Di tích quốc gia đặc biệt đình Đình Bảng - nơi lưu dấu thời gian

Năm nay, người dân Đình Bảng và thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh đón Lễ hội Đền Đô với niềm vui nhân đôi khi đình Đình Bảng được đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nổi bật với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, quy mô bề thế cùng giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, đình Đình Bảng là điểm đến ưa thích của du khách trong hành trình khám phá miền quan họ.

Kiến trúc nhà sàn độc đáo với các mái đao cong vút, đình Đình Bảng là một trong những ngôi đền đẹp nhất xứ Kinh Bắc.

Kiến trúc nhà sàn độc đáo với các mái đao cong vút, đình Đình Bảng là một trong những ngôi đền đẹp nhất xứ Kinh Bắc.

Đình Đình Bảng xưa thuộc tổng Phù Lưu, phủ Từ Sơn, nay thuộc phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là nơi thờ Cao Sơn đại vương (Thần núi), Thủy Bá đại vương (Thần sông) và Bạch Lệ đại vương (Thần nông). Ngoài ra đình còn phối thờ 6 vị Tổ có công lập làng vào thời Lê sơ và cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân nơi đây.

Độc đáo kiến trúc dân gian

Đã từng đi vào câu ca “Thứ nhất là đình Đông Khang/Thứ nhì Đình Báng, vẻ vang Đình Diềm”, trải qua bao biến thiên, thăng trầm của thời gian, đến nay đình Đình Bảng (đình Báng) vẫn còn bảo lưu nguyên vẹn từ mặt bằng, chất liệu, kết cấu, điêu khắc trang trí. Ngay từ năm 1962, đình Đình Bảng đã được Bộ trưởng Văn hóa xếp hạng di tích quốc gia đợt I, Quyết định số 313-VH/VP ngày 28/4/1962.

Sau gần 300 năm, nhờ được bảo tồn, trùng tu, đình Đình Bảng vẫn giữ gần như nguyên vẹn.

Sau gần 300 năm, nhờ được bảo tồn, trùng tu, đình Đình Bảng vẫn giữ gần như nguyên vẹn.

Đình được xây dựng năm 1700-1736, với kiến trúc nhà sàn độc đáo, di tích đình Đình Bảng có kiến trúc bề thế, hòa hợp với thiên nhiên Việt Nam. Theo người dân địa phương, ngôi đình được ông quan Nguyễn Thạc Lượng, người con quê hương Đình Bảng cùng vợ cung tiến cho làng để dựng đình. Điều làm nên vẻ đẹp ấn tượng với du khách ngay từ ánh nhìn đầu tiên là mái đình dài, rộng, có các đầu đao uốn cong vút. Được biết, trong các công trình kiến trúc gỗ cổ truyền tại Việt Nam, đình Đình Bảng chính là công trình có các đầu đao vươn xa nhất.

Đưa chúng tôi đi thăm đình, ông Nguyễn Danh Mã, Trưởng Ban Quản lý di tích đình Đình Bảng, tự hào chia sẻ: Đình Đình Bảng được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Công gồm: Đại bái, Ống muống và Hậu cung. Trong đó Đại bái là nơi tập trung các giá trị kiến trúc, nghệ thuật của ngôi đình. Tòa Đại bái quy mô đồ sộ 5 gian 2 chái 2 dĩ sử dụng kiến trúc chồng rường vừa tạo ra diện tích để nghệ nhân trang trí, vừa kết hợp với các xà để giữ cột. Cho đến nay còn rất ít các ngôi đình giữ được đồng bộ hệ thống sàn gỗ từ Đại bái đến Hậu cung như đình Đình Bảng.

Với những nét chạm khắc tinh xảo, đình Đình Bảng được ví như bảo tàng về chạm khắc gỗ thế kỷ XVIII.

Với những nét chạm khắc tinh xảo, đình Đình Bảng được ví như bảo tàng về chạm khắc gỗ thế kỷ XVIII.

