Chuyển đổi số - 'chìa khóa' để giảm chi phí dịch vụ logistics, tăng sức cạnh tranh
Mặc dù đang có nhiều cơ hội phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên để giảm chi phí dịch vụ logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị logistics toàn cầu, ngành logistics Việt Nam cần có những 'cú hích' lớn, trong đó có chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ 4.0...
Chiều ngày 24/4/2025, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp logistics hàng đầu trong và ngoài nước.
Hội thảo nhằm thảo luận các vấn đề cốt lõi như: hoàn thiện hành lang pháp lý; chuyển đổi số, logistics xanh, tăng cường kết nối vận tải đa phương thức, phát triển kho thông minh, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, blockchain vào tối ưu chuỗi cung ứng... để ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp và xu hướng 4.0 đang được ứng dụng mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực.

Hội thảo nhằm góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách và kết nối hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - tổ chức trong nước và quốc tế hướng tới mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả
Phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị logistics toàn cầu
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và chuỗi cung ứng toàn cầu không ngừng biến động, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang đứng trước cả thách thức và cơ hội lớn.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), lĩnh vực logistics ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Khi lượng hàng hóa sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu ngày càng tăng, vai trò của logistics ngày càng khẳng định rõ.
Tuy nhiên, để dịch vụ logistics không chỉ là mắt xích hỗ trợ, mà phát triển trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp thiết thực cho tăng trưởng kinh tế quốc dân, rất cần những định hướng chiến lược, chính sách đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước, từ đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực đến ứng dụng công nghệ mới và hoàn thiện hành lang pháp lý.
Bộ Công Thương đã xây dựng và đang hoàn thiện Dự thảo trình Chính phủ về Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị logistics toàn cầu. Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu giảm chi phí logistics xuống 12 - 15% GDP, tốc độ tăng trưởng ngành đạt 15 - 20% mỗi năm. Đồng thời, logistics cũng được tích hợp trong Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, với mục tiêu 30% phương tiện chuyển sang năng lượng sạch và 80% doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, lĩnh vực logistics ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội.
Chuyển đổi số - "chìa khóa" giúp logistics Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh
Mặc dù đang có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên các chuyên gia nhận định logistics cũng là ngành có sự cạnh tranh rất khốc liệt với việc mở cửa thị trường khá cởi mở, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mạnh trong và ngoài nước. Mặt khác, kỷ nguyên 4.0 đang mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng gây ra nhiều thách thức đối với các lĩnh vực, trong đó có logistics, đòi hỏi các giải pháp để thúc đẩy ngành Logistics phát triển bền vững.
Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là "chìa khóa" giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh. Với quy mô chưa lớn và nhân lực chưa nhiều, khi áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu suất, nâng cao tốc độ xử lý công việc.
Mặt khác, đây cũng là xu hướng chung của thời đại nên nếu chúng ta không làm, các doanh nghiệp của các nước khác đã thực hiện, chúng ta sẽ mất đi lợi thế ngay trên sân nhà. Do đó, đây là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam và chúng ta phải thực hiện việc này càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt.
Trao đổi về định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics trong giai đoạn mới, TS. Bùi Bá Nghiêm - Chuyên viên cao cấp, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại, gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, hai trụ cột chiến lược là logistics số và logistics xanh sẽ là đòn bẩy giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.
“Chúng ta không thể nói đến thương mại điện tử, chuyển đổi số hay tăng trưởng xanh nếu logistics không theo kịp. Doanh nghiệp logistics cần chủ động chuyển mình, thay vì chỉ đóng vai trò hậu cần”, TS. Bùi Bá Nghiêm nhấn mạnh.

