Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu
Ngày 16/7, tại thành phố Hạ Long, (Quảng Ninh) đã diễn ra Hội thảo 'Chuyển đổi số báo chí - Cơ hội và giải pháp' do Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh tổ chức.
Dự hội thảo có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện lãnh đạo 27 cơ quan Báo Đảng, Đài Phát thanh-Truyền hình các tỉnh trung du, miền núi phía bắc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thế Lãm khẳng định: Chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số lĩnh vực báo chí nói riêng đã giúp cho các cơ quan báo chí phát triển ngày càng chuyên nghiệp, làm chủ công nghệ truyền thông hiện đại, sản xuất ra các tác phẩm chất lượng, góp phần đổi mới công tác tuyên truyền của Đảng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng. Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí hiện nay vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức như: nhận thức; nguồn lực cho chuyển đổi số; vấn đề làm chủ về công nghệ; kỹ năng nghiệp vụ và khả năng áp dụng công nghệ của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trên môi trường số…
Việc tổ chức hội thảo nhằm tạo ra diễn đàn để các cơ quan báo chí, truyền thông cập nhật thêm những nội dung mới trong vấn đề lý luận chung về chuyển đổi số báo chí; chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, phân tích, đánh giá thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay; từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí một cách phù hợp với năng lực, thực tiễn hoạt động và chiến lược phát triển của từng đơn vị.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh: Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ninh đã “đi trước, đón đầu” trong khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin ở tất cả các lĩnh vực, trong đó báo chí không nằm ngoài sự thay đổi đó. Vì vậy, báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí di động, báo chí sáng tạo... là những xu hướng báo chí số mà các cơ quan, đơn vị báo chí trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã, đang theo đuổi để bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghệ trong truyền thông của thế giới. Qua đó không ngừng đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác tới công chúng, góp phần xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.
Chia sẻ về những thách thức đang đặt ra trong quá trình chuyển đổi số, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Bùi Thị Thu Hương cho rằng: Những năm qua, báo chí Quảng Ninh đã không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ; thay đổi phương thức vận hành, quản lý; áp dụng công nghệ vào quy trình sản xuất… Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đưa thông tin đến gần hơn, nhanh hơn, hấp dẫn hơn tới độc giả, khán thính giả. Tuy nhiên, muốn chuyển đổi số thành công phải có sự đầu tư cho hạ tầng công nghệ và nguồn nhân lực công nghệ.
Nhưng thực tế ở các cơ quan báo chí địa phương hiện nay đây đang là những khó khăn, trở ngại, nhất là chưa có nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên về quản lý hệ thống công nghệ thông tin và chuyên khai thác sâu về công nghệ thông tin, đồng thời cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các báo Đảng địa phương trong việc chia sẻ các ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số.
Đồng quan điểm về các khó khăn, thách thức đặt ra cho chuyển đổi số, Phó Tổng Biên tập Báo Phú Thọ Đặng Tiến Dũng cho rằng: Trong tiến trình toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, của công nghệ số, sự cạnh tranh của truyền thông số, việc phát hành nội dung thông tin trên nền tảng số là một hướng tiếp cận tất yếu của các tờ báo, đặc biệt đối với báo Đảng địa phương. Bởi vậy, mỗi một tờ báo, mỗi người làm báo phải thực sự chuyển mình, tự đổi mới, tự làm giàu thêm kiến thức, kỹ năng để thích ứng với những thay đổi trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện của tòa soạn.
Cũng theo Phó Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang Nguyễn Thị Hoài Yên muốn chuyển đổi số thành công thì nguồn nhân lực chất lượng cao đang là một trong những thách thức, khó khăn đối với các cơ quan báo chí. Đơn cử Báo Tuyên Quang hiện còn thiếu kỹ sư trình độ cao về công nghệ thông tin để làm công tác quản trị mạng, quản trị dữ liệu, phát triển nền tảng số. Đôi khi trong một số trường hợp, các phóng viên, biên tập viên cảm thấy bất lực khi phải phụ thuộc vào kỹ thuật viên để giải quyết công việc; việc thay đổi từ hình thức làm việc offline sang làm việc online hoặc làm việc đa nền tảng đã khiến nhiều phóng viên, biên tập viên chưa theo kịp.
Trao đổi về “Kinh nghiệm thực tiễn từ quốc tế và Việt Nam khi ứng dụng các công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động của tòa soạn ở Thông tấn xã Việt Nam”, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietNamPlus Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng: Cuộc cách mạng kỹ thuật số đòi hỏi các cơ quan báo chí phải chuyển dần từ việc truyền tải thông tin từ văn bản giấy sang công nghệ internet và các nền tảng số.
