Chuyển đổi số trong ngành tư pháp

Thời gian qua Sở Tư pháp đã nỗ lực tuyên truyền, triển khai công tác chuyển đổi số (CĐS) trong toàn ngành, đến nay đã đạt được kết quả nhất định.

Xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, Sở Tư pháp đã tập trung triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh về công tác CĐS trên toàn ngành, đặc biệt trong các phòng, đơn vị trực thuộc. Trong đó quán triệt sâu kỹ các chương trình, chiến lược về chuyển đổi số Quốc gia, Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các kế hoạch triển khai công tác chuyển đổi số khác của UBND tỉnh.

Theo đó, năm 2023, Sở Tư pháp đã đăng tải 27 tin, bài tuyên truyền, phổ biến, thông tin về chuyển đổi số tại chuyên mục chuyển đổi số trên trang thông tin của Sở. Ngoài ra xây dựng các chương trình phỏng vấn “Tìm hiểu về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật”; “Đề án 06 của Chính phủ - Vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi của người dân, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm”, phát trên các phương tiện thông tin...

Cán bộ tư pháp - hộ tịch đang giúp dân điều chỉnh lỗi trong lý lịch cho người dân.

Cùng với đó, để phục vụ tốt CĐS, hàng năm Sở Tư pháp bố trí kinh phí nâng cấp hệ thống máy tính cũng như hệ thống mạng của đơn vị đảm bảo hoạt động hiệu quả trong công tác chuyên môn. Đến nay ngành tư pháp duy trì, cập nhật 121 thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Danh mục thủ tục hành chính của Sở trên Cổng thông tin của tỉnh và Trang thông tin điện tử của Sở kịp thời cho người dân và doanh nghiệp khai thác, tra cứu. Việc số hóa dữ liệu của các địa phương vào Phần mềm hệ thống dữ liệu hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã hoàn thành. Tạo điều kiện thuận lợi cho công chức tư pháp giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân nhanh hơn, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời tiết kiệm được thời gian của công chức tư pháp trong tra cứu giải quyết hồ sơ hơn so với trước đây.

Ngoài ra, Sở Tư pháp cho biết, toàn ngành đang tiếp tục triển khai cung cấp 2 dịch vụ công liên thông Đăng ký khai sinh – Đăng ký thường trú – Cấp BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú – Trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng trên địa bàn tỉnh theo Đề án 06. Đồng thời, phối hợp với cơ quan Công an, BHXH tại địa phương kiểm tra, rà soát dữ liệu đăng ký khai sinh của trẻ em dưới 6 tuổi được đăng ký khai sinh trước 1/10/2018 chưa được cấp số định danh cá nhân theo nhiệm vụ được giao của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh…

Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được còn một số khó khăn như trong quá trình vận hành phần mềm quản lý văn bản và điều hành phiên bản mới tại Sở vẫn phát sinh một số lỗi phần mềm ảnh hưởng đến công việc tham mưu của các phòng, đơn vị thuộc Sở. Việc tham mưu triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số hầu hết tập trung tại Sở Tư pháp do các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở không có viên chức chuyên trách công nghệ thông tin. Trang thiết bị, máy móc phục vụ chuyển đổi số đã cũ và xuống cấp do kinh phí thường xuyên không đủ để bố trí mua sắm.

Ông Đặng Văn Đào, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành công tác tư pháp; ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động của từng đơn vị chuyên môn nhằm tạo điều kiện thuận lợi, cung cấp dịch vụ công nhanh gọn, thuận tiện cho người dân. Bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống toàn Sở, đảm bảo khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh. Ngoài ra, đẩy mạnh các giải pháp để tăng tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chuyen-doi-so-trong-nganh-tu-phap-117762.html