Chuyển đổi số nông thôn mới: Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tiễn

Khoảng cách nhận thức, kỹ năng và hạ tầng số đang cản trở quá trình chuyển đổi số tại vùng nông thôn, dù nhu cầu và tiềm năng rất lớn.

Chuyển đổi số đang mở ra cơ hội lớn cho nông nghiệp và nông thôn mới Việt Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, theo ông Phạm Sỹ Lợi - CEO WinEcom, chuyên gia chuyển đổi số, thực tế triển khai tại cơ sở vẫn tồn tại nhiều khoảng cách về nhận thức, kỹ năng và hạ tầng, cần có giải pháp đồng bộ nếu muốn chuyển đổi số thực sự phát huy hiệu quả.

Khoảng cách về nhận thức và kỹ năng công nghệ giữa các địa phương

Là người từng trực tiếp tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số tại nhiều địa phương, ông đánh giá như thế nào về thực trạng hiện nay về mức độ nhận thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ, khả năng tiếp cận nền tảng số của đội ngũ cán bộ cơ sở và người dân ở vùng nông thôn?

Ông Phạm Sỹ Lợi: Vừa qua, tôi có tham gia đào tạo thực tế tại một số địa phương. Qua quan sát, tôi nhận thấy mức độ nhận thức về chuyển đổi số của người dân đang có chuyển biến tích cực, tuy nhiên sự chuyển biến này chưa đồng đều giữa các địa bàn. Nếu so sánh giữa khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh miền núi phía Bắc thì sự chênh lệch về năng lực tiếp cận và triển khai chuyển đổi số là rất rõ ràng. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân.

Ông Phạm Sỹ Lợi - CEO WinEcom. Ảnh: Quốc Chuyển

Ông Phạm Sỹ Lợi - CEO WinEcom. Ảnh: Quốc Chuyển

Đội ngũ cán bộ hỗ trợ chuyển đổi số tại cơ sở. Ở nhiều nơi, cán bộ chưa được đào tạo bài bản, thiếu kỹ năng chuyên môn, dẫn tới việc hỗ trợ người dân còn rất hạn chế hoặc thực hiện một cách hình thức.

Tiếp đến là yếu tố điều kiện kinh tế xã hội. Ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn vì người dân có điều kiện tiếp cận công nghệ sớm, nhưng ở khu vực vùng miền thì việc tiếp cận với công nghệ hiện đại vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Một điểm rất quan trọng là nhận thức sai lệch về chuyển đổi số. Hiện nay, nhiều người dân nghĩ rằng chỉ cần mua một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính là đã gọi là "chuyển đổi số". Trong khi, chuyển đổi số thực chất phải là một quá trình đồng bộ, bao gồm cả cơ sở hạ tầng như mạng Internet ổn định, sóng 4G, 5G và kỹ năng sử dụng công nghệ.

Trong quá trình khảo sát, tôi nhận thấy kỹ năng công nghệ thông tin của người dân còn rất hạn chế. Ví dụ, sử dụng smartphone chỉ dừng ở việc nghe - gọi, hoặc giải trí. Việc tận dụng điện thoại để bán hàng online, livestream, quay video giới thiệu sản phẩm gần như rất ít người thực hiện.

Tôi có một kỷ niệm vừa vui vừa buồn trong đợt đào tạo gần đây. Khi hướng dẫn người dân cách quay video để bán hàng qua mạng, nhiều bác rất hào hứng. Một bác lớn tuổi bảo: “Thầy ơi, bác làm bài tập rồi, nhờ con bác quay video giúp, thầy xem và chỉnh sửa cho bác nhé”. Nhưng khi kiểm tra lại thì tôi phát hiện ra là bác ấy dùng điện thoại “cục gạch”, không quay được video.

Đó là những câu chuyện thật, tình huống dở khóc dở cười, nhưng cũng cho thấy khoảng cách rất lớn giữa kỳ vọng và thực tiễn triển khai chuyển đổi số ở nông thôn hiện nay.

Cuối cùng thì rõ ràng là dù có cố gắng, nhưng người dân vẫn không thể quay video hay thực hiện chuyển đổi số đúng nghĩa được, đơn giản vì họ không làm chủ được công nghệ.

Tôi thấy điều này rất thật. Nhiều người dân rất mong muốn được tiếp cận chuyển đổi số, rất muốn làm nhưng rào cản về công nghệ, thiết bị và kỹ năng vẫn còn rất lớn. Ví dụ như máy tính hiện nay đã phổ biến hơn trong nhiều gia đình, nhưng phần lớn là mua cho con cái học tập, còn những người trung niên, khoảng 40 tuổi trở lên thì sử dụng máy tính thành thạo vẫn là điều rất khó.

Chuyển đổi số muốn hiệu quả thì phải gắn liền với công nghệ. Muốn bán hàng trên các nền tảng như TikTok, Facebook, Shopee, thì người bán phải biết dùng điện thoại thông minh, biết thao tác trên máy tính, biết quay video, biên tập nội dung… Thế nhưng kỹ năng công nghệ số ở người dân vùng nông thôn hiện vẫn đang thiếu hụt rất nhiều, dẫn đến việc ứng dụng công nghệ còn manh mún, không đồng bộ.

