Chuyển đổi số - câu chuyện của toàn xã hội

Ngày 8-5 vừa qua, lần đầu tiên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Phước tổ chức hội thảo 'Giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội và đời sống của phụ nữ Bình Phước' với quy mô cấp tỉnh, bằng cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến - một việc làm khá mạnh dạn đối với một tổ chức mà đối tượng quản lý toàn là phụ nữ.

Mạnh dạn là bởi cho đến nay, dẫu khái niệm “chuyển đổi số”, “cuộc sống số”, “chính quyền số”, “công dân số”… đã trở nên quen thuộc, nhưng ngay cả những ngành quan trọng với tiềm lực mạnh hơn cả về điều kiện tài chính và nhân sự, lại có hệ thống từ Trung ương đến làng xã, thôn, ấp mà vẫn chưa làm được. Vậy mà Hội LHPN tỉnh lại làm được, lan tỏa chuyển đổi số (CĐS) đến với mọi hội viên và phụ nữ không chỉ trong tỉnh. Lời khen này không phải của người viết mà là của ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại hội thảo. Ông Phong cho rằng: Với 189 ngàn hội viên trên tổng số 326.797 phụ nữ toàn tỉnh và 50,3 triệu phụ nữ cả nước, chiếm hơn 50% số dân và cũng chiếm hơn 50% lực lượng lao động, chỉ cần một nửa con số này theo dõi hội thảo và quan tâm đến CĐS đã là thắng lợi rồi.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Theo Ủy ban Quốc gia về CĐS, 2024 là năm “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số”, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế số nền tảng từ 20-25% và tổng doanh thu lĩnh vực này đạt 40 tỷ USD. Từ đó tạo đà cho các mục tiêu chiến lược năm 2025 đề ra trong Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam. Như vậy, đây không còn là câu chuyện của riêng cơ quan chuyên ngành thông tin - truyền thông nữa, mà đã trở thành nhiệm vụ, cũng là quyền lợi của toàn xã hội. Trong cuộc cách mạng mà cả loài người buộc phải tham gia này, nếu ai đó, ngành, địa phương nào đó cứ đứng im, không làm gì thì chắc chắn sẽ bị xã hội số đào thải.

CĐS đang diễn ra rất mạnh mẽ và mang lại lợi ích rất lớn như: tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại; tiện lợi và dễ dàng tiếp cận thông tin; cải thiện chất lượng dịch vụ công; giao tiếp và kết nối dễ dàng hơn; quản lý tài chính và mua sắm thông minh; đồng thời mở ra nhiều cơ hội kinh doanh xuyên biên giới… Tuy nhiên, khi thực hiện CĐS sẽ đi kèm nhiều rủi ro, nhất là nạn tấn công mạng, lừa đảo qua mạng mà cơ quan chủ quản đang rất khó kiểm soát.

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thanh Loan trao giải nhất cho Hội LHPN phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài với sản phẩm Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại cuộc thi trực tuyến “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt hội” cấp tỉnh năm 2024

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Thị Thanh Loan trao giải nhất cho Hội LHPN phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài với sản phẩm Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại cuộc thi trực tuyến “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức sinh hoạt hội” cấp tỉnh năm 2024

Thật khó có thể thống kê đầy đủ số nạn nhân bị lừa đảo qua mạng trong một ngày. Và khi sự cảnh giác của người dân được nâng lên một bước thì mức độ tinh vi của nạn lừa đảo qua mạng cũng tăng lên. Rất nhiều người dù đã cảnh giác vẫn sập bẫy, khi kẻ gian cài mã độc hoặc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra tiếng nói và hình ảnh khuôn mặt giống hệt người thân, quen của nạn nhân để lừa đảo. Chính ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trong một ngày cũng có vài cuộc gọi tới phản ánh là có kẻ nhân danh ông yêu cầu cung cấp thông tin để cập nhật lại thuê bao điện thoại vì hiện không chính chủ (!?). Nhiều người vì sợ bị tấn công mạng mà không dám sử dụng điện thoại thông minh, hoặc không dám ứng dụng các nền tảng số. Nhưng một khi tất cả dữ liệu thông tin cá nhân đã được đồng bộ hóa, như qua cửa an ninh sân bay bằng nhận diện khuôn mặt, thì không ai có thể đứng ngoài cuộc sống số nữa!

Như vậy, lợi ích và rủi ro mà việc thực hiện CĐS luôn song hành. Vấn đề đặt ra là làm sao bảo đảm an toàn thông tin và bịt được những lỗ hổng bảo mật mà quá trình sử dụng công nghệ số tạo ra, chứ không phải cự tuyệt nó. Những vấn đề tưởng như rất khó khăn này đã được giải đáp thật dễ hiểu tại hội thảo qua các tham luận rất hữu ích của đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Viettel Bình Phước… Theo đó, việc nâng cao nhận thức về CĐS không phải là vấn đề cao siêu mà nó chỉ nôm na như việc ra khỏi nhà là phải khóa cửa; hay có người lạ vào nhà mình thì phải cảnh giác, thế thôi!

Chúng ta bị lừa là bởi chúng ta không nhận thức đầy đủ về công nghệ số. Như việc bảo mật thông tin, phần lớn phụ nữ vì ngại phải ghi nhớ nên thường lấy ngày tháng năm sinh, hoặc tên của mình làm mật khẩu cho tài khoản ngân hàng hoặc các ứng dụng số quan trọng khác. Và cũng vì ngại ghi nhớ nên phụ nữ thường lười thay đổi mật khẩu, dù được cảnh báo. Chính những điều này đã tạo nguy cơ cao trong bảo mật thông tin. Bởi thế, trong 98 tiêu chí đầu tiên của CĐS, vấn đề nhận thức được ngành công nghệ thông tin đặt lên hàng đầu, sau mới đến con người và cuối cùng là công nghệ.

Điều giản đơn nhất cần nhận thức là: Không ai có thể đứng ngoài cuộc cách mạng CĐS. Vì thế, buộc lòng phải thích ứng!.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/157579/chuyen-doi-so-cau-chuyen-cua-toan-xa-hoi