Chuyển đổi số là cơ hội để các cơ quan báo chí tái định vị giá trị của mình trong việc tăng cường thu hút độc giả, nhất là bạn đọc trẻ. Để làm được điều này, các cơ quan báo chí cần phải có chiến lược chuyển đổi số, đầu tư, ứng dụng hiệu quả việc chuyển đổi số trong việc định hướng dư luận và đấu tranh, phản bác các nguồn thông tin xấu, độc trên các nền tảng mạng như hiện nay. Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các khâu sản xuất, phân phối tin tức để giải phóng sức lao động, giúp các phóng viên, biên tập viên tập trung cho những sản phẩm sáng tạo hơn. Điều quan trọng nhất đó là đầu tư cho công nghệ chính là đầu tư cho tương lai và luôn coi trọng các nền tảng mới bên cạnh nền tảng truyền thống.
Phân tích về các giải pháp để chuyển đổi số báo chí thành công, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông Lưu Đình Phúc cho rằng: Chuyển đổi số báo chí là một quá trình thay đổi toàn diện của cá nhân và tổ chức; đó là thay về phương thức sản xuất dựa trên công nghệ, là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, nhưng khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số hiện nay chính là thói quen và nhận thức, vì vậy rất cần sự thay đổi và khẳng định vai trò quan trọng của người đứng đầu cơ quan báo chí. Bên cạnh việc đưa công nghệ số thay dần phương thức truyền thống trong truyền thông thì các cơ quan báo chí cần phải quan tâm hơn nữa đến độc giả và thay đổi phương thức quản lý, có chiến lược cụ thể hướng đến xã hội nhiều hơn với những thông tin chính thống, có tính định hướng, đấu tranh với các thông tin xấu, độc trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục có những giải pháp nhằm đem lại cơ chế tối ưu cho các cơ quan báo chí trong việc xây dựng cách tính định mức cho mỗi sản phẩm báo chí hiện nay.
Chia sẻ về xu thế tiếp cận công nghệ AI và hướng đi cho báo chí trong thời gian tới, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh khẳng định: Các cơ quan báo chí đã có những bước đi tuy chậm trong chuyển đổi số, nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định; nếu biết tận dụng công nghệ sẽ đạt được những thay đổi quan trọng trong sự phát triển.
Thời gian tới, hướng đi của các cơ quan báo chí trong tương lai là phải nắm bắt được công nghệ AI, bởi đây sẽ giúp cho việc cải thiện công việc của nhà báo và mang lại tiềm năng to lớn cho mỗi cơ quan báo chí; cùng với đó là việc sử dụng công nghệ số, nền tảng mạng xã hội cũng đang đem lại những hiệu quả nhất định trong truyền thông và báo chí bởi nó thu hút một lượng lớn độc giả. Tuy nhiên, việc quan tâm đến chiến lược phát triển, thu thập thông tin trực tiếp mang lại cho độc giả sự quan tâm hiện nay chưa được các cơ quan báo chí quan tâm thực sự.
Mặt khác, sự phát triển của AI sẽ gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế báo của các cơ quan báo chí, nhất là việc sử dụng AI cũng sẽ đặt ra các vấn đề và tính pháp lý trong việc sử dụng. Đối với các cơ quan báo chí, quan trọng hơn cả là việc tạo nguồn thu, song vấn đề đặt ra là thông tin báo chí thực sự đem lại giá trị cho độc giả chưa; nội dung đã thực sự đủ độc quyền và khác lạ cho độc giả chưa, đây cũng là khó khăn trong phát triển kinh tế báo hiện nay.
Về xu thế của các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh nhấn mạnh, không nên để xảy ra tình trạng sử dụng nội dung báo chí mà không có sự chấp thuận; cần phải có những khung pháp lý bảo vệ cơ quan báo chí và độc giả trong dòng chảy chuyển đổi số; bên cạnh đó cần coi trọng báo in như những sản phẩm cao cấp mang lại thông tin giá trị với chiều sâu cùng sự hiểu biết mà chỉ có con người mang lại.
Hội thảo cũng là cơ hội để các cơ quan báo chí địa phương cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng, giải pháp, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong báo chí, xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng hiện đại, phục vụ tốt hơn cho bạn đọc, đáp ứng các yêu cầu của độc giả, khán thính giả.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-bao-chi-la-xu-the-tat-yeu-post819362.html