Chuyển đổi số nông nghiệp: câu chuyện nằm ở… dữ liệu!

Nếu không có dữ liệu đầy đủ và minh bạch để làm cơ sở cho các thành phần tham gia chuỗi giá trị ngành nông nghiệp đưa ra quyết định, thì chắc chắn chuyển đổi số sẽ đi đến kết quả thất bại, dù nền tảng có đưa ra một hay nhiều tiện ích…

Chuyển đổi số nông nghiệp muốn thành công cần phải có dữ liệu. Ảnh: Trung Chánh

Chuyển đổi số nông nghiệp muốn thành công cần phải có dữ liệu. Ảnh: Trung Chánh

Chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết

Phải thừa nhận ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp mang lại cho nông dân, doanh nghiệp nói riêng và các thành phần tham gia chuỗi giá trị nhiều lợi ích, bao gồm việc lập kế hoạch điều hành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và cả thị trường tiêu thụ…

Là đơn vị ứng dụng chuyển đổi số từ năm 2019, ông Nguyễn Hữu Phước, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp Tân Tiến ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho biết, lợi ích quan trọng nhất là lãnh đạo đơn vị cập nhật được nhiều thông tin, giúp hỗ trợ hợp tác xã hoạt động, sản xuất kinh doanh tốt hơn. “Chẳng hạn, chúng tôi cập nhật được thông tin giá cả thị trường để tham khảo và đưa ra quyết định trong thời điểm hợp lý”, ông dẫn chứng.

Một lợi ích khác được Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Tân Tiến nêu ra, đó là thông qua nền tảng chuyển đổi số đã giúp đơn vị này tìm kiếm được nhiều thông tin khi có nhu cầu. “Thông tin đó sẽ là nguồn tư vấn giúp chúng tôi có được giải pháp phù hợp nhất trong giải quyết một vấn đề”, ông nói.

Theo ông Phước, nền tảng chuyển đổi số giúp tạo sự minh bạch, bao gồm đầu vào, đầu ra và cả lợi nhuận của hợp tác xã. “Từ chỗ có sự công khai, minh bạch mà nội bộ trong hội đồng quản trị và các thành viên có sự đoàn kết tốt hơn”, ông nói.

Theo tìm hiểu của KTSG Online, hiện có khá nhiều phần mềm/nền tảng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được các doanh nghiệp “tung” ra thị trường. Trong đó, nền tảng chuyển đổi số với tên gọi “mạng nhà nông” do Trung tâm chuyển đổi số và thông kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Công ty cổ phần thế giới công nghệ phần mềm (Worldsoft) triển khai là một điển hình.

Theo đó, việc phát triển nền tảng “mạng nhà nông” được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả hơn cho các thành phần trong chuỗi ngành nông nghiệp, bao gồm nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp…, nhất là về cải thiện năng suất, chất lượng nông sản và nâng cao hiệu quả quản lý…

Trao đổi với báo chí bên lề lễ ra mắt nền tảng “mạng nhà nông- hành trình nông dân số” vào tuần rồi ở thành phố Cần Thơ, ông Đỗ Minh Phương, Phó Trưởng phòng chuyển đổi số và hợp tác quốc tế (Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp) cho biết, nền tảng nêu trên cung cấp nhiều thông tin hữu ích, bao gồm thông tin về cây trồng, dịch bệnh, phương pháp canh tác/phòng trừ sâu bệnh…

Ngoài ra, theo ông Phương, nền tảng “mạng nhà nông” còn cung cấp những thông tin về thị trường, biến động giá cả, dự báo thời tiết và nhận định của chuyên gia về tình hình sản xuất, thị trường…

Ông Nguyễn Ái Hữu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Worldsoft cho rằng, một trong những mấu chốt của việc số hóa trên hệ thống này là giúp người nông dân thiết lập được kế hoạch sản xuất, từ đó, đưa ra những quyết định tốt nhất. “Người dân sẽ đưa ra quyết định dựa trên con số và số hóa sẽ làm được điều đó”, ông nói.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kỳ vọng, “mạng nhà nông” sẽ góp phần giải quyết những bức xúc của ngành nông nghiệp Việt Nam thông qua những bức xúc của người nông dân. “Đừng để bà con bơ vơ trên “ốc đảo” của mình”, ông nói và cho rằng, giữa một người và sự kết nối của một mạng lưới giá trị là khác nhau.

Thách thức đến từ Big Data

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng để một nền tảng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thành công là cần phải có nguồn dữ liệu thông tin đúng, đầy đủ và đáp ứng kịp thời nhu cầu của các bên tham gia, chứ không phải chỉ là những tiện ích trên lý thuyết mà nền tảng cung cấp. Bởi lẽ, từ nguồn dữ liệu đó người nông dân hay doanh nghiệp sẽ đưa ra được những quyết định đúng.

