Chuyển đổi số ngành BHXH: Người dân được thụ hưởng nhiều hơn, tiện ích hơn
Với trọng tâm gồm nâng cao nhận thức chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trên môi trường số, trong thời gian qua công tác chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) đã đạt được những thành tựu ấn tượng, từ đó gia tăng những quyền lợi được thụ hưởng cũng như tiện ích cho người dân.
Những lợi ích thiết thực cho người dân từ công tác chuyển đổi số ngành bảo hiểm xã hội
Khi lần đầu tiên được tuyên truyền về hình thức nhận lương hưu qua tài khoản ngân hàng, ông Dương Văn Chính (tổ 2, thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc) vẫn còn khá e ngại, bởi lẽ nghĩ mình tuổi cao, không thạo về công nghệ, không biết dùng thẻ ATM cũng như ứng dụng ngân hàng, tuy nhiên sau nhiều lần được hướng dẫn, giải thích về các lợi ích của điều này, ông cũng đã làm theo, thậm chí còn cảm thấy tiện lợi vô cùng khi hàng tháng không còn phải đến nơi, xếp hàng để nhận tiền và ký tên. Cứ khi nào có lương sẽ có tin nhắn báo về điện thoại, ông chỉ cần cầm thẻ ra cây ATM gần nhà để rút tiền bất kỳ thời điểm nào tiện. Không những vậy, nhờ sự hỗ trợ của con cháu, ông cũng học được cách chuyển tiền, thanh toán các chi tiêu sinh hoạt hàng tháng cho gia đình qua ứng dụng ngân hàng. Số tiền lương hưu chưa bao giờ được sử dụng hiệu quả đến vậy.
Đó là một trong số rất nhiều những lợi ích thiết thực mà người dân được thụ hưởng trong quá trình chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội thời gian qua. Việc đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang được đánh giá là một trong những chính sách mang lại nhiều sự tiện lợi, an toàn cho người hưởng cũng như đảm bảo công khai, minh bạch đối với cơ quan quản lý, khẳng định quyền hưởng an sinh của người dân trong xã hội số, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Cùng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang có những thành tựu lớn. Sự thay đổi của lĩnh vực cũng được thấy ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như khi người dân đi khám bệnh không còn cần phải “kè kè” thẻ bảo hiểm y tế bên mình, chỉ cần mở ứng dụng VssID trên thiết bị hoặc trình căn cước công dân gắn chip đã được tích hợp cho nhân viên y tế. Người lao động không còn phải khư khư sổ bảo hiểm xã hội bên mình, vẫn có thể truy cập được toàn bộ lịch sử tham gia trên ứng dụng, thực hiện các dịch vụ công thông qua ứng dụng…
Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ thì BHXH Việt Nam không chỉ là đơn vị tiên phong trong công tác chuyển đổi số mà còn có những sản phẩm thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật.
Theo thống kê của ngành BHXH, tính đến tháng 10 năm nay, trong cả nước đã có 100% cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân gắn chip; đảm bảo đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân, căn cước công dân. Đã có hơn 119 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân hoặc căn cước công dân thành công, phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, giảm thời gian làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT, tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT và chi phí quản lý hành chính.
Theo BHXH Việt Nam, ngành cũng đã có nhiều biện pháp thúc đẩy, chỉ đạo việc tuyên truyền, vận động người dân hưởng các chế độ BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tính đến nay, đã có khoảng 78% số người hưởng tại khu vực đô thị nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua thẻ ATM, tăng 14% so với năm 2023, vượt 18% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg.
Đặc biệt, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam cũng đã tích cực hỗ trợ ngành Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở khám chữa bệnh qua hạ tầng của BHXH Việt Nam. Đây là cơ sở đầu vào quan trọng để phục vụ triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông và dịch vụ công về cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến. Tính đến nay, trên toàn quốc có 1.299 cơ sở khám chữa bệnh đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 4.186.208 dữ liệu được gửi; có 1.807 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 1.631.319 dữ liệu được gửi; 722 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử, với 19.817 dữ liệu được gửi.
