Chuyện ghi từ một đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ anh hùng

Dấu mốc quan trọng nhất để làm nên tên tuổi của lực lượng PCCC Hòn Gai (tiền thân của Phòng Cảnh sát PCCC & CHCN Công an tỉnh Quảng Ninh ngày nay) chính là sự kiện ngày 1/8/1966, máy bay Mỹ đánh phá Hòn Gai, Quảng Ninh, Đội chữa cháy Hòn Gai thuộc Công an Thị xã Hòn Gai đã chiến đấu suốt 2 ngày đêm trên biển.

Cuộc chiến đấu dập tắt đám cháy xăng dầu với sức lan và sức nóng khủng khiếp trên mặt biển và nhiều tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” đã kết thúc thắng lợi sau 2 ngày đêm dù các phương tiện khi ấy còn thô sơ, thiếu thốn; con người, tài sản, phương tiện trên 4 xà lan đã được bảo vệ an toàn. Ngày 1/1/1967, Đội chữa cháy Hòn Gai vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; đồng thời, được Bác Hồ đổi tên là Đội chữa cháy Hạ Long.

Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVTND, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, lực lượng Cảnh sát PCCC Quảng Ninh đã tích cực đổi mới toàn diện các mặt công tác theo hướng tập trung, chuyên sâu; đưa công tác PCCC vào các mặt của đời sống kinh tế, xã hội, đồng thời triển khai nghiêm túc pháp luật về PCCC.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Ninh không quản nguy hiểm cứu giúp người dân trong cơn bão số 3.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Quảng Ninh không quản nguy hiểm cứu giúp người dân trong cơn bão số 3.

Mặc dù là địa bàn trọng điểm về nguy cơ cháy, nổ nhưng nhờ làm tốt công tác phòng ngừa và phương châm "4 tại chỗ" trong chữa cháy, CNCH, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn giữ vững địa bàn an toàn, không để xảy ra những vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, đơn vị chú trọng vào công tác tuyên truyền với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” thông qua hình thức “trải nghiệm”.

Đều đặn mỗi quý 1 lần, đơn vị ấn định 1 ngày phối hợp với tổ chức quần chúng nhân dân mang xe chữa cháy, bình chữa cháy đến địa bàn cơ sở để nhân dân được “trải nghiệm” miễn phí sử dụng bình chữa cháy và tìm hiểu phương tiện chữa cháy. Hoặc đơn cử việc triển khai sáng kiến xây dựng nội dung tuyên truyền về công tác PCCC đối với các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã được triển khai hiệu quả. Thông qua hình thức xây dựng clip tuyên truyền đưa đến từng cơ sở lưu trú, từ tháng 3/2024, khách lưu trú tại các khách sạn hay lưu trú trên tàu nghỉ đêm trên Vịnh đều được hướng dẫn an toàn PCCC.

Vừa qua, trong cơn bão Yagi, CBCS Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH đã chủ động tham mưu, triển khai các biện pháp cấp bách, quyết liệt trong công tác CNCH, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. Trong chuỗi cuồng phong dữ dằn của cơn bão lịch sử ấy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, bám nắm địa bàn của lãnh đạo đơn vị, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã chủ động triển khai công tác tìm kiếm, CNCH hiệu quả. Trên 1.000 tin báo cháy, sự cố, tai nạn sập nhà, đổ cây, mắc kẹt đã được đơn vị tiếp nhận và điều động lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ; hướng dẫn, bố trí nơi tránh trú an toàn cho hàng nghìn người dân.

Mặc dù phải triển khai công tác trên một địa bàn rộng, có nhiều tình huống hết sức nguy hiểm trong lúc mưa to, gió lớn, nước ngập dâng cao nhưng tinh thần chủ động, xung kích tuyến đầu, hành động theo đúng phương châm “lúc dân cần, lúc dân khó có Công an” đã mang lại sự an toàn cho hàng trăm người dân; cũng như đem lại cho gia đình có nạn nhân bị thiệt mạng trong bão tố niềm an ủi khi tìm kiếm được thi thể các nạn nhân đưa về bên gia đình.

Cơn bão hung hiểm đã đi qua, bình yên đã trở lại, nhưng những câu chuyện trong cơn bão thật khó thể quên. Đó là câu chuyện tìm kiếm thi thể Trung tá Trần Quốc Hoàng, công tác tại Trại giam Quảng Ninh - hy sinh khi làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn Phân trại số 2, Trại giam Quảng Ninh trong bão Yagi - bị nước lũ bất ngờ dâng cao cuốn trôi là một câu chuyện nhiều cảm xúc.

