Chuyện gì xảy ra nếu bị nhiễm Covid-19 khi đã được tiêm vaccine?

Có một điều chắc chắn là, người đã được tiêm vaccine Covid-19 nếu bị nhiễm bệnh sẽ có nhiều lợi thế hơn so với người chưa được chủng ngừa.

Vấn đề không phải là lựa chọn tiêm vaccine Covid-19 hoặc bị nhiễm bệnh, mà cần củng cố khả năng phòng vệ để sẵn sàng chiến đấu với mầm bệnh. (Nguồn: The Atlantic)

Vấn đề không phải là lựa chọn tiêm vaccine Covid-19 hoặc bị nhiễm bệnh, mà cần củng cố khả năng phòng vệ để sẵn sàng chiến đấu với mầm bệnh. (Nguồn: The Atlantic)

Những biến thể mới của virus gây bệnh Covid-19 đang làm xáo trộn diễn biến của đại dịch. Với sự gia tăng của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, các chuyên gia nhận định rằng con người phải đối mặt với hai lựa chọn, hoặc là tiêm chủng vaccine, hoặc là nhiễm Covid-19.

Trên thực tế, việc lây nhiễm Covid-19 vẫn xảy ra ở những người đã được tiêm chủng. Điều đó là hoàn toàn có thể khi virus còn tồn tại quanh ta và con người vẫn chưa hoàn toàn đánh bại được nó.

Không phải điều bất thường

Nói cách khác, tiêm vaccine không có nghĩa là được bảo vệ hoàn toàn khỏi virus SARS-CoV-2.

Các trường hợp vẫn bị nhiễm Covid-19 sau khi tiêm vaccine, kể cả khi xuất hiện một số triệu chứng cũng không phải điều bất thường. Không có bằng chứng là điều đó cho thấy việc tiêm phòng không phát huy hiệu quả.

Những trường hợp này thường có các triệu chứng nhẹ hơn, khỏi bệnh nhanh hơn, ít virus trong cơ thể hơn và khó lây bệnh cho người khác.

Khả năng miễn dịch do vaccine đem lại không phải là tuyệt đối. Thay vì thiết lập các lá chắn yếu ớt và dễ dàng bị xuyên thủng, vaccine củng cố các cơ chế bảo vệ sẵn có, để cơ thể có thể đối mặt với virus một cách an toàn.

Cuộc chiến bảo vệ “lâu đài” cơ thể

Có thể ví cơ thể con người như một lâu đài. Ông Deepta Bhattacharya, nhà miễn dịch học tại Đại học Arizona (Mỹ), so sánh việc chủng ngừa cũng như củng cố một thành trì chống lại sự tấn công của quân địch.

Dù hiệu lực của vaccine không phải 100% nhưng theo các chuyên gia đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa Covid-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng. (Nguồn: Conehealth)

Dù hiệu lực của vaccine không phải 100% nhưng theo các chuyên gia đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa Covid-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng. (Nguồn: Conehealth)

Vaccine Covid-19 đóng vai trò như những người cung cấp thông tin bí mật, những người truyền thông tin với bên trong lâu đài trước khi quân địch đến.

Với thông tin đó, các tế bào phòng thủ không chỉ tuần tra phát hiện kẻ địch quanh các thành trì, mà còn thông thạo đặc điểm của đối phương. Khi virus cố gắng xâm nhập, nó sẽ phải vượt qua nhiều lớp bảo vệ đã được gia cố.

Có được sự hỗ trợ của vaccine, việc điều động hệ miễn dịch cũng nhanh hơn nhiều. Các tế bào thích ứng sẽ có thời gian để nhận biết các đặc điểm của mầm bệnh và “mài vũ khí” là các kháng thể để tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus.

Trong khi những con thú gác cổng đang giữ chân kẻ địch ở vòng ngoài thì các “cung thủ” được huấn luyện sẽ nhận ra virus và bắn hạ nó.

Nhà miễn dịch học Bhattacharya phân tích: “Mỗi giai đoạn mầm bệnh phải vượt qua sẽ bị tiêu hao một lượng virus lớn”.

Ngay cả khi một vài virus vượt qua mọi rào cản, thì số lượng của chúng xâm nhập vào cơ thể cũng ít hơn, yếu hơn và khó có thể gây hại hơn.

Những biến thể của virus cũng có thể làm thay đổi tương quan lực lượng. Những kẻ xâm lược ngụy trang chính là các biến thể của virus có thể tránh sự phát hiện của một số kháng thể.