Tiếp cận nền tảng số cũng là một rào cản lớn. Như tôi đã đề cập, các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có tốc độ tiếp cận nhanh, nhưng ở các vùng khó khăn thì chỉ riêng việc kéo đường truyền Internet về thôn, bản đã là một thách thức. Trong khi đó, chính các địa phương khó khăn mới là nơi tập trung nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản, tiềm năng du lịch nông thôn cần được quảng bá.

Hiện nay, cũng có nhiều bạn trẻ đã bắt đầu đăng tải sản phẩm nông nghiệp lên mạng, làm du lịch cộng đồng, quảng bá vùng cao Tây Bắc… Tuy nhiên, số lượng còn rất ít, còn mang tính tự phát và chưa tạo thành phong trào chuyển đổi số sâu rộng.

Đây là những rào cản thực tế về kỹ năng, hạ tầng và nhận thức, cần được nhìn nhận thẳng thắn và có giải pháp căn cơ nếu muốn chuyển đổi số thực sự phát huy hiệu quả toàn diện trong xây dựng nông thôn mới.

Nguồn kinh phí hạn chế, khó thu hút doanh nghiệp về địa phương

Nhiều ý kiến cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nguồn kinh phí. Ông chia sẻ gì về vấn đề này?

Ông Phạm Sỹ Lợi: Ở đây, vốn không chỉ đơn thuần là vốn đầu tư ban đầu như một chiếc điện thoại, một cái laptop hay một cái máy tính. Vốn cho chuyển đổi số phải là một sự đầu tư đồng bộ từ hạ tầng, thiết bị thông minh đến các phần mềm quản lý, và quan trọng nữa là cả khâu đào tạo.

Nhiều người vẫn chưa thực sự thấy được lợi ích rõ ràng từ chuyển đổi số. Ảnh minh họa

Nhiều người vẫn chưa thực sự thấy được lợi ích rõ ràng từ chuyển đổi số. Ảnh minh họa

Ví dụ như việc tổ chức một chương trình đào tạo cho các hộ kinh doanh trên địa bàn là rất tốn kém. Khi mời bà con đến học, mời các chuyên gia về giảng dạy, chi phí đã khá cao. Nhưng không dừng lại ở đó, sau đào tạo, người học vẫn cần được hỗ trợ thêm. Bản thân tôi từng tham gia rất nhiều lớp đào tạo, và thực tế cho thấy: Sau khi học xong, bà con vẫn có nhiều câu hỏi vì trong quá trình làm thật, họ vướng mắc rất nhiều. Việc đào tạo chỉ là bước đầu. Muốn triển khai được, cần có đội ngũ chuyên gia thường xuyên về địa phương để tiếp tục hướng dẫn. Điều này đòi hỏi một nguồn kinh phí không hề nhỏ.

Không thể kỳ vọng việc đào tạo chỉ do một người đảm nhiệm mà phải có cả đội ngũ hỗ trợ đi cùng để quá trình này được thực hiện một cách bài bản, chuyên nghiệp. Đây là một phần quan trọng trong khoản đầu tư ban đầu.

Thêm nữa, tại các địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn, các doanh nghiệp công nghệ thường không mấy mặn mà đầu tư. Họ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, nơi có khả năng thu hồi vốn tốt hơn. Đầu tư vào khu vực nhỏ lẻ, manh mún khiến họ lo ngại về hiệu quả kinh doanh. Ai làm kinh tế cũng phải nghĩ đến lợi nhuận, và nếu đầu tư mà không thành công thì sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Về phía người dân, nhiều người vẫn chưa thực sự thấy được lợi ích rõ ràng từ chuyển đổi số. Đơn cử như một chiếc điện thoại giá 2 triệu đồng đã là một khoản tiền lớn. Nhưng để sử dụng được vào chuyển đổi số thì thiết bị đó cần đủ mạnh, ít nhất cũng phải tầm 6-7 triệu đồng. Một chiếc laptop thì có khi cần đến 6-10 triệu. Đây là những khoản đầu tư không nhỏ với bà con. Mà khi bỏ tiền mua thiết bị công nghệ, họ lại băn khoăn không biết liệu có thu hồi được vốn hay không. Tâm lý đó là rào cản lớn khiến nhiều người chưa mạnh dạn tham gia.

Trong khi đó, nguồn hỗ trợ từ Nhà nước cũng còn hạn chế, chưa thể bao phủ hết tất cả các địa phương. Kinh phí về tới cơ sở thường thấp, không đủ để triển khai đồng bộ. Vì vậy, rất mong các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương có thể tính toán, phân bổ ngân sách hợp lý hơn để bà con được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng kỳ vọng các doanh nghiệp lớn có thể chung tay, hỗ trợ thêm cho người dân có được nền tảng công nghệ tốt, được đào tạo bài bản để có thể tiếp cận chuyển đổi số, từ đó bán hàng, tạo ra doanh thu và lợi nhuận bền vững.

