Chuyện gần, chuyện xa

Phải gần, lòng trước đã gần

Bây giờ có tưởng, mấy phần cũng xa

Theo quy luật thị giác, cùng một kích cỡ, màu sắc như nhau, vật gì ở gần thì nhìn thấy lớn hơn, rõ hơn vật ở xa. Theo quy luật thính giác, âm thanh ở gần nghe rõ hơn âm thanh ở xa. Theo quy luật khứu giác, mùi vị ở gần dễ cảm nhận hơn mùi vị ở xa. Vậy gần hay xa đều có quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, đối với những gì vô hình thì có khi là vậy, mà có khi không hẳn là vậy. Cảm xúc, tình yêu, trách nhiệm với quê hương xứ sở thì hình như không có khoảng cách gần xa. Thậm chí, đôi khi “xa thì thương, gần lại thường” nữa đó.

Thành phố Cao Lãnh về đêm (Ảnh: ĐT)

Thành phố Cao Lãnh về đêm (Ảnh: ĐT)

Khi ở gần thì đâu có được cảm xúc: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều”. Khi ở gần thì đâu thấu cảm với vần thơ: “Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp. Quê nhà một góc nhớ mênh mông”. Khi ở gần thì chưa cảm nhận hết thế nào là: “Quê hương mỗi người chỉ một. Như là chỉ một mẹ thôi!”, là “Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người!”. Một người sau thời gian bôn ba “băng đồng ra thế giới” trần tình: “...Hành trình đi ra thế giới của tôi là hành trình trở về nguồn cội, trở về nơi nuôi dưỡng hạt giống tâm hồn. Đi để học cách yêu thương con người... Đi để hiểu khái niệm vô cùng tương đối của được và mất. Đi chỉ để tìm lại chính mình”. Ra đi là để trở về!

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chuyện đi-ở, xa-gần đâu ai có thể lường trước trong cuộc đời. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, rồi một ngày nào đó ai cũng sẽ có lúc rời xa những gì quen thuộc được gọi là quê hương. Ngắn thì năm ngày nửa tháng, dài hơn thì đôi ba năm, có khi cả đời người không có dịp quay trở về cố hương. Ngắn thì nhớ ít, chỉ là thoáng qua. Dài hơn thì nhớ nhiều hơn, nỗi nhớ mông lung. Dài hơn nữa, hoặc không biết có về được nữa không, thì nhớ trong nỗi niềm khắc khoải. Nhưng ngắn hay dài, gần hay xa thì vẫn là nhớ, nỗi nhớ quê hương, xứ sở!

Khi ở gần thì không tránh khỏi những lúc va chạm, “chén trong sóng còn khua” là đúc kết của người xưa. Mối quan hệ giữa người và người luôn phức tạp, đôi khi vừa lòng người này lại mất lòng người kia. Một lời nói vô tình cũng tạo ra cảm xúc tiêu cực cho người khác. Khi ở gần thì “bụt nhà không thiêng”, những gì quen thuộc nhìn thấy hàng ngày thường không cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp. Khi ở gần thường thấy mọi thay đổi trong cuộc sống quê nhà sao mà chậm chạp, không như người ta, không bằng người ta. Khi ở gần những bề bộn trong cuộc sống hàng ngày chiếm phần lớn thời gian nên thường mờ đi những dự định của tương lai xa.

Một khi cảm xúc không như người ta, không bằng người ta, thì dễ rơi vào cảm xúc hướng ngoại. Hướng ngoại hay hướng nội không có đúng hay sai, mà quan trọng là cần cân bằng được cả hai. Không đóng cửa để tự giới hạn tầm nhìn, nhưng cũng không quá bi quan khi thấy mình còn chưa bằng nơi này nơi kia. Không biết trân quý về những gì mình có, thì sao người khác trân quý. Không biết tự hào về những gì mình đã làm được thì sao thế hệ tương lai biết tự hào để nối tiếp. Tất nhiên, không rơi vào cảm xúc thái quá, xem mình đã đủ, đã đúng. Mọi sự vật, hiện tượng, công việc luôn “bất toàn”, nghĩa là không bao giờ hoàn hảo tuyệt đối. Có triết lý cho rằng, chính sự bất toàn mới làm cho cuộc sống sinh động và luôn sôi động.

