Chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức
Sáng 1-7, Báo SGGP phối hợp cùng UBND TPHCM, Công ty cổ phần Công nghệ Arobid và các đơn vị đồng hành tổ chức Diễn đàn Thương mại Xanh 2025. Tham dự có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM Tăng Hữu Phong, cùng các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM Tăng Hữu Phong, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn chủ trì diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trình bày về kinh tế tuần hoàn phục vụ chuyển đổi xanh, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập toàn cầu, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết sắp tới Việt Nam sẽ có cơ chế thử nghiệm về kinh tế tuần hoàn, là bước rất quan trọng để tháo gỡ về thể chế, chính sách liên quan đến vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực...
Một trong các thách thức, theo ông Quân, kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp niêm yết, trong đó 73% cho rằng việc thiếu quy định minh bạch là thách thức chính của họ trong việc thực hành ESG. Nhiều ý kiến cũng cho biết thiếu sự lãnh đạo cấp cao để thúc đẩy các cam kết ESG.
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân cho rằng trong mô hình tăng trưởng mới vẫn gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mô hình tăng trưởng mới sẽ phải vượt qua những lỗ hổng thể chế, cạnh tranh quốc tế và hạn chế nguồn lực. Ông cũng đánh giá cao vai trò tiên phong của TPHCM mới trong dẫn dắt mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam, mà giải thưởng Doanh nghiệp Xanh là một trong những minh chứng tiên phong của TPHCM.

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
PGS-TS Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp là xu hướng tất yếu. Song các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động trước những rào cản xanh đặt ra bởi các thị trường quốc tế đồng thời có cơ hội phát triển và lợi thế cạnh tranh khi sản xuất các sản phẩm xanh và Doanh nghiệp Xanh cần gắn với các giải pháp thực chất như CSR, ESG, Net-Zero trong hệ sinh thái doanh nghiệp, từ đó hình thành các “câu chuyện”.
Quá trình chuyển đổi xanh (yêu cầu thiết yếu) trong doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức (tài chính, công nghệ, thể chế, đặc biệt trong liên kết các bên) đòi hỏi phải có sự nỗ lực, quyết tâm của các bên, đặc biệt vai trò của Nhà nước.

Các đại biểu chủ tọa Diễn đàn Thương mại Xanh 2025. Ảnh: HOÀNG HÙNG
3 yêu cầu Xanh mà doanh nghiệp Việt Nam lưu ý khi xuất khẩu vào EU
Chia sẻ trực tuyến từ Trường Luật Harvard (Hoa Kỳ), ông Nicolas Lockhart, Viện Nghiên cứu Thương mại Thế giới (World Trade Institute), cho rằng khi nhắc đến thỏa thuận xanh của EU, đầu tiên là phải minh bạch thông tin, sẵn sàng cung cấp các thông tin được yêu cầu để EU thẩm định. Họ sẽ yêu cầu thực hiện các báo cáo đầy đủ về tác động môi trường xã hội, quản trị, tức là các sản phẩm xuất khẩu sang EU có ảnh hưởng đến môi trường, xã hội ở nơi sản xuất hay không, có tính cạnh tranh minh bạch công bằng hay không. Theo ông, báo cáo của các công ty phải trung thực, minh bạch rõ ràng vì phía EU có các công cụ thẩm định kỹ càng.
Về quy định ảnh hưởng đến sản phẩm, chúng ta có thể xem các sản phẩm khác nhau ảnh hưởng đến kinh tế tuần hoàn. Sản phẩm tốt nhưng bao bì cũng phải tuân thủ nhiều quy định, và có rất nhiều yếu tố quyết định một số mặt hàng có xuất khẩu được không, chẳng hạn cà phê, ca cao, sầu riêng có phải được trồng trên đất đã chặt rừng hay không… Nhiều điều luật khác nhau và khi các công ty Việt Nam bán các sản phẩm vào EU phải khai báo trung thực các thông tin này.

Quang cảnh diễn đàn, sáng 1-7. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Từ phía châu Âu, các doanh nghiệp của họ cũng chịu ảnh hưởng từ các quy định này nên bản thân các doanh nghiệp châu Âu đối tác của doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp Việt phải tuân thủ.
Có 3 điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Trước hết, phải xác định được quy định EU nào sẽ tác động trực tiếp, gián tiếp đến doanh nghiệp mình, xác định mình phải thay đổi để thích ứng. Đồng thời nếu bán sản phẩm trực tiếp cho thị trường châu Âu thì phải hiểu khách hàng của mình – những người sẵn sàng lựa chọn các sản phẩm tuân thủ tốt. Theo ông, cần phát triển lộ trình tuân thủ, xây dựng báo cáo đầy đủ thông tin để có thể thỏa mãn các quy định từ EU. Xem xét lại các sản phẩm của mình có tuân thủ các quy định của EU, quy định CBAM hay không...