Chuyển đổi số để giúp ngành nông nghiệp hướng tới phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng sản phẩm, đối tượng hưởng lợi đầu tiên là người nông dân, giúp người dân mở ra hướng phát triển mới trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đó là tiếp cận công nghệ, để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, nhất là các sản phẩm OCOP. Vậy theo ông, các địa phương và chính người dân nên khai thác tối đa tiềm năng này bằng cách nào?

Ông Phạm Sỹ Lợi: Đầu tiên, cần đẩy mạnh tuyên truyền và đào tạo để người dân nắm rõ được công nghệ. Khi đã hiểu công nghệ thì họ mới biết cách đưa sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP, lên các sàn thương mại điện tử.

Hiện nay, có rất nhiều phiên livestream được tổ chức tại địa phương với sự tham gia của các nghệ sĩ, người mẫu, người nổi tiếng, KOLs trên TikTok... Tuy nhiên, sau khi kết thúc, bà con gần như không duy trì được hoạt động vì chỉ là “xem người khác làm”. Khi người nổi tiếng rời đi, bà con lại không biết tự làm thế nào. Điều này cho thấy chuyển đổi số không thể chỉ làm theo phong trào mà cần có chính sách đào tạo bài bản và chuyên nghiệp.

Ngay cả những kỹ năng đơn giản như làm video, livestream... cũng cần thời gian để học. Việc đưa một sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cũng không hề dễ.

Tại Thanh Hóa, có những người livestream bán nem chua rất thành công, có ngày chốt tới 2.000 đơn trên TikTok, nhưng số người làm được như vậy còn rất ít.

Chúng tôi đã có những khóa đào tạo bước đầu, nhưng để đào tạo ra một người bán hàng thành thạo trên nền tảng số, cần ít nhất 3 ngày học liên tục theo hình thức 1:1, sau đó phải có người hỗ trợ trong vòng 6 tháng đến 1 năm thì mới giúp họ duy trì ổn định và làm được lâu dài.

Ngoài ra, cần sự kết hợp giữa chính quyền địa phương, các sàn thương mại điện tử, ngân hàng, công ty công nghệ... để hỗ trợ bà con. Nếu để bà con tự mày mò thì rất mất thời gian và dễ nản chí.

Một vấn đề quan trọng khác là chính sách thuế. Hiện nay, rất nhiều người dân bán hàng trên sàn điện tử không nắm rõ các quy định về thuế, dẫn đến vi phạm. Nhà nước đang siết quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm về nghĩa vụ thuế. Nhưng tại địa phương, rất nhiều hộ còn mơ hồ. Họ đưa sản phẩm lên sàn và bán vô tư mà không biết phải kê khai thuế, đăng ký mã số thuế, hay tính toán thu chi hợp lý.

Ví dụ, TikTok hiện thu phí nền tảng là 16,5%, cộng với thuế 5,5%, chưa kể các chi phí đóng gói, vận chuyển, nhập hàng. Nếu bán một sản phẩm 100.000 đồng, bà con đã mất gần 22.000 đồng tiền chi phí nền tảng. Nhưng nhiều người vẫn tính lời trên giấy tờ, không tính các khoản khấu hao thực tế, nên hiểu nhầm rằng mình lãi cao, trong khi thực tế là đang bị lỗ hoặc hòa vốn.

Vì vậy, đào tạo kỹ năng tính toán chi phí, hiểu biết pháp lý, thuế khóa là điều rất cần thiết, không chỉ dạy công nghệ mà phải dạy kiến thức kinh doanh thực tế.

Việc đưa sản phẩm địa phương gắn liền với thương hiệu cá nhân cũng là một hướng đi hiệu quả. Một số bạn trẻ đã xây dựng thương hiệu cá nhân rất tốt trên TikTok và bán hàng rất hiệu quả.

Rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học muốn về quê khởi nghiệp, làm nội dung số gắn với sản phẩm nông nghiệp địa phương. Họ livestream, làm video, chạy quảng cáo... và tiếp cận được khách hàng cả trong nước lẫn quốc tế. Ví dụ, trước đây bán hàng chỉ loanh quanh ở chợ xã, nhà xe ven đường, nhưng nay có thể bán đi toàn quốc, thậm chí quốc tế. Việc vận chuyển cũng rất nhanh chóng.

Chuyển đổi số nông thôn mới không thể chỉ là phong trào mà phải trở thành giải pháp dài hạn, có hệ sinh thái kết nối từ chính quyền, doanh nghiệp công nghệ đến người dân. Chỉ khi người dân nắm được công nghệ, làm chủ nền tảng số và hiểu rõ cách kinh doanh trên môi trường trực tuyến, quá trình chuyển đổi số mới thực sự phát huy hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới bền vững.

Nguyễn Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-so-nong-thon-moi-khoang-cach-giua-ky-vong-va-thuc-tien-410601.html