TS. Bùi Bá Nghiêm - Chuyên viên cao cấp, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ thông tin về định hướng phát triển ngành dịch vụ logistics trong giai đoạn mới
Chia sẻ từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Phạm Nguyễn Thanh Quang - Tổng Giám đốc Lazada Logistics – LEX Việt Nam cho biết: “Trong kỷ nguyên 4.0, logistics đã trở thành một ngành dịch vụ công nghệ cao. Tại LEX Việt Nam, chúng tôi ứng dụng toàn diện các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), cảm biến IoT và hệ thống quản lý chuỗi cung ứng để tự động hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm người dùng”.
Phân tích rõ những thay đổi mà chuyển đổi số mang lại trong hoạt động của doanh nghiệp, ông Quang cho hay, với hệ thống AI được tích hợp trong các khâu từ dự báo đơn hàng, tối ưu hóa tuyến giao hàng, điều phối kho vận đến phân tích hành vi tiêu dùng, chuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý mà còn mở rộng khả năng phục vụ ra các vùng sâu, vùng xa.
Trong khi đó, bà Trương Thị Mùi - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Logistics Quốc tế Bắc Giang nhấn mạnh sự cần thiết của việc tích hợp vận tải đa phương thức với hệ thống kho thông minh: “Vùng trung du miền Bắc có lợi thế kết nối đường bộ, đường thủy và đường sắt, nhưng hiện tại các phương thức này vẫn phát triển rời rạc. Việc đồng bộ hóa, xây dựng chuỗi cung ứng đa tầng sẽ giúp giảm 10 - 15% chi phí logistics cho các ngành hàng chủ lực như TMĐT, điện tử, dệt may.”
Bà Mùi cũng kiến nghị cần thúc đẩy chính sách ưu đãi đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hệ thống WMS, IoT, AI trong quản lý kho bãi, đồng thời tạo điều kiện cho các kho thông minh phát triển theo chuẩn quốc tế.
Cùng với chuyển đổi số, ông Cáp Trọng Cường - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Macstar nhấn mạnh chiến lược xanh hóa logistics, khẳng định: “Phát triển logistics xanh không còn là lựa chọn, mà là điều kiện để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia đang đặt ra tiêu chuẩn rất cao về phát thải và môi trường”.
Ông Cường cho biết: Tuyến vận tải thủy nội địa bằng sà lan, kết nối Hải Phòng với các tỉnh Bắc Trung Bộ mà Macstar hiện đang triển khai giúp giảm 70% phát thải so với vận tải đường bộ. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đầu tư kho thông minh sử dụng năng lượng tái tạo và thử nghiệm trồng rừng để tạo tín chỉ carbon... Do đó cần có bộ tiêu chí logistics xanh quốc gia, đồng thời có chính sách tài chính ưu đãi như tín dụng xanh, giảm thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang logistics xanh.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics thảo luận về chủ đề: "Chuyển đổi số trong logistics - Tác động của công nghệ như AI, IoT, blockchain trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng"
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: "Chuyển đổi số trong logistics - Tác động của công nghệ như AI, IoT, blockchain trong tối ưu hóa chuỗi cung ứng" với sự tham gia của các đại diện đến từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA); Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA); đại diện doanh nghiệp dịch vụ logistics, doanh nghiệp sản xuất...
Những mô hình, kinh nghiệm thực tiễn áp dụng được các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp chia sẻ cho thấy, việc ứng dụng công nghệ 4.0 như: Big data (dữ liệu lớn), trí tuệ nhân tạo (AI)... vào quy trình hoạt động không chỉ giúp rút ngắn thời gian phát triển sản phẩm mà còn nâng cao đáng kể hiệu quả vận hành, khả năng phản ứng nhanh với biến động thị trường. Bên cạnh đó, các hệ thống kho và giao hàng thông minh giúp chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả, giảm thiểu sai sót, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng...
Việc kết nối chia sẻ và hỗ trợ để các sáng kiến, mô hình tiên tiến được nhân rộng cùng với sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nươc, hiệp hội, doanh nghiệp, các bên liên quan sẽ thúc đẩy xây dựng một hệ sinh thái logistics hiện đại, thông minh, xanh và hiệu quả.