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM Tăng Hữu Phong, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Phạm Văn Trường tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đại diện SCG – một trong những tập đoàn hàng đầu Thái Lan, ông Charoenchai Chaliewkriengkrai, Giám đốc Kinh doanh mảng Kinh tế tuần hoàn sinh học, ngành Xi măng và Giải pháp Xây dựng Xanh của SCG kiêm Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp tỉnh Saraburi, nhấn mạnh vai trò tiên phong của SCG trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon và ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất. SCG cam kết mạnh mẽ với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời xây dựng hệ sinh thái bền vững cùng các đối tác, cộng đồng và chính phủ.
Ông Charoenchai Chaliewkriengkrai vai trò tiên phong của SCG trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon và ứng dụng công nghệ xanh vào sản xuất. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tập đoàn cũng chia sẻ những mô hình thực tế đã triển khai tại Việt Nam như: áp dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải hiệu quả và các sáng kiến giáo dục cộng đồng. SCG khẳng định ESG không chỉ là trách nhiệm doanh nghiệp mà còn là chiến lược dài hạn để tạo giá trị bền vững cho xã hội và thế hệ tương lai. Hiện SCG đã đầu tư khoảng 6 tỷ USD vào Việt Nam với hơn 16.000 nhân viên, có sự gắn kết sâu với thị trường Việt Nam. Các hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường tốt hơn ở các quốc gia nơi SCG hoạt động.
Đại diện SCG kêu gọi sự hợp tác đa bên – từ nhà nước đến khu vực tư nhân và người dân – để cùng hướng tới một tương lai xanh, bền vững và bao trùm cho Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Ông Charoenchai Chaliewkriengkrai phát biểu tại diễn đàn. Thực hiện: TAM NGUYÊN - THU HƯƠNG
Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B xanh là sân chơi cho các doanh nghiệp xanh
Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa đánh giá cao Báo SGGP và các đơn vị có sáng kiến hình thành sàn giao dịch này, hy vọng trở thành sân chơi cho các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt có ý nghĩa trong thời điểm này.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa (bìa phải) cùng điều hành diễn đàn sáng 1-7. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Về kinh doanh, Nhà nước đang đẩy mạnh chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái. Trên lĩnh vực thương mại điện tử, có rất nhiều sàn, nếu có được sàn chính thống, được bảo trợ bởi một cơ quan truyền thông như SGGP – là một sân chơi có nhãn hiệu, tăng niềm tin cho doanh nghiệp. Các đối tác có thể truy cập vào sàn này để tìm kiếm thông tin, cơ hội...
Tìm kiếm các sản phẩm xanh là điều mà doanh nghiệp Việt Nam và thế giới đều rất coi trọng. Là sân chơi uy tín để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm truy cập, tìm kiếm khi có nhu cầu. Thay vì khi có một nhu cầu cụ thể phải tới trực tiếp, tìm từng trang web, thì trên sàn này có chia thành các lĩnh vực ngành nghề, với đầy đủ thông tin, yên tâm đã chuyển đổi xanh, đạt các tiêu chuẩn xanh. Cộng đồng doanh nghiệp rất cần, đánh giá cao sự ra đời của sàn này.

Các doanh nghiệp tham gia diễn đàn, sáng 1-7. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đứng về phía doanh nghiệp nguồn cung, các doanh nghiệp đã đầu tư vào chuyển đổi xanh, thì đây cũng là sân chơi để giới thiệu quá trình chuyển đổi xanh của mình để giới thiệu cho khách hàng. Là cơ hội để doanh nghiệp đã xanh hóa được nhiều người biết đến.
Sàn này không chỉ là nơi cung cấp, giới thiệu doanh nghiệp xanh với các sản phẩm xanh, mà còn hy vọng các doanh nghiệp cũng có thể tham gia vào để cung cấp sản phẩm dịch vụ. Tôi quan tâm đến giải pháp về vốn cho các doanh nghiệp chuyển đổi xanh, bởi việc này rất quan trọng bởi muốn xanh thì phải đầu tư. Riêng việc này, HUBA đã kết nối với HFIC để các doanh nghiệp có thể được hỗ trợ nguồn tài chính để đầu tư chuyển đổi xanh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM Tăng Hữu Phong, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo SGGP Nguyễn Khắc Văn cùng các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B xanh đầu tiên của Việt Nam và Triển lãm 3D với chủ đề “NoCarbon City”. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chúng tôi cũng mong sàn này sẽ có thêm các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi xanh. Đại bộ phận doanh nghiệp là nhỏ và vừa, trong giới hạn nguồn lực của mình rất cần được giới thiệu, cung cấp các giải pháp “vừa túi tiền”, với nhiều lựa chọn. Chẳng hạn như giải pháp dùng chung để chia sẻ kinh phí, hoặc trả góp, thuê hàng năm… để giảm chi phí để quá trình chuyển đổi xanh thuận lợi hơn. Càng nhiều lựa chọn, càng nhiều giải pháp thì càng thuận lợi cho doanh nghiệp.
Từ 1-7 này các địa phương hợp nhất, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết giải thưởng Doanh nghiệp Xanh sẽ mở rộng phạm vi từ các doanh nghiệp TPHCM, mở rộng ra cả Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ. Ông mời gọi doanh nghiệp ở TPHCM mới cùng tham gia để tạo sân chơi rộng lớn hơn trong quá trình chuyển đổi xanh.
Ông Trần Văn Chín, Chủ tịch nền tảng số Arobid, phát biểu tại diễn đàn. Thực hiện: THU HƯƠNG - TAM NGUYÊN
Tại phiên tọa đàm, ông Trần Văn Chín, Chủ tịch nền tảng số Arobid, đánh giá cao nỗ lực của Báo SGGP trong việc tổ chức diễn đàn Thương mại Xanh, EcoHub, thúc đẩy các doanh nghiệp xanh tham gia. Sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp chứng tỏ tính hấp dẫn và sự cần thiết của diễn đàn.
Ông Chín nói, ba mục tiêu khi phát triển sàn giao dịch này chính là vì sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp, vì hạnh phúc của người dân và vì sự thịnh vượng của quốc gia.