Trao đổi với KTSG Online, Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (xin không nêu trên) thừa nhận, đơn vị này đã chi hàng nghìn đô la Mỹ mỗi năm để mua dữ liệu thông tin ngành gạo do các đơn vị tư nhân thu thập, phân tích nhằm phục vụ việc điều hành, ra quyết định của doanh nghiệp.

Theo thừa nhận của vị này, việc tìm thấy thông tin liên quan đến ngành gạo kịp thời và chính xác từ các cơ quan quản lý nhà nước hiện chưa đáp ứng được nhu cầu. “Do đó, mình phải bỏ tiền ra mua để phục vụ điều hành của doanh nghiệp”, ông nói và cho rằng, nền tảng chuyển đổi số nếu cung cấp được nguồn dữ liệu tương tự, thì chắc chắn sẽ phát triển.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam và là Tổng giám đốc của Vina T&T Group đánh giá, nền tảng “mạng nhà nông” chỉ mới ở giai đoạn sơ khai. Bởi lẽ, sau khi ông tạo tài khoản và đăng thông tin tìm nguồn dừa phục vụ xuất khẩu, thì chưa có. “Nền tảng đặt ra rất nhiều tiện ích, nhưng để đi đến đích đó phải mất rất nhiều năm”, ông đánh giá.

Theo ông Tùng, bên cạnh nông dân/hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp tham gia, muốn chuyển đổi số thành công thì cần thu hút thêm sự tham gia của thương lái và các thành phần khác, bao gồm cả khu vực công ở các cấp. “Khi có đầy đủ các thành phần tham gia, cùng cung cấp thông tin đúng, kịp thời và cùng nhau làm thì mới có thể phát triển nó được”, ông cho biết.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, số hóa ngành nông nghiệp là điều được nhiều người mong chờ, trong đó, có Chánh Thu vì khi đó tính minh bạch ngành nông nghiệp sẽ được thể hiện rõ hơn. “Tôi mong rằng, thông qua nền tảng chuyển đổi số sẽ ít nhiều cung cấp được thông tin minh bạch và cũng là kênh để cơ quan nhà nước có thể kiểm soát về thông tin cũng như việc liên kết để chúng tôi có thể mạnh dạng đầu tư hơn”, bà cho biết.

Theo bà Vy, muốn vậy nền tảng chuyển đổi số không phải chỉ là phần mền từ nhà sáng lập, mà nó phải trở thành dữ liệu lớn (Big Data), có sự quản lý của Chính phủ và thông qua đây làm được nhiều câu chuyện hơn cho ngành nông nghiệp thời gian tới.

Bà Phạm Thị Phương Thúy, Phó trưởng phòng Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Trà Vinh) đặt vấn đề, đó là dữ liệu của nền tảng chuyển đổi số hiện có đáp ứng được nhu cầu người nông dân hay không, có chính xác hay không?. “Chúng tôi từng tiếp cận được nhiều nông dân và biết có những trường hợp họ học cách pha chế thuốc sử dụng cho cây trồng, nhưng kết quả cây bị thiệt hại do nhà cung cấp nền tảng đi theo định hướng bán sản phẩm, chứ không phải giúp nông dân tốt hơn”, bà dẫn chứng.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp thừa nhận, nền tảng dữ liệu, thông tin phục vụ cho việc chuyển đổi số hiện vẫn còn khá khiêm tốn.

Chính vì vậy, theo ông Toản, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia vào công cuộc chuyển đổi số mà cụ thể ở đây là “mạng nhà nông” nhằm: thứ nhất, có được dữ liệu thông tin đúng; thứ hai, cung cấp thông tin, dữ liệu chính thống vào nền tảng mạng nhà nông.

Điểm thứ ba, theo ông Toản, ngành nông nghiệp có gần 20.000 hợp tác xã nông nghiệp, gần 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp và hơn 7.500 cơ sở chế biến cũng là dữ liệu rất lớn. Thế nhưng, từ trước đến nay, bị lãng phí vì không có một “cái kho chung” để sử dụng.

Chính vì vậy, theo ông Toản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao nhiệm vụ cho đơn vị này triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp. “Từ đó, tất cả các đơn vị của bộ dùng một nền tảng chung để điều hành, phục vụ lãnh đạo chỉ đạo”, ông cho biết và nói rằng, đây là điều rất quan trọng vì thông tin “mất cân xứng” là điểm yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông, chính những thông tin “mất cân xứng” đã dẫn hàng loạt câu chuyện của ngành nông nghiệp phải đối mặt thời gian qua. “Chúng tôi nhận ra đấy là cái điểm yếu cố hữu, nếu không giải quyết bằng thông tin là không được”, ông nói.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-doi-so-nong-nghiep-cau-chuyen-nam-o-du-lieu/