Trước những biến thể mới nguy hiểm và dễ lây lan, con người sau khi tiêm vẫn có thể nhiễm Covid-19. Nhưng tất nhiên, một cơ thể đang được bảo vệ bởi vaccine sẽ không dễ dàng đầu hàng trước virus.

Bài học tăng cường khả năng phòng vệ

Bà Laura Su, nhà miễn dịch học tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), chỉ ra rằng khi virus gây náo loạn, các tế bào miễn dịch sẽ cố gắng giữ vững lập trường, giành lại lợi thế và đánh bật mầm bệnh.

Những nỗ lực đó có thể không ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm, nhưng chúng vẫn sẽ hạn chế khả năng di chuyển của mầm bệnh, hạn chế các triệu chứng hay lây bệnh cho người khác.

Trong khi đó, Juliet Morrison, một nhà virus học tại Đại học California Riverside (Mỹ), cho hay, những trường hợp bị nhiễm bệnh ở mức độ nặng dù đã tiêm vaccine rất hiếm gặp.

Tất nhiên, sẽ là tốt nhất nếu vaccine có thể tạo ra các bức tường không thể xuyên thủng xung quanh lâu đài. Tuy nhiên, không có vaccine nào đạt hiệu quả 100% như vậy.

Những mũi tiêm không nên bị đổ lỗi nễu lỡ không đạt được kỳ vọng viển vông, vượt quá những gì vaccine có thể đạt được. Không một thành trì nào có thể bất khả xâm phạm, nhưng bất kỳ lâu đài nào được trang bị trước sẽ trở nên vững vàng hơn.

Mỗi lần gặp virus SARS-CoV-2 nhắc nhở về nguy cơ từ mầm bệnh vẫn còn rất lớn, các tế bào cơ thể từ đó củng cố lại khả năng phòng thủ và kỹ năng phát hiện virus gây bệnh.

Việc bị nhiễm bệnh sau khi tiêm chủng cũng giống như tiêm thêm một mũi vaccine tăng cường.

Nhà miễn dịch học Nicole Baumgarth thuộc Đại học California Davis (Mỹ) cho rằng, nếu hệ thống miễn dịch thực sự xảy ra sai sót thì đó cũng là một cơ hội tốt để "liên tục đào tạo các tế bào miễn dịch mới”.

Chúng ta không thể kiểm soát sự phát triển của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, mức độ bệnh đến đâu phụ thuộc vào cả cơ thể con người và mầm bệnh, việc tiêm vaccine giúp chúng ta nắm quyền kiểm soát tình thế.

Lợi ích của vaccine là bảo vệ người được tiêm khỏi rơi vào thể nặng và phải nhập viện. (Nguồn: TTXVN)

Lợi ích của vaccine là bảo vệ người được tiêm khỏi rơi vào thể nặng và phải nhập viện. (Nguồn: TTXVN)

Chủ động nhưng không chủ quan sau tiêm vaccine

Tại Việt Nam, nhiều người vẫn còn nghi ngại về hiệu quả của vaccine, nhất là sau một số trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 nhưng vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Đánh giá về vấn đề này, TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết phải tiêm mũi đủ 2 mũi và từ một tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu, nhưng hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccine.

TS. Phạm Quang Thái cũng đồng thời đưa ra kết quả nghiên cứu cụ thể từ những ca nhiễm Covid-19 sau khi đã được tiêm vaccine. Kết quả cho thấy, khả năng lây nhiễm thứ cấp từ những người này hầu như không có, tỷ lệ lây truyền virus rất thấp.

Đứng trước câu hỏi mà nhiều người đặt ra rằng ngay cả người đã tiêm 2 mũi vaccine mà vẫn bị dương tính với SARS-CoV-2 thì lợi ích thực sự của vaccine là gì?

Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc khẳng định: “Đó chính là bảo vệ người được tiêm khỏi rơi vào thể nặng và phải nhập viện. Cho đến thời điểm này, tại Việt Nam, chưa có trường hợp tiêm đủ 2 mũi nào bị bệnh nặng hay tử vong”.

Như vậy, dù hiệu lực của vaccine không phải 100% nhưng theo các chuyên gia, đây vẫn là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa Covid-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng.

(tổng hợp)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gi-xay-ra-neu-bi-nhiem-covid-19-khi-da-duoc-tiem-vaccine-154159.html