Khi mang trong mình tình yêu và nỗi nhớ, thì cảm xúc quê hương sẽ khác đi, “Thương nhau củ ấu cũng tròn. Ghét nhau quả bồ hòn cũng méo” đó thôi. Khi mang trong mình tình yêu và nỗi nhớ, thì mỗi tín hiệu tích cực dù nhỏ đều cảm thấy tự hào, hạnh phúc. Khi mang trong mình tình yêu và nỗi nhớ, thì sẽ mang theo cái hay, cái đẹp của quê hương đi xa. Quê hương mình đâu đâu cũng đẹp. Đẹp từ những đầm sen súng cho đến luống hoa trên giàn. Đẹp từ màu vàng của bông điên điển phất phơ trong gió cho đến gốc bần dưới bến trước nhà. Đẹp từ những dòng sông lớn cho đến những con rạch nhỏ. Đẹp từ những cánh đồng lúa gợn sóng khi gió luồng cho đến những khu vườn xanh ngát trái chín khi vào vụ mùa.

“Người ta là hoa đất”, con người quê mình mới là đẹp nhất. Gần một triệu bảy bông hoa đa sắc trên một không gian chưa đến 3.400km2. Bao nhiêu người đã rời xa quê hương đang sinh sống, học hành, làm việc ở đâu đó trên mọi miền đất nước, những người trong sâu thẳm tâm hồn vẫn đau đáu nhớ về cố hương?. Hòa mình vào những bà con xa quê đến dự họp mặt đồng hương hàng năm mới cảm nhận hết tình đất, tình người Đất Sen hồng. Những suất học bổng tài trợ cho học sinh, sinh viên, vì thế hệ tương lai. Những căn nhà tình nghĩa, tình thương được trao đến những gia đình còn khó khăn. Những cây cầu, con đường kiên cố, khang trang trên khắp vùng quê. Đó là tất cả tấm lòng của những người con xa xứ, mà tấm lòng thì không đo đếm được.

Quê hương mình đã và đang thay đổi hàng ngày. Những con người đang là nông dân trồng lúa, trồng hoa, làm vườn,... giờ đã trở thành những người chủ các điểm du lịch. Những làng nghề truyền thống đang tạo ra giá trị mới. Những mảnh vườn, đồng ruộng chai cằn vì lạm dụng phân thuốc vô cơ nay dần phục hồi dinh dưỡng. Những bạn trẻ khởi nghiệp đầy tự tin đang góp sức mình cho quê hương xứ sở. Những doanh nghiệp xích lại gần nhau hơn trong các hiệp hội ngành hàng. Hội quán đã bước sang tuổi thứ bảy ngày càng chứng minh sức sống mới, kích hoạt tư duy cộng đồng, phát huy nội lực trước khi tìm kiếm ngoại lực.

Quê hương mình đang có bao nhiêu Di tích quốc gia, bao nhiêu văn hóa vật thể và phi vật thể được vinh danh? Làm sao để các “bằng chứng nhận” thực sự trở thành niềm tự hào của cư dân địa phương? Làm sao phát huy được các giá trị đó để làm ra của cải, làm giàu cho bà con mình. Tất cả nếu biết trân quý đều có thể chuyển thành giá trị đong đo đếm được. Mỗi sáng thức giấc, hãy nhớ lại những gì đã trải qua, đã quan sát được, rồi suy nghĩ làm cách nào làm mới hơn, tạo ra giá trị nhiều hơn, phục vụ cho bà con nhiều hơn. Từ suy nghĩ hãy biến thành hành động. Người ta không quan tâm chúng ta nghĩ gì mà chỉ quan tâm chúng ta đang làm gì.

Mọi sự thay đổi trong giai đoạn đầu đều khó khăn khi phải từ bỏ những gì đã quá quen thuộc, nhưng nếu không thay đổi còn khó khăn hơn. Thay đổi nhỏ nhoi đôi khi sẽ dẫn đến kết quả lớn lao. Hãy trân quý từng hạt mầm nhỏ thì mới đến ngày thu hái thành quả lớn. Hãy làm tốt những gì đang làm đến khi biết thế nào là tốt hơn, làm những điều tốt hơn đến khi biết thế nào là tốt hơn nữa. Theo cách như vậy, công việc sẽ hoàn thiện dần, mỗi người cũng tự hoàn thiện dần. Những con người tử tế sẽ làm cho xã hội tử tế. Muốn thu hút đầu tư cũng cần đến một bộ máy tử tế, cần kiến tạo một xã hội tử tế, ấm áp tình người.

Những con người tử tế sẽ cấu trúc thành một xã hội tử tế. Niềm tin của người này trở thành niềm tin cho người khác. Năng lượng của người này chuyển hóa thành năng lượng của người khác. “Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu. Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng”. Chúc mừng quê hương Đất Tháp của mỗi chúng ta ngày càng phát triển!

Lê Minh Hoan

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/chuyen-gan-chuyen-xa-120154.aspx