Chuyển đổi số ngành Giao thông để phục vụ người dân tốt hơn

Giao thông vận tải là lĩnh vực gắn liền trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc chuyển đổi số thành công ở lĩnh vực này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp hưởng lợi nhiều hơn, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống thu phí điện tử không dừng đã được triển khai rộng khắp trên cả nước. Ảnh: Thu Nhàn

Hệ thống thu phí điện tử không dừng đã được triển khai rộng khắp trên cả nước. Ảnh: Thu Nhàn

Kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), một số kết quả nổi bật có thể kể đến là dịch vụ công trực tuyến đổi giấy phép lái xe (GPLX), chuyển đổi số cảng biển, thu phí tự động không dừng, chuyển đổi số trong đăng kiểm...

Với dịch vụ công đổi GPLX do ngành Giao thông cấp, Bộ GTVT đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan làm sạch dữ liệu GPLX và kết nối dữ liệu khám sức khỏe. Từ đây, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc từ tháng 11/2022. Đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 5.000 GPLX được đổi theo hình thức trực tuyến, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí.

Trước tình trạng quá tải đăng kiểm do một số trung tâm phải ngừng hoạt động và do việc thay đổi các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm ứng dụng triệt để công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân đăng ký, xếp lịch đăng kiểm, gia hạn tự động kỳ đăng kiểm... Hiện tại, Bộ GTVT cũng đang đẩy mạnh kinh tế số trong lĩnh vực hàng hải thông qua việc thúc đẩy chuyển đổi số tại các cảng biển.

Sẽ tập trung hoàn thành xây dựng các nền tảng dùng chung

Giai đoạn 2023 - 2024, sẽ tập trung hoàn thành xây dựng các nền tảng dùng chung và các cơ sở dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải; tập trung chuyển đổi số đối với các lĩnh vực này.

Hoạt động này giúp các doanh nghiệp khai thác cảng quản lý, điều hành khai thác hiệu quả hơn; điều động phương tiện, thông quan hàng hóa nhanh chóng. Điều này giúp kéo giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đến nay, hệ thống thu phí điện tử không dừng đã được triển khai rộng khắp trên cả nước, với hơn 5,6 triệu xe được dán thẻ, giúp người dân tham gia giao thông nhanh chóng, an toàn và minh bạch trong công tác quản lý.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu giải pháp định danh điện tử phương tiện tham gia giao thông cũng như quy định về tài khoản giao thông để mở rộng cung cấp dịch vụ giao thông khác cho phương tiện như: thu phí vào nhà ga, bến bãi, thu phí sử dụng cảng biển, thu phí đăng kiểm… hướng tới mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thông.

Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu xây dựng kiến trúc tổng thể về giao thông thông minh, làm cơ sở để triển khai hệ thống này một cách đồng bộ trên hệ thống đường cao tốc, kết nối với các hệ thống điều hành của đường vành đai và nội đô, phục vụ công tác quản lý giao thông và cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông. Đã có 7/21 tuyến cao tốc được đầu tư, lắp đặt. Tuy nhiên, phần lớn các dự án xây dựng đường cao tốc hiện nay đều có hợp phần xây dựng hệ thống ITS để quản lý, điều hành giao thông.

Chuyển đổi số trong mọi hoạt động quản lý

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, chương trình chuyển đổi số Bộ GTVT lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Vì vậy khi chuyển đổi số thành công, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, chuyển đổi số là vấn đề thay đổi nhận thức và phương thức quản lý từ truyền thống sang ứng dụng toàn diện công nghệ số. Vì vậy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số một cách sâu rộng trong toàn ngành, đưa chuyển đổi số trở thành thành phần hữu cơ trong mọi hoạt động quản lý của Bộ GTVT có vai trò quan trọng.

Nhận thức phải được chuyển biến trong kiến tạo thể chế phát triển và quản lý các mô hình kinh doanh vận tải và dịch vụ logistics mới, xây dựng chính sách chú trọng sử dụng công nghệ số cho tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ GTVT.

Phát triển chính phủ số theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu cho mọi hoạt động nghiệp vụ, sử dụng dữ liệu số cho việc tự động hóa ra quyết định và hỗ trợ ra quyết định; tập trung xây dựng các hệ thống phục vụ người dân và doanh nghiệp theo hướng cải cách hành chính, tạo thuận lợi và giảm chi phí, nguồn lực xã hội.

Đẩy mạnh, phát triển các hệ thống giao thông thông minh cho tất cả các lĩnh vực, ứng dụng các thành tựu tiên tiến về khoa học công nghệ cho quản lý và điều hành giao thông; phát triển nền kinh tế số thông qua cải cách phương thức quản lý, ứng dụng các công nghệ số để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc sử dụng dịch vụ vận tải và giảm chi phí logistics.

Bộ GTVT đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn mạng đến năm 2025 và kế hoạch từng năm. Nhiệm vụ được đã được giao cụ thể, rõ ràng đến các đơn vị.../.

Trí Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chuyen-doi-so-nganh-giao-thong-de-phuc-vu-nguoi-dan-tot-hon-135840.html