Thương mại Mỹ-Trung Quốc: Mắt xích quan trọng của kinh tế thế giới

Các chuyên gia tư vấn hàng hải cho biết những công ty vận chuyển container lớn đã tạm dừng ít nhất 6 tuyến đường theo lịch trình hàng tuần giữa Trung Quốc và Mỹ, vì mức thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới này đang tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại.

Container hàng hóa tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Container hàng hóa tại cảng Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Tàu hàng trên những tuyến đường trên có tổng công suất vận chuyển 25.682 container loại 40 feet chứa đầy đồ chơi, giày tennis, phụ tùng ô tô và những nguyên liệu đầu vào mà các nhà sản xuất Mỹ sử dụng để sản xuất hàng hóa mỗi tuần. Con số này tương đương với hơn 1,3 triệu container 40 ft mỗi năm. Việc cắt giảm dịch vụ, cùng với việc hủy bỏ các chuyến đi riêng lẻ, diễn ra trong bối cảnh các nhà khai thác tàu container khổng lồ đang nỗ lực giảm thiểu hậu quả từ các chính sách thương mại mới của chính quyền Tổng thống Trump.

Theo Giám đốc điều hành (CEO) của công ty cung cấp dữ liệu hàng hải Đan Mạch eeSea, ông Simon Sundboell, đây không phải là dấu hiệu báo trước, mà là bằng chứng cho thấy hoạt động kinh tế đang suy giảm. Ông cho rằng những tuyến đường bị đình chỉ bao gồm các dịch vụ theo lịch trình hàng tuần do MSC, Zim và Ocean Alliance khai thác, trong đó có Cosco, Evergreen, CMA-CGM và Orient Overseas Container Line (OOCL). Theo ông, bốn đợt cắt giảm dịch vụ ảnh hưởng đến các cảng Bờ Tây nước Mỹ, một đợt ảnh hưởng đến Bờ Đông và một đợt ảnh hưởng đến Bờ Vịnh.

Doanh nghiệp tư vấn Drewry công bố số liệu thống kê cho hay, việc hủy chuyến đã làm giảm 20% công suất trên các tuyến từ châu Á đến Bờ Tây Bắc Mỹ vào tháng 4 và 12% tính đến thời điểm hiện tại trong tháng 5. Theo Drewry, việc cắt giảm này ảnh hưởng nặng nề hơn một chút đến Bờ Đông Bắc Mỹ, giảm 22% vào tháng Tư và 18% tính đến thời điểm hiện tại của tháng 5.

Còn hãng khai thác tàu container lớn nhất thế giới là MSC đã hủy 30% các chuyến đi xuyên Thái Bình Dương theo lịch trình vào tháng 4/2025, mức cao nhất trong số những hãng vận tải container trên toàn cầu.

Liên minh Premier Alliance, gồm các công ty vận tải biển Ocean Network Express (ONE), Hyundai Merchant Marine (HMM) và Yang Ming Marine Transportation, dẫn đầu trong tháng 5 với tỷ lệ vận chuyển tàu trống là 20%.

Liên minh Gemini của các công ty kinh doanh tàu container Maersk và Hapag-Lloyd vẫn chưa ngừng dịch vụ dù cả hai đối tác này đều chứng kiến mức sụt giảm đáng kể lượng đặt chỗ trên tuyến giữa Trung Quốc và Mỹ vào tháng 4 do thuế quan, nên đã đổi một số tàu sang loại nhỏ hơn.

Ông John McCown, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược hàng hải, cho rằng, tác động đầy đủ từ mức thuế quan của Tổng thống Trump có thể sẽ kéo dài cho đến tháng 7/2025, khi tổng khối lượng nhập khẩu container của Mỹ có thể giảm 25% trở lên so với năm trước.

Trước đó, vào tháng 4/2025, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm sụt giảm tới 80% kim ngạch thương mại giữa hai siêu cường kinh tế này.

Theo Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala, căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đặt ra nguy cơ đáng kể về sự sụt giảm mạnh trong thương mại song phương. Dự báo sơ bộ của WTO cho thấy, thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế này có thể giảm tới 80%. Bà Okonjo-Iweala cũng cảnh báo, cuộc chiến thương mại này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến triển vọng kinh tế toàn cầu.

Còn Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan cảnh báo nghiêm trọng về tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với môi trường đầu tư quốc tế. Theo bà Grynspan, tình trạng áp thuế trả đũa giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến hoạt động đầu tư toàn cầu rơi vào tình trạng tê liệt. Bà cho rằng thời kỳ bất ổn kéo dài, với những thay đổi liên tục, đang gây tổn hại nghiêm trọng do các nhà đầu tư không thể đưa ra quyết định trong môi trường thiếu ổn định.

Theo UNCTAD, bất ổn trong thương mại và đầu tư đang trở thành rào cản nghiêm trọng đối với tăng trưởng và lập kế hoạch của các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách. Đặc biệt, các quốc gia dễ bị tổn thương đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chỉ 10 trong gần 200 đối tác thương mại của Mỹ chiếm gần 90% thâm hụt thương mại của nước này. Tuy nhiên, các quốc gia kém phát triển nhất và những quốc đảo nhỏ đang phát triển, chỉ chịu trách nhiệm cho 1,6% và 0,4% thâm hụt tương ứng, đang bị ảnh hưởng. Theo UNCTAD, những nước này không giúp cân bằng thâm hụt thương mại cũng như không tạo ra doanh thu đáng kể.

Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế thu nhập thấp hiện đang phải đối mặt với những thách thức lớn từ các điều kiện bên ngoài ngày càng tồi tệ, mức nợ không bền vững và tăng trưởng trong nước chậm lại. Do đó, đã đến lúc đối thoại, không phải leo thang căng thẳng.

Mặc dù nhu cầu cải cách thương mại là rõ ràng song UNCTAD nhấn mạnh rằng giải pháp phải thông qua đối thoại và đàm phán. Mất cân bằng thương mại, lợi ích tập trung và các quy tắc lỗi thời phải được giải quyết. Bà Grynspan cho rằng đây là thời điểm hợp tác, không phải leo thang. Các quy tắc thương mại toàn cầu phải phát triển để phản ánh những thách thức hiện nay, nhưng chúng phải được xây dựng với khả năng dự đoán và phát triển làm cốt lõi, bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Khánh Ly/TTXVN (Theo Reuters, AFP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thuong-mai-mytrung-quoc-mat-xich-quan-trong-cua-kinh-te-the-gioi-20250510222343255.htm