Chuyển đổi số vùng đồng bào DTTS ở Bắc Giang

Ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong phát triển HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tỉnh Bắc Giang đang là nhiệm vụ quan trọng được các cấp chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân vùng DTTS.

Tại tỉnh Bắc Giang có 45 thành phần DTTS với hơn 257 nghìn người (chiếm 14,26% dân số), trong đó có 6 DTTS dân số đông, sinh sống thành cộng đồng gồm: Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Dao và Sán Chay (bao gồm Cao Lan và Sán Chí). Đồng bào DTTS tập trung nhiều ở các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế.

Tạo động lực cho HTX vùng DTTS bứt phá

Là xã miền núi duy nhất của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang với 56% dân số là đồng bào DTTS chủ yếu là người Nùng, Tày và Sán Dìu, cuộc sống của người dân xã Hương Sơn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khai thác lợi thế về địa hình, vài năm gần đây, người dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dứa và chăn nuôi gà thả đồi.

Đến nay, toàn xã có hơn 100 hộ trồng dứa với khoảng 150ha, gần hai chục hộ chăn nuôi gà với quy mô 6-10 nghìn con/lứa, các hộ này đều có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.

Chuyển đổi số vùng đồng bào DTTS là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân nơi đây.

Chuyển đổi số vùng đồng bào DTTS là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân nơi đây.

Để mở rộng diện tích trồng dứa và nuôi gà, tháng 7/2021, UBND xã định hướng, hỗ trợ các hộ thành lập HTX Dứa sạch Hương Sơn và HTX Gà núi Hương Sơn. Tham gia HTX, các thành viên (chủ yếu là đồng bào DTTS) được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, được kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó đầu ra của toàn bộ sản phẩm thuận lợi, giá bán cao hơn so với thị trường.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện đại, việc ứng dụng CNC trong sản xuất, quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ, kết nối đầu ra… mang đến cho các HTX nông nghiệp nhiều cơ hội, và trở thành giải pháp hữu ích nâng cao hiệu quả kinh tế. Để thích ứng với 4.0, nhiều HTX ở Bắc Giang đã chủ động ứng dụng công nghệ trong các khâu, nhất là sản xuất, tiêu thụ.

Tại HTX Gà núi Hương Sơn, để bảo đảm nhiệt độ phù hợp cho gà đẻ trứng, HTX đã lắp đặt hàng chục quạt thông gió có gắn bộ cảm ứng bật, tắt theo nhiệt độ ngoài trời. Các thiết bị này, được kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ phù hợp.

Ông Trần Văn Đồng - Giám đốc HTX Gà núi Hương Sơn chia sẻ, điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được đó chính là diện tích nuôi gà rộng rãi, thoáng mát và đặc biệt là không khí khá trong lành chứ không hề có mùi khó chịu.

Ngoài ra, HTX còn ứng dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest Po trong chăn nuôi được Hội nông dân tỉnh Bắc Giang khuyến khích, hỗ trợ và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực.

“HTX đã áp dụng mô hình chế phẩm sinh học HTMAXigest Po trên 2.000 con gà, hiện tại lứa gà này đã đạt đủ tiêu chuẩn để đưa ra thị trường tiêu thụ. Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học HTMAXigest Po trong chăn nuôi gà giúp cho người nông dân chúng tôi nhàn hơn rất nhiều mà chất lượng con gà lại cao lên. Lứa gà được áp dụng mô hình này cho thấy sức khỏe của những con gà tăng lên, tỉ lệ gà chết giảm xuống và đặc biệt là chất lượng thịt gà lại thơm ngon hơn. Bên cạnh đó, một trong những hiệu quả lớn nhất mà tôi nhận thấy trong quá trình áp dụng mô hình này là môi trường được cải thiện rõ rệt, đứng giữa khu chăn nuôi mà không thấy mùi gì”, ông Đồng chia sẻ.

Kích hoạt chuyển đổi số trong các HTX

Theo thống kê, hiện số HTX ở vùng đồng bào DTTS, miền núi của tỉnh Bắc Giang là hơn 140 đơn vị, trong đó 50 đơn vị tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Nắm bắt kịp thời nhu cầu của người tiêu dùng, các HTX vùng DTTS không ngừng cải thiện, nâng cấp sản phẩm từ mẫu mã, bao bì đến chất lượng để mở rộng và đứng vững trên thị trường, đầu tư mở rộng nhà xưởng, máy móc, diện tích sản xuất.

Một số HTX có sản phẩm được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Thảo Mộc Linh (Sơn Động); HTX Dược liệu Lựu Chanh Trường Sơn (Lục Nam); HTX Dược liệu Thiện Tâm (Yên Thế)… Cùng đó, tại vùng đồng bào DTTS, người dân, thành viên HTX đã tiếp cận công nghệ tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP như: Vải thiều Lục Ngạn; na, dứa Lục Nam…

Ông Đinh Văn Lai, Giám đốc HTX Ba kích tím Tây Yên Tử (Sơn Động) cho biết: Sau 4 năm trồng, hơn 2 ha ba kích của các thành viên chuẩn bị cho thu hoạch với thu nhập dự kiến khoảng 600 triệu đồng/ha. Hiện chúng tôi đang tìm hướng để chế biến thành các sản phẩm khác nhau, nâng giá trị của loại cây quý này.

HTX đã thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng thâm canh cây Ba kích tím dưới tán rừng trên địa bàn huyện Sơn Động”. Kết quả thực hiện dự án đã xây dựng thành công mô hình trồng cây Ba kích tím theo tiêu chí GACP-WHO, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập đã trừ chi phí (lãi) khoảng 995 triệu đồng/ha, gấp 5-6 lần so trồng cây lâm nghiệp. Ngoài ra, dự án góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS nơi đây.

Đồng bào DTTS đã dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, năng động hơn, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất, kinh doanh.

Đồng bào DTTS đã dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, năng động hơn, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng CNC vào sản xuất, kinh doanh.

“HTX cũng đã chuyển giao công nghệ, thiết kế, in ấn bao bì, nhãn hàng hóa và tem truy xuất nguồn gốc; mua máy móc, thiết bị phục vụ chế biến, bảo quản, đáp ứng yêu cầu chế biến các sản phẩm từ Ba kích. Đồng thời đưa sản phẩm Ba kích tím Sơn Động trở thành sản phẩm OCOP của huyện đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm”, ông Đinh Văn Lai chia sẻ.

Đồng bào DTTS bắt nhịp công nghệ số

Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết, trong Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang dành gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động thành lập mới các HTX trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, xây dựng các HTX ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Phối hợp các hoạt động khởi nghiệp, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi trên nhu cầu thực tiễn, tiềm năng và lợi thế vùng.

Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chia sẻ, nhằm đẩy mạnh quá trình số hóa, ứng dụng CNC theo công nghệ 4.0, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh đã bố trí 2,7 tỷ đồng để xây dựng ứng dụng phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, cài đặt trên thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng, máy vi tính...). Đồng thời, thực hiện hỗ trợ, phát triển các mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, 5 mô hình khởi nghiệp HTX nông nghiệp ứng dụng CNC...

“Phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào DTTS nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về khoa học công nghệ, thị trường, để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển KT-XH vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án. Tuy nhiên, để khai thác tốt lợi thế, từng bước nâng cao thu nhập, người dân vùng đồng bào DTTS cũng cần phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, năng động hơn, mạnh dạn hơn trong sản xuất”, ông Mai Sơn cho hay.

Kim Yến

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/chuyen-doi-so-vung-dong-bao-dtts-o-bac-giang-1094666.html