Chuyển đổi xanh trong du lịch: Con đường 'không trải hoa hồng'

Để chọn theo đuổi phát triển du lịch bền vững, đó thực sự là con đường 'không trải hoa hồng.' Bởi các doanh nghiệp, địa phương phải đối diện với nhiều áp lực từ nhận thức đến hành động, nguồn lực...

Không còn là lựa chọn, chuyển đổi xanh trong du lịch đã trở thành yêu cầu bắt buộc nếu muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm và vì một tương lai bền vững. Đây cũng là quan điểm chung của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp tại Diễn đàn “Phát triển các Điểm đến Xanh, nâng tầm Du lịch Việt Nam,” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, vừa diễn ra sáng nay, ngày 11/4, tại Hà Nội,

Giúp trải nghiệm sâu sắc hơn

Các chuyên gia khẳng định du lịch không chỉ là ngành kinh tế tổng hợp có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, tạo việc làm và thúc đẩy giao lưu văn hóa mà còn không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia.

Tuy nhiên, giữa bối cảnh toàn cầu đang đối diện hàng loạt thách thức chưa từng có như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và tài nguyên cạn kiệt, ngành du lịch buộc phải chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc nếu du lịch muốn phát triển lâu dài, có trách nhiệm vì tương lai bền vững.

Trước thực tế cấp thiết, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết Hiệp hội đã tập trung xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí Du lịch xanh (VITA GREEN), với mục tiêu tạo ra công cụ thực tiễn, rõ ràng, có thể áp dụng cho các điểm đến và doanh nghiệp du lịch hội viên trên cả nước. “Diễn đàn hôm nay là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm lan tỏa nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hành động thực tế trong quá trình chuyển đổi xanh của ngành du lịch Việt Nam,” ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Khẳng định tầm nhìn của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) về các điểm đến xanh không chỉ giới hạn ở các nỗ lực bảo tồn của cộng động tại các khu vực biển và khu bảo tồn, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, ông Patrick Haverman cho biết: “Chúng tôi cũng nhận thấy vai trò quan trọng của giao thông xanh. Việc khuyến khích du khách ưu tiên các lựa chọn di chuyển thân thiện với môi trường không chỉ làm sâu sắc trải nghiệm của họ mà còn trực tiếp góp phần vào bầu không khí trong lành hơn và hướng tới các mục tiêu phát thải ròng bằng không đầy tham vọng của Việt Nam.”

 "Giao thông xanh" bảo vệ môi trường, góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không đầy tham vọng của Việt Nam. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

"Giao thông xanh" bảo vệ môi trường, góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không đầy tham vọng của Việt Nam. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Theo ông Patrick Haverman, dự án thí điểm tại tỉnh Phú Yên và thành phố Huế, với việc ra mắt các trạm “Check-in và chia sẻ Giao thông xanh” gần đây ở Tuy Hòa và Hòn Yến, là một bước đi cụ thể, hiện thực hóa định hướng trên. Thông qua việc thúc đẩy mô hình chia sẻ giao thông xanh và nâng cao nhận thức trong cộng đồng địa phương, UNDP đang từng bước kiến tạo nền tảng cho một hệ sinh thái du lịch xanh thực sự bền vững.

Những điển hình của mô hình bền vững

Thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã nhận thức được rằng phát triển du lịch xanh, bền vững chính là con đường để khẳng định giá trị thương hiệu trong thị trường du lịch toàn cầu, góp phần quan trọng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Làng rau Trà Quế, Hội An của tỉnh Quảng Nam là một ví dụ điển hình. Hàng năm, nhờ chính quyền địa phương định hướng phát triển du lịch bền vững thông qua xây dựng tuyến tham quan xanh, tập trung khai thác các sản phẩm du lịch hài hòa giữa giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa xã hội mà điểm đến này tạo được sức hút đặc biệt, thường xuyên đón lượng lớn khách du lịch quốc tế đến.

Người dân làm du lịch ở làng rau Trà Quế còn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các điểm tham quan khác trên địa bàn thành phố nhằm nhân rộng và thúc đẩy thực hành mô hình du lịch xanh.

 CEO Phạm Hà, nhà đầu tư luôn theo đuổi con đường du lịch bền vững. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

CEO Phạm Hà, nhà đầu tư luôn theo đuổi con đường du lịch bền vững. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Trong khi đó, dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch LuxGroup, ông Phạm Hà cho biết tại LuxGroup và đặc biệt là công ty thành viên Lux Travel DMC, tư duy phát triển bền vững đã được xác lập ngay từ những ngày đầu thành lập. Đây không chỉ là tuyên ngôn thương hiệu, mà là một cam kết hành động cụ thể, xuyên suốt trong mọi chiến lược và hoạt động của doanh nghiệp.

Chung tay cùng ngành du lịch chuyển đổi xanh, Lux Travel DMC chọn con đường phát triển du lịch bền vững thông qua cam kết sử dụng phương tiện giao thông xanh, tối ưu hóa hành trình để giảm nhiên liệu, thực hiện kiểm toán phát thải ròng bằng; hỗ trợ cộng đồng địa phương như phát triển du lịch gắn với văn hóa, di sản và sinh kế của người dân địa phương. Đặc biệt, đơn vị này còn triển khai các chương trình bù đắp carbon bằng việc đóng góp 1,5 USD/ du khách để hỗ trợ các dự án trồng rừng, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ văn hóa bản địa tại Việt Nam.

