Trung tâm tài chính TP.HCM đặt tại phường Sài Gòn, Bến Thành và khu Thủ Thiêm

Tổng diện tích của trung tâm là 793 ha, nằm trong khu vực phường Bến Thành, Sài Gòn, khu Thủ Thiêm và sông Sài Gòn, trong đó khu lõi đặt tại Thủ Thiêm.

Chiều 15/7, Sở Tài chính TP.HCM chính thức công bố không gian Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM. Theo ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Tài chính, Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM có tổng diện tích 793 ha, trong đó phường Bến Thành 20ha, phường Sài Gòn 146ha, khu vực Thủ Thiêm 563 ha và 64 ha sông Sài Gòn.

Khu lõi của trung tâm tài chính có diện tích 9,2 ha đặt tại Thủ Thiêm, bao gồm xây dựng trụ sở cơ quan quản lý, giám sát, tài phán.

Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM trải rộng tại phường trung tâm và sông Sài Gòn với diện tích 793 ha. (Nguồn: Sở Tài chính TP.HCM)

Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM trải rộng tại phường trung tâm và sông Sài Gòn với diện tích 793 ha. (Nguồn: Sở Tài chính TP.HCM)

Sở dĩ Trung tâm tài chính TP.HCM trải rộng tại nhiều khu vực trung tâm TP.HCM, theo ông Đinh Khắc Huy, phường Sài Gòn và phường Bến Thành đang là khu vực trung tâm tài chính hiện hữu, các hoạt động ngoại hối, fintech, giao dịch số, tài chính, logistics đang diễn ra sôi nổi.

Phần diện tích mở rộng thêm tại khu vực này gồm các tòa nhà đang có trụ sở các công ty bảo hiểm, tài chính và ngân hàng như Tòa nhà Saigon Trade Center, Prudentail Headquarter, tòa nhà Mplaza, Tòa nhà Techcombank, Saigon Tower.

Không gian Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM được công bố cũng tính đến các phương án kết nối với các vùng kinh tế trong khu vực. Trong đó, Thủ Thiêm là trung tâm kinh tế mới của TP.HCM, được phê duyệt Khu tài chính quốc tế. Hướng tuyến hàng không (TP.HCM, Thái Lan, Nhật Bản) có kết nối thuận lợi, giảm thời gian giao dịch quốc tế.

Đường bộ kết nối gồm 4 cầu lớn nối trực tiếp khu vực trung tâm; đường cao tốc Long Thành-Dầu Giây (Quốc lộ 51 mới). Riêng đường thủy rất lợi thế về ngay trên sông Sài Gòn, gần cảng Cát Lái.

Kết nối Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM với các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực rất thuận lợi. (Nguồn: Sở Tài chính TP.HCM)

Kết nối Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM với các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực rất thuận lợi. (Nguồn: Sở Tài chính TP.HCM)

Từ Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM đến các khu công nghiệp, cụm cảng, sân bay lân cận cũng hết sức thuận lợi khi cách khu công nghiệp Hiệp Phước, VSIP chỉ 20 cây số; cách cụm công nghiệp lớn (Long Hậu, Tân Đô - Tây Ninh (Long An cũ) chỉ khoảng 30 cây số và cách cảng Cần Giờ, các khu công nghiệp Trảng Bàng, Phước Đông (Tây Ninh), cụm công nghiệp Đồng Nai, khu thương mại tự do Cái Mép cũng chỉ 55-65 cây số.

Hạ tầng số cũng thuận lợi nhất vì đây là khu vực kết nối cáp quang tốc độ cao tại TP.HCM.

Định hướng phát triển trọng tâm của Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM là tài chính kỹ thuật số (Digital Finance), bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng số tiên tiến, thúc đẩy ứng dụng fintech.

Phát triển dịch vụ tài chính quốc tế với thị trường giao dịch chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối quốc tế; dịch vụ tư vấn, kiểm toán, quản lý tài sản, pháp lý quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn tài chính quốc tế đặt trụ sở hoạt động lâu dài.

Mục tiêu cụ thể là thu hút vốn đầu tư quốc tế, đặc biệt là dòng vốn tài chính dài hạn, các tập đoàn tài chính đa quốc gia. Đồng thời xây dựng hệ sinh thái tài chính toàn diện: ngân hàng quốc tế, thị trường chứng khoán, fintech, quản lý tài sản quốc tế.

Khu lõi Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM đặt tại Thủ Thiêm đối diện phường Bến Thành qua sông Sài Gòn. (Ảnh: Lương Ý)

Khu lõi Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM đặt tại Thủ Thiêm đối diện phường Bến Thành qua sông Sài Gòn. (Ảnh: Lương Ý)

Phát triển nguồn nhân lực tài chính chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế thông qua liên kết đào tạo với các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới.

Ông Huy cho biết, TP.HCM sẽ quy hoạch quỹ đất ưu tiên cho Trung tâm tài chính, trong đó rà soát và tái cấu trúc công năng sử dụng đất trung tâm hiện hữu, để ưu tiên cao ốc văn phòng hạng A, trụ sở ngân hàng, công ty chứng khoán, fintech.

Tăng tầng cao cho các dự án có chức năng tài chính, hạn chế chức năng khác (căn hộ, lưu trú du lịch).

Dự kiến sơ bộ đầu tư cho Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM khoảng 172.000 tỷ đồng (tương đương 7 tỷ USD). Trước mắt cần chuẩn bị khoảng 16.000 tỷ đồng (tương đương 658 triệu USD) để hoàn thiện hạ tầng khu lõi, bao gồm 11 lô tại Thủ Thiêm trong giai đoạn đầu (khoảng 2-3 năm), trong đó chi phí đầu tư xây dựng tòa nhà trụ sở các cơ quan Trung tâm hành chính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Hà Linh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/trung-tam-tai-chinh-tp-hcm-dat-tai-phuong-sai-gon-ben-thanh-va-khu-thu-thiem-ar954519.html