bên cạnh những bản tin truyền thống. Xu hướng này cũng phù hợp với nhận định được WAN-IFRA đưa ra cách đây vài năm. Theo đó, cách kể chuyện của các nhà báo đã thay đổi, từ “text and photo storytelling” sang “multimedia storytelling”. Các nhà báo có thể kể câu chuyện bằng hình ảnh, bằng video, bằng infographics, hay những đồ họa tương tác, thậm chí giúp độc giả nhập vai vào câu chuyện thông qua công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường (VR, AR)...
Trong cuốn Sáng tạo báo chí 2023, Feli Carrique, Giám đốc điều hành của News Product Alliance (một tổ chức kết nối các nhà xuất bản tin tức trên thế giới) nhận định: “Công nghệ đem lại cho chúng ta cơ hội tạo ra những sản phẩm báo chí mới, dựa trên dữ liệu và kỹ năng đã được đào tạo. Các công cụ hiện đại giúp chúng ta tạo ra sản phẩm mới một cách dễ dàng hơn”.
Bằng chứng là, tại các giải thưởng báo chí lớn trên thế giới, người ta ngày càng được thưởng thức những tác phẩm báo chí với cách kể chuyện mới lạ và sáng tạo. Giá trị cốt lõi của báo chí thì không bao giờ thay đổi, “content” vẫn luôn là vua, nhưng cách kể chuyện, cách phân phối sản phẩm cũng đóng vai trò của nữ hoàng, hay hoàng tử theo cách nói vui của nhiều người.
Để không ai bị bỏ lại phía sau
Dĩ nhiên, một tác phẩm báo chí mới lạ sẽ không thể được kể trên các nền tảng “ọp ẹp”. Nền tảng số đóng vai trò quan trọng để phân phối các sản phẩm báo chí mới lạ đến với bạn đọc. Nếu chúng ta chỉ bám vào những nền tảng truyền thống, khả năng “bị bỏ lại phía sau” trong hành trình chuyển đổi số là rất lớn. Khảo sát của WAN-IFRA năm 2022 cho thấy, thời điểm đó, chỉ có khoảng 12% các cơ quan báo chí trên thế giới tham gia khảo sát cho rằng, họ đã đạt bước tiến về chuyển đổi số, có khoảng 12% đang bị “bỏ lại phía sau”.
Các nhà báo có thể kể câu chuyện bằng hình ảnh, bằng video, bằng infographics, hay những đồ họa tương tác, thậm chí giúp độc giả nhập vai vào câu chuyện thông qua công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường (VR, AR)...
Đấy là lý do mà Quyết định 348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, tầm nhìn 2030 có định hướng là, đến năm 2030, 100% các cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
Trên thực tế, rất nhiều cơ quan báo chí đã thực hiện những bước đi này từ rất sớm và đạt được những thành tựu nhất định. Đơn cử, đến một cơ quan truyền thông được coi là “chính chuyên” như Truyền hình Nhân dân cũng đã đạt mốc 2,8 triệu người đăng ký theo dõi (subscriber) trên YouTube - nền tảng số lớn nhất thế giới. Và đương nhiên, lượng người xem các chương trình của Truyền hình Nhân dân phát trên nền tảng này đạt số người xem lớn hơn rất nhiều so với nền tảng truyền thống.
Hơn thế nữa, với việc tham gia các nền tảng số, Truyền hình Nhân dân cũng có thể dễ dàng phân tệp được người dùng, hiểu rõ được khán giả của mình là ai, ở đâu, thích xem chương trình gì... Từ đó, họ có thể kịp thời đưa ra những điều chỉnh về chiến lược nội dung, thay vì “đoán mò” dựa theo chủ quan của các biên tập viên, hoặc chờ đợi những bản điều tra người xem chậm tới cả tháng trời, chưa kể có nhiều sai số.
Đấy là những lợi thế rõ rệt của chuyển đổi số, mà mục tiêu lớn nhất của những người làm truyền thông vẫn là phân phối tin tức đến đông đảo khán giả nhất có thể. Trong chương trình hỗ trợ các cơ quan báo chí Việt Nam chuyển đổi số trong năm 2022, Google News Initiative cũng chia chương trình theo các nội dung tương tự, bao gồm xây dựng văn hóa dữ liệu, phát triển độc giả và thúc đẩy kinh doanh.
Một cơ quan báo chí mà không biết đối tượng độc giả của mình là ai thì rất dễ lâm vào tình cảnh đề ra những chiến lược nội dung không phù hợp, dẫn đến đánh mất độc giả. Mà muốn biết rõ mình đang phục vụ đối tượng độc giả nào, thì đương nhiên phải tập trung vào yếu tố dữ liệu. Mà muốn thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu, thì lại cần đến công nghệ.
Đây cũng là băn khoăn của nhiều cơ quan báo chí khi tiến hành chuyển đổi số. Không phải tòa soạn nào cũng nuôi được bộ phận product hoặc đội ngũ kỹ thuật in-house như vài tờ báo lớn đang làm. Lãnh đạo một cơ quan báo chí tại Hà Nội chia sẻ, muốn chuyển sang xu hướng tòa soạn hội tụ, muốn phân tệp độc giả hay quản lý thuê bao, thì phải sử dụng các công cụ của nước ngoài với chi phí không hề dễ chịu trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Trong khi đó, các công ty công nghệ trong nước lại không mặn mà với các công cụ dành cho báo chí.
Tại Tọa đàm AI và Báo chí được tổ chức trong khuôn khổ Hội báo Xuân 2023 hồi đầu năm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có những chính sách cụ thể hỗ trợ các công ty công nghệ đầu tư nghiên cứu phát triển các giải pháp dành cho báo chí.
Đó là một tín hiệu tích cực nữa, bên cạnh Quyết định 348/QĐ-TTg, hay Bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành về chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, giúp các cơ quan báo chí có thêm nhiều động lực để tiến hành chuyển đổi. Bởi theo WAN-IFRA, chuyển đổi số sẽ giúp báo chí đa dạng hóa mô hình kiếm tiền. Có thực mới vực được đạo!
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chuyen-doi-so-bao-chi-co-thuc-moi-vuc-duoc-dao-d192265.html