Chuyển đổi số chỉ đột phá khi được tích hợp vào cải cách thể chế
Theo giới chuyên gia, chuyển đổi số sẽ khó tạo ra đột phá nếu chỉ nhìn nhận như một nhiệm vụ công nghệ đơn thuần. Chỉ khi được tích hợp vào quá trình cải cách kinh tế – thể chế và đo lường bằng hiệu quả thực tế, nó mới có thể trở thành 'nền tảng tăng trưởng mới'.
Chuyển đổi số được xác định là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để thực sự tạo ra đột phá, cần vượt qua nhiều điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng và cách thức đo lường hiệu quả. Đây là những vấn đề cốt lõi được các chuyên gia mổ xẻ tại diễn đàn "Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội" ngày 17/7 tại Hà Nội.
Điểm nghẽn từ hạ tầng đến tư duy
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) khẳng định, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Việc ứng dụng công nghệ không chỉ tối ưu hóa hoạt động của cơ quan Nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước, tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, quá trình này đang đối mặt với không ít thách thức. Về mặt hạ tầng, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Phó Viện trưởng Viện IVM – VUSTA đã chỉ ra sự thiếu đồng bộ, đặc biệt ở cấp cơ sở.
Ông dẫn chứng: "Khi làm hộ khẩu, công an cấp mã QR, nhưng mã này chỉ có giá trị 3 tháng vì bên ủy ban không có thiết bị đồng bộ để đọc dữ liệu. Đây là một điểm nghẽn rất lớn".

Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).
Bên cạnh đó, hạn chế về nguồn lực cũng là rào cản đáng kể. Chúng ta có thể cập nhật công nghệ, nhưng cán bộ ở địa phương không biết dùng, dẫn đến tình trạng 'đắp chiếu' thiết bị. Cùng đó là tình trạng dữ liệu thiếu kết nối, thiếu chia sẻ giữa các bộ, ngành và tâm lý e ngại đổi mới ở một số nơi.
Nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong quá trình chuyển đổi số, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ, điều ông kỳ vọng nhất không phải là Chính phủ "lao vào tranh phần làm với doanh nghiệp", mà là đứng ở vai trò trọng tài, bảo đảm chất lượng.
"Hiện tại, không có ai đo đếm chất lượng của chuyển đổi số hay AI. Chúng ta cần có tiêu chuẩn rõ ràng như ISO, và Chính phủ phải là người giám sát, không thể 'vừa đá bóng, vừa thổi còi'", ông Hòa nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, PGS, TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, chuyển đổi số sẽ khó tạo đột phá nếu chỉ được xem là nhiệm vụ công nghệ đơn thuần.
"Chỉ khi được tích hợp vào quá trình cải cách kinh tế – thể chế, được đo lường bằng hiệu quả thực tế, thì chuyển đổi số mới có thể phát huy vai trò là một 'nền tảng tăng trưởng mới', đúng theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia", ông Long phân tích.
Theo chuyên gia, ba hạn chế: không có cơ chế kinh tế đo lường, đầu tư phân tán thiếu kết nối, văn hóa và thể chế không hỗ trợ tư duy dữ liệu đang cản trở việc chuyển đổi số khu vực công ở Việt Nam phát triển toàn diện và hiệu quả.
Do đó, việc bổ sung các cơ chế định lượng kinh tế, chuẩn hóa dữ liệu toàn quốc, nâng cao năng lực số của công chức và cải cách thể chế pháp lý sẽ là bước đột phá để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 – 2030 một cách bền vững, hiệu quả và phù hợp với xu thế quốc tế.
Thách thức lớn trong đo lường hiệu quả chuyển đổi số
"Làm thế nào để đo lường hiệu quả một cách chính xác" là câu hỏi lớn được các chuyên gia đặc biệt quan tâm. Ông Chử Đức Hoàng - Chánh văn phòng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, cho rằng, theo tinh thần Nghị quyết 57, Việt Nam đang chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
"Chúng ta có thể đầu tư rất nhiều tiền, nhưng nếu không đánh giá được hiệu quả thì sẽ phát sinh vấn đề. Giám sát và đánh giá phải dựa trên hiệu quả thực tế, dữ liệu định lượng và được thực hiện bởi một tổ chức độc lập", ông Hoàng nói.
Dù quá trình chuyển đổi số còn nhiều vất vả và thách thức, ông Chử Đức Hoàng vẫn lạc quan: "Có những nỗ lực mà kết quả chưa thấy đâu, nhưng đó chính là nền tảng để những thành quả khác có thể nảy mầm".
Chia sẻ bài học từ Rwanda, ông Nguyễn Minh Khôi - Giám đốc Chính sách & Chuyển đổi tại Viện Tony Blair cho biết, quốc gia này đã thành công khi thành lập vị trí "Giám đốc số" trong tất cả các cơ quan, chịu trách nhiệm về kỷ luật và hiệu quả ứng dụng thông qua một hệ thống "thẻ điểm" rõ ràng.
"Ở Việt Nam, chúng ta đã làm tốt ở cấp vĩ mô với chỉ số DTI. Bây giờ, cần tập trung vào cấp vi mô, tức là từng cơ quan, có lẽ thông qua việc xây dựng các 'cẩm nang số' hoặc 'lộ trình số' cho từng đơn vị", ông Khôi gợi ý.