BHXH Việt Nam cũng đang chủ động phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công an thí điểm liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, phục vụ triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam cũng đã không ngừng nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VssID - BHXH số giúp cho người dân dễ dàng thực hiện các giao dịch liên quan trên môi trường số dễ dàng. Hiện toàn quốc có hơn 36 triệu tài khoản giao dịch điện tử, dùng để đăng nhập sử dụng ứng dụng VssID, hơn 5,5 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
Theo bảng xếp hạng hiện nay về "Ứng dụng được tải nhiều nhất tại Việt Nam" trên App Store cuối năm 2023, ứng dụng VssID của BHXH Việt Nam đứng thứ nhất trong nhóm ứng dụng về kinh doanh và đứng thứ 25 trong nhóm các ứng dụng cung cấp miễn phí. Đây cũng là một trong 3 ứng dụng của cơ quan nhà nước có lượng người dùng lớn tại Việt Nam, cùng với 2 ứng dụng khác là: VneID của Bộ Công an, Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn. Điều này cho thấy tính thực tiễn và nhu cầu của người dân đối với ứng dụng số của ngành bảo hiểm.
Nhằm tạo ra sự thuận tiện nhất đối với người dân trong việc tiếp cận, được giải đáp các thắc mắc liên quan lĩnh vực bảo hiểm, BHXH Việt Nam cũng đã tích hợp Trợ lý ảo vào Tổng đài Chăm sóc khách hàng với số điện thoại 1900.9068, qua đó, hỗ trợ người dân cấp lại mật khẩu tài khoản VssID.
Ngành cũng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập, sử dụng tài khoản VssID. Đến nay, đã có hơn 16,7 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID. Điều này đã giúp người dân có thêm lựa chọn khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ BHYT, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID. Đã có hơn 24,9 triệu lượt truy vấn thông tin sổ BHXH thành công và tích hợp lên ứng dụng VNeID.
Phấn đấu vì mục tiêu trở thành "điểm tựa an sinh" vững chắc cho người dân
Bên cạnh việc giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ BHXH, thụ hưởng quyền lợi và trải nghiệm số, thời gian qua ngành BHXH cũng đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Hiện nay 100% thủ tục hành chính của ngành đều đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Các dịch vụ công này được cung cấp trên nhiều nền tảng, hình thức như: Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Ứng dụng VssID, tổ chức IVAN, VNPOST... Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý hơn 10,4 triệu hồ sơ giao dịch điện tử (tương đương 76,6 triệu hồ sơ gắn với từng người lao động, chiếm 92,5% tổng số hồ sơ cả trực tiếp và trực tuyến). Thông qua các dịch vụ công này, toàn ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý, trả kết quả hơn 1,7 triệu hồ sơ hoàn toàn trực tuyến.
Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam cũng đã kết nối với hơn 13.000 cơ sở y tế trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đây là cơ sở quan trọng phục vụ cho quá trình triển khai Sổ sức khỏe điện tử toàn dân. Cả nước hiện cũng có hơn 621 nghìn doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH. Qua đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục về BHXH, BHYT.
BHXH Việt Nam cũng là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư hơn 98,5 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó có khoảng 88,5 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH BHYT, BH thất nghiệp, đạt tỷ lệ 98,4%.
Có thể thấy, với nguồn cơ sở dữ liệu được cập nhật thường xuyên và hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phủ rộng, việc kết nối liên thông, chia sẽ dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam với các Bộ, Ngành, địa phương giúp chuẩn hóa dữ liệu, nâng cao chất lượng quản lý, cải cách, liên thông thủ tục hành chính (TTHC), góp phần xây dựng và phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, đơn vị và doanh nghiệp.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ông Nguyễn Thế Mạnh thì công tác đảm bảo quyền lợi và giải quyết chế độ cho người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp và Bảo hiểm y tế tại Việt Nam ngày càng thuận tiện với các bước cải cách thủ tục hành chính nhanh nhất và thuận tiện nhất. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính, chủ động rà soát cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, phấn đấu vì mục tiêu trở thành "Điểm tựa an sinh" vững chắc cho người dân Việt Nam.
Theo vov.vn