Chuyển đổi số trong lễ hội truyền thống
Những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực văn hóa, du lịch, đặc biệt là khâu tổ chức và quản lý các lễ hội truyền thống. Việc chuyển đổi số trong lễ hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận và nâng tầm trải nghiệm của du khách.

Du khách quét QRcode tìm hiểu về Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn).
Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên ở thị trấn Nưa (Triệu Sơn) là một trong số lễ hội xuân có thời gian kéo dài trong năm (từ mùng 1 đến 20 tháng Giêng hàng năm). Theo thống kê của UBND thị trấn Nưa, Lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 đón khoảng trên 15 nghìn lượt khách đến dâng hương, trẩy hội. Đáng chú ý, những đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ số được du khách đánh giá cao, thuận tiện cho quá trình tham quan trong suốt mùa lễ hội. Tại đây được bố trí các điểm quét mã QR và biển hướng dẫn tải app MobiFone Smart Travel. Thông qua ứng dụng này, du khách có thể khám phá toàn cảnh Di tích lịch sử văn hóa đền Nưa - Am Tiên bằng công nghệ ảnh 360 độ, tìm kiếm địa điểm dịch vụ, đặt tour. Điều thú vị là, người xem có thể tương tác trên app một cách sống động như chọn vị trí tham quan, xoay hướng, nghe thuyết minh tự động... Đây cũng là cách để du lịch và di sản đồng hành, cùng nhau phát triển trong tình hình mới. Cùng với đó, hệ thống loa truyền thanh được phát tự động giới thiệu về điểm đến, tuyên truyền về nội quy, quy định di tích để du khách nắm bắt. Đối với các quầy hàng kinh doanh dịch vụ bên ngoài di tích, chính quyền địa phương đã tuyên truyền áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Chủ tịch UBND thị trấn Nưa Hoàng Văn Chung chia sẻ: “Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội đầu xuân, có những ngày di tích đón tới vài nghìn lượt khách. Do vậy, việc số hóa điểm đến giúp ban tổ chức lễ hội nâng cao chất lượng đón tiếp, phục vụ du khách, đồng thời giúp người dân thuận tiện khi tham gia lễ hội, tìm hiểu thông tin về điểm đến. Đặc biệt, Đề án “Đổi mới nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh - địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu giai đoạn 2024-2030”, được UBND tỉnh phê duyệt ngày 31/12/2024 là cơ sở để tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lễ hội nói riêng, công tác quản lý và phát huy giá trị di tích nói chung trong thời gian tới”.

Sân khấu thực cảnh kết hợp công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại tại Lễ hội Lam Kinh năm 2023 mang đến những trải nghiệm mới trong lễ hội truyền thống.
Cùng với các lễ hội đầu xuân, năm 2023 lần đầu tiên chương trình nghệ thuật tại Lễ hội Lam Kinh với chủ đề “Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ” được tổ chức với hình thức sân khấu thực cảnh. Qua đó đã mang đến cho Nhân dân, du khách những trải nghiệm mới, đầy hấp dẫn trong một lễ hội truyền thống. Chương trình nghệ thuật đã tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng và những công lao to lớn của người anh hùng áo vải Lê Lợi cùng các tướng sĩ, Nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược. Đồng thời, thể hiện sự phong phú, đa sắc màu trong kho tàng di sản văn hóa xứ Thanh. Với việc bố trí sân khấu thực cảnh, kết hợp giữa cảnh dựng hiện trường và công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, đã mang đến cho người xem những trải nghiệm lễ hội ấn tượng. Đây được xem là cách tiếp cận và biểu đạt mới cho một lễ hội truyền thống trong nhịp sống đương đại.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lê Xuân Thảo cho biết: “Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh tại Lễ hội Lam Kinh năm 2023 đã để lại những ấn tượng sâu sắc, bởi sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại. Sân khấu thực cảnh với bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ, âm thanh và hiệu ứng trình chiếu đã tái hiện sống động những trang sử hào hùng của nhà Hậu Lê. Không chỉ đơn thuần là chương trình nghệ thuật trong phần hội, sân khấu thực cảnh giữa không gian linh thiêng của di tích đã tạo ra những trải nghiệm chân thực, giúp khán giả cảm nhận được tinh thần và khí phách của cha ông trong cuộc chiến chống giặc Minh. Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động lễ hội còn là cầu nối để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử và trân trọng giá trị truyền thống của dân tộc”.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh hiện có khoảng gần 300 lễ hội truyền thống. Là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, chuyển đổi số đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới trong việc tối ưu hóa khâu tổ chức, đồng thời tăng cường trải nghiệm cho du khách khi đến xứ Thanh. Theo các chuyên gia du lịch, chuyển đổi số trong hoạt động lễ hội nếu được nghiên cứu áp dụng một cách phù hợp không chỉ làm mới phần hội trong các lễ hội truyền thống, mà qua đó còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch văn hóa theo hướng hấp dẫn, đậm đà bản sắc.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chuyen-doi-so-trong-le-hoi-truyen-thong-245062.htm