Chuyển đổi số tạo sức bật cho phát triển

Triển vọng kinh tế số của Việt Nam đã được gieo mầm trên mảnh đất màu mỡ và tiềm năng với tỷ lệ sử dụng Internet cao và hạ tầng công nghệ ngày càng phát triển.

Theo Trung tâm Internet Việt Nam, năm 2019, số lượng tên miền đạt mốc 500,000 tên miền, trong đó ".vn" là tên miền quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, top 10 châu Á - Thái Bình Dương.

Tổ chức quản lý địa chỉ IP khu vực châu Á - Thái Bình Dương, APNIC cho hay, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 40%, đứng thứ 2 ASEAN, thứ 8 toàn cầu với hơn 21 triệu người sử dụng Internet.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh thứ hai ở Đông Nam Á (38% năm 2019, chỉ xếp sau Indonesia), giá trị giao dịch thương mại điện tử tăng trung bình 81%/năm trong giai đoạn 2015-2019, theo Google, Temasek and Bain&Company.

Đổi mới tư duy và tâm thế để bước vào kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo. Ảnh: Phạm Hải

Đổi mới tư duy và tâm thế để bước vào kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo. Ảnh: Phạm Hải

Chúng ta cũng tích cực tiếp cận cơ hội từ kinh tế số, xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, triển khai thành công nhiều ứng dụng công nghệ như các sàn thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, xe công nghệ hay ví điện tử liên kết với các ngân hàng trong nước v.v...

Đại dịch Covid-19 gây nên đứt gãy của không ít hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng truyền thống, buộc các cơ quan, doanh nghiệp phải mạnh dạn hơn trong nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số hóa vào hoạt động quản lý, sản xuất - kinh doanh, ứng dụng mạnh mẽ các hình thức như giao hàng trực tuyến, thanh toán điện tử, dạy học online…

Chính phủ và doanh nghiệp nhìn chung thích ứng khá tốt với các mô hình, hoạt động kinh tế mới, việc tiếp cận và ứng dụng kinh tế số, xây dựng chính phủ điện tử phát triển với tốc độ và quy mô nhanh hơn rất nhiều so với vài năm trước đây.

Nguồn thông tin chính thống cho biết, trước đại dịch Covid-19, có khoảng 40 bộ, tỉnh kết nối vào nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Con số này hiện đã là khoảng 70 bộ, tỉnh. Khoảng 50% các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh, cao hơn tỷ lệ 27% năm 2019.

Thách thức cho quá trình chuyển đổi số

Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu, kỹ năng mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,79/10 điểm, xếp thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại châu Á. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ 5,76 điểm; Malaysia 5,59 điểm.

Theo báo cáo về “vốn con người” của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2017, thứ hạng của Việt Nam về lao động có kỹ năng chỉ nằm trong nhóm trung bình thấp, trong đó lao động kỹ năng nghề bậc trung đứng gần cuối bảng xếp hạng (vị trí 128/130), lao động kỹ năng nghề bậc cao đứng vị trí 99/130 quốc gia.

Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 cũng cho thấy những hạn chế của doanh nghiệp xét theo các chỉ tiêu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ví dụ, hợp tác và phát triển công nghệ giữa doanh nghiệp và trường đại học xếp hạng 67/141; số lượng đơn cấp bằng sáng chế xếp hạng 91/141.

Theo Tổng cục Thống kê năm 2018, có tới 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang.

Tỷ lệ máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu; tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới chỉ có 20% trong khi tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trên 60% công nghệ mới (ở Thái Lan tỷ lệ đó là 31%, Malaysia 51% và Singapore 73%).

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, đầu tư vào nghiên cứu (R&D) của doanh nghiệp vẫn còn thấp, chỉ khoảng 0,4% GDP so với 2,2% ở Úc và Singapore, 2,1% ở Trung Quốc và 1,3% ở Malaysia.

Số lượng bằng sáng chế được cấp ở Việt Nam ở mức thấp nhất so với số đơn xin cấp bằng. Những sáng kiến đổi mới tự báo cáo dường như cũng thấp hơn mức thường thấy ở cấp độ phát triển của Việt Nam, đặc biệt là về đổi mới sản phẩm.

Rõ ràng, những bất cập này đang trì néo phát triển kinh tế số, dù không gian, cơ hội là rất mênh mông. Muốn bứt phá, chúng ta không còn con đường nào khác ngoài đẩy nhanh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Cả Nhà nước và doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế số, xã hội số vì đây là nhân tố mang tính quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của đất nước. Phải đổi mới tư duy và tâm thế để bước vào kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo.

Lan Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/viet-nam-hung-cuong/chuyen-doi-so-tao-suc-bat-cho-phat-trien-709281.html