Đồng chí Trần Huy Nghị, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CNCH trực tiếp chỉ huy 25 CBCS dầm mình giữa bão tố để tìm kiếm thi thể chính người đồng đội mình, trong khi mưa bão vẫn không ngừng đe dọa gây sạt lở, lũ quét, lũ ống. Công việc vất vả khó khăn do địa hình phức tạp, sóng điện thoại hoàn toàn bị tê liệt, nhưng CBCS thực hiện tìm kiếm CNCH đã khắc phục khó khăn, vượt qua hiểm nguy, khảo sát, đánh giá hiện trường, lựa chọn chiến thuật, phương án tìm kiếm tối ưu nhất.

Cuối cùng, thi thể người đồng đội đã được tìm thấy ở khoảng cách 4km so với vị trí ban đầu. Có những giọt nước mắt khi ấy đã lẫn vào nước mưa khi thi thể Trung tá Trần Quốc Hoàng được đưa lên khỏi nơi mắc kẹt. Nhưng cùng đó cũng là tiếng thở phào khi nhiệm vụ được hoàn thành; bởi, các anh hiểu người đồng đội của mình đã có thể về bên gia đình.

Đó là câu chuyện các lực lượng của Phòng Cảnh sát PCCC& CNCH, Phòng CSGT, Công an TP Hạ Long thực hiện nhiệm vụ CNCH toàn bộ nhân dân thôn Đá Trắng và một số thôn khác tại địa bàn xã Thống Nhất, TP Hạ Long. Trong mưa bão vần vũ, nước dâng cao từng phút, đầu nguồn có thể xảy ra lũ ống, lũ quét bất cứ lúc nào, tình hình vô cùng nguy ngập, Đại tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh có mặt trực tiếp tại hiện trường chỉ đạo công tác CNCH.

Trong điều kiện hoàn toàn không có sóng điện thoại, các tổ công tác đã cẩn trọng làm tốt công tác trinh sát địa bàn, đảm bảo thông tin liên lạc trong nội bộ thông suốt, dùng các phương tiện chuyên dụng CNCH đến từng gia đình đưa toàn bộ nhân dân di chuyển đến vùng an toàn, đặc biệt đảm bảo an toàn trước tiên đối với người già, trẻ em, những người khuyết tật, lo cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu cho bà con.

Tuy nhiên, trong lúc nguy cấp, có 2 hộ gia đình có người lớn tuổi, mặc dù đã được lực lượng Công an đến tận nơi, vận động, tuyên truyền đưa ra nơi an toàn nhưng vì còn “lưu luyến” tài sản nên cương quyết bám trụ tại nhà, không chịu di dời. Trước tình thế cấp bách, đích thân Đại tá Nguyễn Thuận đã cùng CBCS lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH đi xuồng cứu hộ vào vận động, thuyết phục các gia đình còn lại trong thôn di dời đến nơi an toàn.

Khi toàn bộ người dân thôn Đá Trắng và các vùng nguy hiểm lân cận khác đến được nơi an toàn thì cũng là lúc những dòng nước xối xả từ thượng nguồn đổ về, thôn Đá Trắng và một số vùng lân cận trong xã Thống Nhất và xã Vũ Oai ngập chìm trong mênh mông biển nước.

Đó còn là những câu chuyện CNCH trên sông, trên biển dưới sức gió bão cấp 14 – 15, đó là thời khắc sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng với tinh thần khẩn trương, thần tốc, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ, 125 người trên các tàu thuyền, phương tiện thủy bị nạn trong bão đã được CNCH kịp thời, 12 người không may xấu số cũng được tìm kiếm đưa về với gia đình.

Với những thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác CNCH đảm bảo an toàn cho nhân dân trong cơn bão số 3, vừa qua, tập thể Công an tỉnh Quảng Ninh và Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh vinh dự được nhận 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; có 4 tập thể và 8 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an về thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3.

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, giữ an toàn địa bàn, đồng thời tạo nên những nét mới, đột phá trong lĩnh vực PCCC & CNCH, Thượng tá Trần Huy Nghị cho biết: Tiếp nối truyền thống của đơn vị Anh hùng LLVTND, lãnh đạo đơn vị tiếp tục quyết liệt, sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cùng với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đưa đơn vị khắc phục mọi khó khăn, đạt được nhiều kết quả trên tất cả các mặt công tác, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng quần chúng nhân dân với tinh thần “lúc dân cần, lúc dân khó có Công an”.

Phương Hạnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chuyen-ghi-tu-mot-don-vi-phong-chay-chua-chay-va-cuu-nan-cuu-ho-anh-hung-i749185/