Chuyển đổi số là công cụ quan trọng hỗ trợ thực thi công lý

Thủ tướng yêu cầu ngành tư pháp cần tích cực chuyển đổi số, xác định xây dựng tòa án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Chiều 16/6, Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của ngành tòa án nhân dân. Hội nghị đã kết nối trực tuyến với hơn 800 điểm cầu tòa án nhân dân các cấp trong toàn quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là xu thế tất yếu và là yêu cầu khách quan trong công cuộc phát triển đất nước.

"Việt Nam xác định chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, với người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực. Do đó, chuyển đổi số đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, đến từng đối tượng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Với lĩnh vực tư pháp, Thủ tướng cho biết công tác xây dựng tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp - là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý và sự ưu việt của chế độ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đạt được của ngành tòa án nhân dân, nhất là trong công tác chuyển đổi số. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số ngành tòa án nhân dân như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số còn chậm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng cung cấp dịch vụ tư pháp công trực tuyến chưa cao; hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu, số hóa dữ liệu còn nhiều hạn chế; an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức…

Để khắc phục những tồn tại, đưa việc chuyển đổi số ngành tòa án đi vào thực chất, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Thứ nhất, người đứng đầu có vai trò quyết định; phải luôn quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là nhiệm vụ xây dựng tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ hai, phải luôn nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động tư pháp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp; xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; coi xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá và nhấn mạnh chuyển đổi số là công cụ quan trọng để hỗ trợ thực thi công lý.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản trị tòa án trên nền tảng số, cung cấp cho người dân nhiều dịch vụ tư pháp tiện ích, bảo vệ công bằng, quyền con người, quyền công dân.

Thứ tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, tính chính xác các phán quyết, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, xây dựng ngành tòa án nhân dân ngày càng hiện đại, bắt kịp, vượt lên với xu hướng phát triển của Việt Nam và trên thế giới.

Thứ năm, mỗi cán bộ, công chức ngành tòa án nhân dân, nhất là người đứng đầu phải coi việc đẩy nhanh chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực vào quá trình này.

Phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của tòa án nhân dân được chuyển đổi số

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao ngành tòa án hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách cho chuyển đổi số, phát triển tòa án điện tử, cùng với đó, đổi mới mô hình hoạt động sang quản lý trên nền tảng số; tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, nhất là trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân Tối cao và các trang thông tin điện tử của các tòa án nhân dân cấp cao, tòa án các cấp.

Nâng cao năng lực quản trị, thực thi tòa án trên nền tảng số; hiện đại hóa ngành tòa án nhân dân, nhất là phát triển hạ tầng số; xây dựng trung tâm dữ liệu, số hóa hồ sơ, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu; phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của tòa án nhân dân được chuyển đổi số, quản trị thống nhất trên nền tảng số.

Khai thác, sử dụng, phát triển nền tảng xét xử trực tuyến, hướng tới 100% tòa án nhân dân đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực tổ chức xét xử trực tuyến được phép; sớm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện nền tảng pháp lý về tố tụng điện tử.

Đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính; đơn giản hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; tích hợp với ứng dụng định danh cá nhân giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến trực tiếp tòa án.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, ngành tòa án nhân dân sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW của Trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: "Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân".

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/chuyen-doi-so-la-cong-cu-quan-trong-ho-tro-thuc-thi-cong-ly-post35744.html