Chuyển đổi số trở thành yêu cầu tất yếu để phát triển
Theo ông Đỗ Đức Duy- Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trước những thách thức như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và áp lực tăng trưởng xanh, các mô hình sản xuất truyền thống không còn phù hợp. Vì vậy, chuyển đổi số không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu, đòi hỏi ngành nông nghiệp và môi trường phải đổi mới tư duy, lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Trước yêu cầu cấp thiết của thời đại số và bối cảnh phát triển bền vững, Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa diễn ra tại Bắc Ninh đã đặt trọng tâm vào vai trò của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp và môi trường. Những chia sẻ, đề xuất tại hội nghị không chỉ phản ánh quyết tâm chính trị mạnh mẽ, mà còn mở ra hướng đi cụ thể, đồng bộ – nơi tư duy lãnh đạo, hành động quyết liệt và trọng dụng nhân tài trở thành điều kiện tiên quyết cho mọi đột phá.

"Người tài" chính là nhân tố quyết định thành công của chuyển đổi số.
Khoa học công nghệ và chuyển đổi số – nền tảng phát triển quốc gia
Phát biểu tại hội nghị, TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, khẳng định rằng Nghị quyết 57-NQ/TW thể hiện tầm nhìn đột phá của Đảng, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực then chốt để phát triển đất nước. Theo ông, không một quốc gia nào có thể có vị thế bền vững nếu không sở hữu nền khoa học công nghệ hiện đại.
Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên top 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Dù tỷ trọng đóng góp vào GDP giảm, nông nghiệp vẫn là trụ đỡ an sinh xã hội và bảo đảm an ninh lương thực. Trong lĩnh vực môi trường, chính sách không đánh đổi tăng trưởng lấy môi trường đã trở thành kim chỉ nam, với định hướng chuyển sang kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên, tất cả đều cần đến vai trò của công nghệ và số hóa.

TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam hiện có hơn 3,7 triệu hội viên, trong đó hơn 2,2 triệu là trí thức, đã và đang tham gia vào nhiều chương trình nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp, môi trường và các lĩnh vực then chốt khác. TS. Dũng đề xuất các bộ, ngành cần tăng cường đặt hàng nghiên cứu từ thực tiễn, đồng thời nâng cao công tác truyền thông khoa học và tôn vinh trí thức để tạo động lực phát triển trong kỷ nguyên mới.
"Người tài" là nhân tố chính của chuyển đổi số
Tại hội nghị, ông Đỗ Đức Duy- Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định rằng chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc để ngành nông nghiệp và môi trường phát triển bền vững. Với những thách thức từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và áp lực tăng trưởng xanh, các mô hình truyền thống không còn phù hợp. Bộ đã ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể tại Quyết định số 503/QĐ-BNNMT, xác định bảy nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh vai trò của thể chế, nhân lực và hạ tầng số.
ThS. Lê Phú Hà- Cục trưởng, Cục Chuyển đổi số cho biết, chuyển đổi số bắt đầu từ việc thay đổi tư duy quản lý. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xây dựng nền tảng pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật và hệ thống dữ liệu tích hợp từ trung ương đến địa phương. Hơn 347 thủ tục hành chính cấp trung ương và hàng trăm thủ tục ở cấp tỉnh, huyện, xã đã được cung cấp trực tuyến, giúp tăng minh bạch và hiệu quả phục vụ.

Ông Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu.
Hạ tầng số cũng đang được đầu tư mạnh mẽ, với các trung tâm dữ liệu hiện đại, hệ thống văn bản điện tử hợp nhất toàn ngành đã đi vào vận hành từ tháng 3/2025. Bộ cũng đẩy mạnh xây dựng kho dữ liệu lớn, phát triển trí tuệ nhân tạo và các công nghệ chiến lược như IoT, phục vụ cho nông nghiệp thông minh, giám sát môi trường và ra quyết định quản lý.
TS. Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, khẳng định con người, đặc biệt là "người tài" chính là nhân tố quyết định thành công của chuyển đổi số. Ông nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo cấp cao trong việc trực tiếp tham gia, sử dụng công nghệ và chịu trách nhiệm với tiến trình chuyển đổi. Các chương trình đào tạo số hóa, phổ cập kiến thức công nghệ cũng đang được triển khai sâu rộng trên toàn quốc.
Các mục tiêu mang tính “cách mạng” cũng đã được xác lập: đến năm 2030, Việt Nam lọt Top 50 về chính phủ số, đứng đầu ASEAN về nghiên cứu AI, có ít nhất 5 doanh nghiệp công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế. Tầm nhìn đến 2045, kinh tế số chiếm 50% GDP và Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Tuy con đường phía trước còn nhiều thách thức, nhưng như lời TS. Tiến: “Nếu không dám đặt ra các mục tiêu lớn và hành động quyết liệt, sẽ không bao giờ có đột phá thực sự.” Chuyển đổi số vì vậy không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà là cuộc cách mạng về tư duy, thể chế và con người, nơi nhân tài được xem là trung tâm của mọi chiến lược phát triển.