Theo bà Lê Thị Thanh Thư, cán bộ Bảo tàng và Xúc tiến du lịch Bắc Ninh, đình Đình Bảng được ví như bảo tàng về chạm khắc gỗ thế kỷ XVIII. Trong đó, hình tượng rồng xuất hiện nhiều nhất với hàng trăm con được tạo tác khác nhau. Rồng điển hình ở đình Đình Bảng có vẩy, sừng ngắn, tai vểnh như cánh chim nhỏ, mắt tròn lồi, miệng rộng loe, môi dày với góc nhìn chính diện hoặc quay 2/3 đầu ra ngoài mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII có sự nối tiếp phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.

Gian giữa của đình với bức cửa võng được chạm khắc cầu kỳ, tinh tế.

Gian giữa của đình với bức cửa võng được chạm khắc cầu kỳ, tinh tế.

Bước vào lòng đình (gian giữa) là bức cửa võng lớn ở gian giữa cao bắt đầu từ xà thượng dài xuống tận mặt sàn, trải rộng hết một gian đình 3,7m. Màu vàng son của cửa võng làm rực rỡ cả gian đình. Dưới bàn tay của những người thợ tài hoa, tầng nào của cửa võng cũng được chạm khắc cầu kỳ, tinh tế với nhiều hình khối nghệ thuật, biểu tượng chữ triện, chữ công, lá lật, lá sòi, cánh sen, "tứ linh", "tứ quý", ngựa và sư tử.... Theo các nhà nghiên cứu, bức cửa võng đình Đình Bảng mang phong cách nghệ thuật chạm khắc đầu thế kỷ XIX nhưng có giá trị nghệ thuật cao.

Vinh dự đón Bác Hồ về thăm

Cùng với giá trị kiến trúc nghệ thuật, đình Đình Bảng còn gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ phường Đình Bảng, Đảng bộ và nhân dân Đình Bảng vinh dự 4 lần được đón Bác Hồ về thăm: Lần thứ nhất tháng 9/1945, Bác về thăm Đình Bảng cùng nhân dân dự lễ kỷ niệm Lý Bát Đế; Lần thứ hai tháng 2/1946; Lần thứ ba 10/1946 Bác về Đình Bảng và thăm cụ Nguyễn Phụ Doãn, người cao tuổi nhất trong làng; Lần thứ tư tháng 12/1955 Bác về Đình Bảng dự và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác cải cách ruộng đất đợt 4 của đoàn Bắc - Bắc.

Trưởng Ban Quản lý di tích đình Đình Bảng giới thiệu lịch sử đình.

Trưởng Ban Quản lý di tích đình Đình Bảng giới thiệu lịch sử đình.

Tháng 10/1946, Bác Hồ về đình Đình Bảng và thăm cụ Nguyễn Phụ Doãn, người cao tuổi nhất trong làng. Tại đình Đình Bảng, Bác đã có cuộc gặp mặt với bà con. Tại đây, đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân Đình Bảng tưng bừng phấn khởi, biểu thị sự quyết tâm ủng hộ, giúp đỡ Chính phủ.

Chiều 18/8/1945, chính tại đình Đình Bảng đã diễn ra lễ thành lập chính quyền cách mạng lâm thời Đình Bảng. Từ đây, du kích địa phương và nhân dân đã kéo lên cướp chính quyền ở phủ Từ Sơn. Sau thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, xã Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng) được Trung ương chọn làm địa điểm dự bị họp Quốc hội. Đặc biệt, tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về đình Đình Bảng - địa điểm dự bị để họp phiên đầu tiên Quốc hội khóa I.

Đình Đình Bảng là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá miền quan họ.

Đình Đình Bảng là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá miền quan họ.

Trải qua sự khắc nghiệt của thời tiết, ảnh hưởng của chiến tranh, sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, sau gần 300 năm đình Đình Bảng vẫn giữ được nét nguyên sơ, cổ kính cùng với những giá trị kiến trúc nghệ thuật. Ngày 26/11/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1473/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 16) đối với 6 di tích, trong đó có Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Đình Bảng (thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Việc đình Đình Bảng được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt là niềm tự hào và trách nhiệm của chính quyền và nhân dân Bắc Ninh nói chung và Đình Bảng nói riêng. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc, tôn vinh giá trị lịch sử của ngôi đình đẹp nhất xứ Kinh Bắc xưa.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/di-tich-quoc-gia-dac-biet-dinh-dinh-bang-noi-luu-dau-thoi-gian-post872044.html