Chuyển đổi số và đổi mới hoạt động thư viện để phát triển văn hóa đọc

Hiện nay, ước tính cả nước có khoảng 50.000 thư viện, trong đó 27.000 là thư viện trường học. Nếu tính các thiết chế văn hóa thì có lẽ thư viện có số lượng nhiều nhất và nếu không phát huy tốt hệ thống thư viện là sự lãng phí rất lớn.

Thư viện trong CAND thu hút nhiều bạn đọc.

Thư viện trong CAND thu hút nhiều bạn đọc.

Đây là chia sẻ của TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện trong một diễn đàn về thiết chế văn hóa, thể thao do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với một số Ban, ngành tổ chức mới đây.

Theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, hiện nay, có nhiều số liệu và hoạt động thực tế cho thấy nhiều tín hiệu tích cực về văn hóa đọc. Cụ thể, tại Đại học Bách khoa, mỗi ngày có 1.000 người trực tiếp “đến thư viện bằng chân” và 10.000 người “đến thư viện bằng chuột”. Khi phối hợp với Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (Hà Nội) – trường chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật tổ chức các hoạt động “học mà chơi, chơi mà học”, những người làm công tác thư viện vô cùng xúc động khi các em dùng ngôn ngữ đã ký hiệu để kể lại nhiều điều tuyệt vời trong các cuốn sách đã đọc. Điều đó cho thấy, để tạo sức hấp dẫn cho các thiết chế thư viện thì mấu chốt là phải khích lệ trí tuệ, sự sáng tạo của người làm thư viện để đổi mới cách hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo điều kiện cho bạn đọc tiếp cận tài liệu, truy cập từ xa và thư viện phải trở thành không gian tạo sự tương tác giữa bạn đọc với thư viện.

Thực tế, ngoài các mô hình thư viện truyền thống trực thuộc các ban, ngành, tỉnh, thành phố, hệ thống trường học…, hiện nay còn có nhiều thư viện cộng đồng, thư viện của dòng họ, cá nhân yêu thích sách. Bên cạnh những thư viện hoạt động hiệu quả, rất nhiều thư viện chưa thực sự được phát huy, nhất là triển khai các dịch vụ.

Theo PGS.TS Trương Đại Lượng, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, kết quả khảo sát 50 thư viện tỉnh cho thấy, nhiều tỉnh chỉ cấp cho hoạt động chuyên môn dưới 1tỷ/ năm, không đảm bảo để thư viện thực hiện các chức năng của mình. Nguồn tài nguyên số của các thư viện này không nhiều và chủ yếu tập trung tại các thư viện tỉnh, thành phố lớn.

Thạc sĩ Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng cho rằng, mặc dù chuyển đổi số ở các thư viện đã và đang được được quan tâm, thúc đẩy và lan tỏa. Về chuyển đổi dữ liệu, xây dựng dữ liệu số, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được cơ sở dữ liệu thư mục lớn khoảng 1 triệu biểu ghi. Đến nay, Thư viện đã có được một lượng tài nguyên thông tin dạng số khoảng hơn 180.000 tên sách, số báo, tương đương khoảng trên 10 triệu trang tài nguyên số đưa vào phục vụ, thông qua khai thác trực tuyến và truy cập trong mạng nội bộ.

Thư viện công cộng cấp tỉnh tập trung phát triển dữ liệu số toàn văn tài liệu cổ quý, số hóa tài liệu địa chí địa phương là các bài trích báo, tạp chí, các tài liệu do cơ quan Nhà nước đặt hàng thực hiện, tác phẩm của các tác giả địa phương và tác phẩm của các tác giả viết về địa phương. Thư viện các trường đại học xây dựng tài nguyên thông tin số từ các nguồn học liệu số, học liệu mở, số hóa các tài liệu nội sinh là đề tài nghiên cứu, luận văn, luận án, đề án, báo cáo khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo… Thư viện chuyên ngành, lực lượng vũ trang đã ưu tiên số hóa tài liệu cổ, quý hiếm, tài liệu về quân sự, an ninh, hay các đề tài liên quan đến cách mạng...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chuyển đổi số thư viện đang gặp một số khó khăn. Hạ tầng công nghệ tại phần lớn các thư viện chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống thiết bị công nghệ còn thiếu, giải pháp công nghệ còn lạc hậu, không đạt chuẩn. Do các vướng mắc về bản quyền, thiết bị số hóa, nhân lực, ngân sách, việc triển khai xây dựng nguồn tài nguyên dạng số thông qua số hóa tài liệu thư viện còn khiêm tốn. Ngay Thư viện Quốc gia Việt Nam - đơn vị xây dựng được nguồn tài nguyên thông tin số lớn nhất trong cả nước, nhưng trên website Thư viện mới chỉ thực hiện số hóa được khoảng 3% tổng số tên sách và 11,1% tổng số báo, tạp chí hiện có.

Bên cạnh đó, hạn chế về tài chính khiến các hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số bị lùi lại, làm chậm quá trình xây dựng, triển khai kế hoạch vận hành chuyển đổi số. Nhân lực thư viện còn thiếu và yếu, do lĩnh vực thư viện phải đối mặt với sự cạnh tranh về nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao với những lĩnh vực khác, nơi có cơ hội phát triển cá nhân và thu nhập cao hơn… Muốn phát huy được hệ thống thư viện tốt hơn, chúng ta buộc phải giải quyết được các khó khăn, vướng mắc nói trên.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/chuyen-doi-so-va-doi-moi-hoat-dong-thu-vien-de-phat-trien-van-hoa-doc-i732989/