Chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu phát triển Thái Nguyên: Số - Xanh - Hạnh phúc
Thái Nguyên luôn xác định chuyển đổi số là điểm nhấn quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao trải nghiệm, chất lượng cuộc sống cho người dân và hướng tới mục tiêu phát triển Thái Nguyên: Số - Xanh - Hạnh phúc.
Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về chương trình chuyển đổi số, lấy ngày 31/12 là Ngày chuyển đổi số của tỉnh. Sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, công tác chuyển đổi số đã đạt nhiều kết quả tích cực trên cả 03 lĩnh vực: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Đến nay, Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành 15/15 mục tiêu chuyển đổi số theo Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Tỉnh ủy về chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, qua đó có tác động tích cực, toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Xác định hạ tầng số có vai trò quan trọng trong việc kết nối dữ liệu, đáp ứng phương thức quản lý thông minh, Thái Nguyên đã đón đầu xu thế trong phát triển hạ tầng số sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh mới để thu hút đầu tư. Hiện tại có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông với 1.830 điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS), trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có 10 trạm BTS, tỷ lệ thôn, xóm được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,6%.
Các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước được quan tâm triển khai góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động, đổi mới phương thức làm việc nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Việc triển khai Đề án 06 tiếp tục đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Phát triển các ứng dụng số như: C-ThaiNguyen, Sổ tay đảng viên điện tử, Hệ thống thông tin 1022… nhằm cung cấp thông tin chính thống tương tác hai chiều giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Phát triển kinh tế số và xã hội số được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo động lực để tỉnh phát triển. Tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn ước tính cả năm 2024 là 711,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 31/7/2024, có 820/898 doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền đạt tỷ lệ 91,3%. toàn tỉnh có 181 website bán hàng đăng ký với Bộ Công Thương, phong trào livestream bán nông sản ngày càng được nhân rộng mà điểm nhấn là "Lễ hội Võ Nhai mùa na chín - Xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Võ Nhai và nông sản tỉnh Thái Nguyên năm 2024" (đã có trên 20 streamer tham gia; sau 3 giờ livestream, đã tiếp tận được gần 6 triệu lượt xem, chốt bán 865 đơn hàng trong đó bán trực tuyến 4,63 tấn na, doanh thu ước đạt trên 370 triệu đồng).
Từ chỗ đứng thứ hơn 40 trong cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, Thái Nguyên có tên trên bản đồ chuyển đổi số Quốc gia: Năm 2020, Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Năm 2022 và 2023 Thái Nguyên 2 năm liên tiếp xếp thứ 8/63; là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu về hạ tầng số; Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đứng thứ 2; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) xếp thứ 2; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Khẳng định, quán triệt sâu sắc những quan điểm đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết "Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới". Trong đó, nhấn mạnh 3 điểm mới: Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - "phương thức sản xuất số", trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số", tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 2840/QĐ-UBND về ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025. Đề án đặt mục tiêu trong năm 2025: Mạng 5G với tốc độ tối thiểu 100 Mbps, phủ sóng tại 100% khu dân cư; 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G; Xây dựng bản sao số (Digital Twins) tại khu công nghiệp; Triển khai Hệ thống thông tin 1022 kết nối người dân với chính quyền tỉnh; Triển khai camera giám sát thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); Phấn đấu kinh tế số tiếp tục duy trì chiếm trên 30% GRDP; Xây dựng Đề án Thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung Yên Bình; Triển khai ứng dụng Drone, camera trong sản xuất và chế biến nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây chè…
Có thể nói, Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những năm qua là điểm nhấn quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, thay đổi toàn diện phương thức quản lý của cả hệ thống chính trị, mô hình sản xuất kinh doanh nghiệp mở ra không gian phát triển mới, tạo ra những giá trị mới, nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống cho người dân. Thời gian tiếp theo, Thái Nguyên tiếp tục tiên phong chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu phát triển Thái Nguyên: Số - Xanh - Hạnh phúc.