Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh - động lực chính của tăng trưởng kinh tế

Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trên 10%, kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Đến năm 2023 thì kinh tế số đã đóng góp 16,5% GDP, với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm.

Kinh tế số phát triển với tốc độ nhanh

Ngày 28/5 tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 (Vietnam - Asia DX Summit 2023) đã khai mạc, với chủ đề: “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số."

Theo ban tổ chức, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng vượt bậc về nhu cầu chuyển đổi số. Các doanh nghiệp và tổ chức đang tìm cách tận dụng công nghệ để cải thiện hiệu suất và tạo ra giá trị mới. Các nước trên thế giới đang thực hiện chuyển đổi số đi kèm cùng chuyển đổi xanh vô cùng mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cũng đang chuyển đổi số - chuyển đổi xanh mạnh mẽ.

Các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, chuyển đổi xanh là hướng tới mô hình phát triển thân thiện với môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để sản xuất, tiêu dùng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu phát thải, từ đó tạo nên một nền kinh tế xanh, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Chuyển đổi số là hướng tới mô hình phát triển thông minh dựa trên ứng dụng các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo để hoạt động hiệu quả hơn, năng suất hơn, tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu hao phí tài nguyên, năng lượng, tạo ra giá trị mới, từ đó tạo nên một nền kinh tế xã hội số.

Doanh nghiệp Việt ngày càng có nhiều động lực hơn để bắt tay chuyển đổi xanh. Ảnh tư liệu

Doanh nghiệp Việt ngày càng có nhiều động lực hơn để bắt tay chuyển đổi xanh. Ảnh tư liệu

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập VINASA cho biết, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, hướng tới phát triển bền vững. Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai lĩnh vực quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang là “cặp song sinh” chuyển đổi quan trọng nhất. Muốn xanh phải dùng số - không có số thì không thể chuyển nhanh. Nếu không dùng công nghệ xanh sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên và hủy hoại trái đất.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai chuyển đổi quan trọng bậc nhất của đầu thế kỷ 21. Hai chuyển đổi này cũng sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng trên 10% và cũng trong năm này kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Nhưng đến năm 2023 thì kinh tế số theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm.

“Chuyển đổi số là để tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của mình con người thay vì tiêu dùng và làm cạn kiệt tài nguyên thì tạo ra tài nguyên mới. Trước đây càng phát triển thì càng làm cạn kiệt tài nguyên. Ngày nay càng phát triển thì càng sinh ra nhiều tài nguyên. Chuyển đổi số cũng là để chúng ta thoát ly ra khỏi thế giới vật lý. Thế giới vật lý được ảo hóa trong không gian mạng. Thế giới vật lý thì vật chất có khoảng cách, có thời gian. Thế giới số thì phi vật chất, không có khoảng cách, không có thời gian. Đổi mới sáng tạo sẽ diễn ra nhanh hơn rất nhiều trên không gian mạng và khi thành công thì ánh xạ ngược lại vào thế giới vật lý. Quốc gia nào chuyển đổi số nhanh hơn quốc gia đó sẽ giàu có hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh hài hòa

Theo ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học giáo dục, tài nguyên Môi trường - Bộ Kế hoạch đầu tư, Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần 6,8% GDP tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để thực hiện mục tiêu phát thải tròng về 0 vào năm 2050. Nhu cầu đầu tư sẽ tập trung lớn vào năng lượng, giao thông nông nghiệp và công nghiệp. Do đó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành cũng như sự đồng hành của toàn người dân và doanh nghiệp.

“Để đảm bảo quá trình chuyển đổi số xanh đi song hành với nhau cần xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh hài hòa với thông lệ quốc tế làm cơ sở xây dựng các tiêu chí xác định dự án xanh. Bên cạnh đó xây dựng chương trình ưu đãi xanh để huy động nguồn lực trong nước và quốc tế. Đề xuất các dự án tăng trưởng xanh có tiềm năng tạo ra đột phá làm thí điểm và được theo dõi, đánh giá rút kinh nghiệm trước khi triển khai quy mô rộng. Cần thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua các chương trình truyền thông và giáo dục, tăng cường quan hệ quốc tế hỗ trợ phát triển tăng trưởng xanh tại Việt Nam” - ông Việt Anh kiến nghị.

Về phía đại điện doanh nghiệp, ông Lê Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc thường trực MISA, khẳng định ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao năng suất lao động vượt trội. Với các ví dụ cụ thể, AI có thể viết email nhanh hơn 36 lần, thiết kế ảnh thời trang nhanh hơn 24 lần và lập trình giao diện website nhanh hơn 10 lần so với con người. Những con số ấn tượng này cho thấy tiềm năng của AI, khẳng định đây chính là giải pháp công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa thời gian, quy trình làm việc và gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo Chỉ số sẵn sàng AI (AI Readiness Index) của Cisco năm 2023, chỉ 27% tổ chức tại Việt Nam sẵn sàng triển khai công nghệ AI. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ tự tin ứng dụng AI toàn diện và hoạt động sản xuất – kinh doanh. Do đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng ứng dụng để tăng năng suất, tạo ra sự lan tỏa của nền kinh tế.

Cần sự phối hợp của các bộ, ngành để thực hiện mục tiêu phát thải ròng về 0

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần 6,8% GDP tương đương 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040 để thực hiện mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Nhu cầu đầu tư sẽ tập trung lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp. Do đó, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành cũng như sự đồng hành của toàn người dân và doanh nghiệp.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chuyen-doi-so-chuyen-doi-xanh-dong-luc-chinh-cua-tang-truong-kinh-te-151780-151780.html