“Chung thủy” với con đường du lịch bền vững, làng rau Trà Quế đã được Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc vinh danh “Làng du lịch tốt nhất thế giới” vào năm 2024. Thành quả có được là nhờ địa phương đã cam kết mạnh mẽ và tuân thủ ba trụ cột chính về phát triển du lịch bền vững, gồm bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương.

Lux Travel DMC mới đây cũng vượt qua 250 tiêu chí khắt khe của Travelife - hệ thống đánh giá và chứng nhận quốc tế về phát triển bền vững để nhận chứng nhận về du lịch bền vững Travelife Certified. Đáng nói là, chỉ có 500 doanh nghiệp trên toàn cầu nhận được chứng nhận này.

 Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nghỉ dưỡng sang trên Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà luôn canh cánh câu chuyện làm sao để vịnh sạch bóng rác thải, giữ màu xanh bền vững cho di sản. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nghỉ dưỡng sang trên Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà luôn canh cánh câu chuyện làm sao để vịnh sạch bóng rác thải, giữ màu xanh bền vững cho di sản. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Con đường màu xanh không trải hoa hồng”

Mặc dù đã là doanh nghiệp đạt được thành tựu bước đầu trên hành trình xanh bền vững, nhưng theo CEO Phạm Hà, “con đường màu xanh” này thực sự “không trải hoa hồng.” Bởi các doanh nghiệp sẽ đối diện áp lực lớn nhất đó là bài toán kinh tế đầu tư vào thiết bị tiết kiệm năng lượng, xử lý rác thải, vật tư thân thiện môi trường… Tất cả đều đòi hỏi chi phí cao và thời gian hoàn vốn dài. Ông Hà ví dụ, tại LuxGroup đã thay thế hoàn toàn chai nhựa dùng một lần, dùng túi vải thay túi nilon, trang bị thiết bị tiết kiệm điện cho văn phòng và du thuyền.

Bên cạnh đó, nhận thức chưa đồng đều trong chuỗi cung ứng và thị trường cũng là trở ngại lớn. Việc thuyết phục các đối tác, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa cùng cam kết hành động vì tiêu chuẩn xanh vẫn luôn là bài toán khó cần giải bằng đối thoại, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật. Hơn nữa, sản phẩm du lịch xanh không chỉ đòi hỏi chiến lược định vị giá trị và truyền thông rõ ràng, mà còn khó cạnh tranh, bởi giá thành cao nên khó tiếp cận thị trường đại trà. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp xanh lại chưa được hưởng ưu đãi cụ thể về thuế, tín dụng, đấu thầu sản phẩm hay tiếp cận thị trường, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đó cũng có thể khiến họ chưa mặn mà chuyển đổi sang du lịch xanh.

Để gỡ nút thắt kể trên, theo ông Patrick Haverman, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề chủ đạo là: quy hoạch xanh; quản lý điểm đến hiệu quả; du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

Đồng tình với quan điểm của đại diện UNDP, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Quốc Trí cho rằng cốt lõi của “điểm đến xanh” đầu tiên phải là không rác thải nhựa. Dĩ nhiên, muốn có điểm đến xanh thực sự thì còn nhiều việc phải làm như dùng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa bản địa, khai thác tối đa lợi thế của địa phương…

 Du khách tham gia tour chạy bộ nhặt rác, bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Du khách tham gia tour chạy bộ nhặt rác, bảo vệ môi trường. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Để giảm phát thải carbon, theo Viện trưởng Viện kinh tế du lịch, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Đính, ngành du lịch nên sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (xe điện, xe đạp, giao thông công cộng); khuyến khích du lịch gần gũi thiên nhiên, giảm du lịch hàng không dài ngày; hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng; tiết kiệm nước, điện và áp dụng năng lượng tái tạo trong cơ sở lưu trú. Bảo vệ hệ sinh thái, không khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.

“Tuy nhiên, để chuyển đổi xanh trong du lịch đòi hỏi phát triển du lịch cộng đồng và kinh tế tuần hoàn, trong đó hỗ trợ các làng nghề truyền thống, tạo việc làm cho người dân địa phương ưu tiên các sản phẩm, thực phẩm hữu cơ và hàng thủ công địa phương. Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm du lịch theo hướng giáo dục du khách về du lịch bền vững; khuyến khích khách du lịch tham gia các hoạt động bảo vệ thiên nhiên,” giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Đính nói.

Chuyển đổi xanh là hành trình lâu dài, đòi hỏi quyết tâm, đồng lòng và kiên trì từ tất cả các bên, từ chính sách vĩ mô, đầu tư của doanh nghiệp, hưởng ứng của cộng đồng đến lựa chọn tiêu dùng của du khách. Ông Vũ Thế Bình cam kết Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy và lan tỏa các sáng kiến xanh, góp phần làm nên một ngành du lịch Việt Nam có trách nhiệm hơn, nhân văn hơn và bền vững hơn.

Con đường nâng tầm du lịch Việt Nam thông qua phát triển các điểm đến xanh không chỉ là khát vọng mà còn là một đòi hỏi tất yếu và một cơ hội chiến lược. “UNDP Việt Nam cam kết sát cánh cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và tất cả các đối tác trên hành trình chuyển đổi mang tính bước ngoặt này. Bởi lẽ, một quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ là một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế mà còn là lá chắn vững chắc bảo vệ di sản thiên nhiên vô giá của Việt Nam cho thế hệ mai sau,” ông Patrick Haverman khẳng định./.

 Ninh Bình cũng là một trong những địa phương đang hướng tới điểm đến xanh bền vững. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Ninh Bình cũng là một trong những địa phương đang hướng tới điểm đến xanh bền vững. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-doi-xanh-trong-du-lich-con-duong-khong-trai-hoa-hong-post1027161.vnp