Chuyên gia cảnh báo quân đội các quốc gia cần ứng phó với biến đổi khí hậu

Nhiều chuyên gia an ninh đánh giá, quân đội của các quốc gia trên toàn cầu đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu và nỗ lực không để nó trở thành 'điểm mù' chiến lược.

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão Trami tại tỉnh Albay, Philippines, ngày 22/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Lực lượng cứu hộ sơ tán người dân khỏi vùng ngập lụt sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão Trami tại tỉnh Albay, Philippines, ngày 22/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), gần đây ngày càng có nhiều ý kiến lo ngại rằng vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu đang bị gạt sang một bên khi châu Âu tăng cường quốc phòng và Mỹ rút lui khỏi các cam kết xanh.

Bộ Quốc phòng nhiều quốc gia đã nhấn mạnh rằng hành tinh nóng lên đặt ra những thách thức lớn về an ninh quốc gia và lực lượng vũ trang cần phải thích ứng để ứng phó với những mối đe dọa đang phát triển này, từ thảm họa thời tiết cho đến cạnh tranh “nóng” hơn ở Bắc Cực với băng biển tan mở ra các tuyến đường vận chuyển và khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên…

Bà Erin Sikorsky, giám đốc Trung tâm Khí hậu và An ninh có trụ sở tại Washington, cảnh báo: “Bạn không thể thoát khỏi điều này. Khí hậu không quan tâm ai là tổng thống, hay mục tiêu chính trị của bạn là gì ở thời điểm này. Nó đang đến và quân đội cần phải chuẩn bị”.

Tại châu Âu, xung đột Nga-Ukraine làm dấy lên lo ngại về an ninh năng lượng và thúc đẩy tham vọng năng lượng tái tạo của nhiều quốc gia. Nhưng trong những tháng gần đây, các quốc gia châu Âu đã cắt giảm viện trợ phát triển quốc tế, đồng thời băn khoăn về ngân sách khí hậu khi ưu tiên chi tiêu chuyển sang quốc phòng và thương mại.

Vào tháng 3, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock thừa nhận tình hình địa chính trị "cực kỳ thách thức" nhưng nhấn mạnh rằng hành động vì khí hậu vẫn là chính sách an ninh hàng đầu. Một đánh giá do Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Đức thực hiện vào tháng 2 nhận định các thách thức về khí hậu đang xuất hiện trong toàn bộ phạm vi nhiệm vụ quân sự, với rủi ro gia tăng bao gồm mất mùa trên diện rộng, xung đột và bất ổn.

Bà Sikorsky cho biết quân đội ngày càng được huy động nhiều hơn tham gia xử lý, khắc phục hậu quả các trận lũ lụt, bão và cháy rừng, khiến năng lực của một số đơn vị bị đẩy đến giới hạn.

Ngoài ra, nhiệt độ cao có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của binh lính và thậm chí làm giảm lượng hàng hóa mà máy bay có thể chở.

Quân đội không bắt buộc phải báo cáo lượng khí thải nhà kính liên quan đến hoạt động của họ. Do đó, ảnh hưởng trực tiếp của quân đội đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu vẫn chưa được biết chính xác. Nhưng một báo cáo năm 2024 của Liên minh châu Âu (EU) ước tính "dấu chân carbon" của lực lượng quân đội trên thế giới có thể chiếm 5,5% lượng khí thải toàn cầu. Riêng Lầu Năm Góc đã tạo ra nhiều khí thải hơn cả các quốc gia như Bồ Đào Nha hoặc Đan Mạch.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-gia-canh-bao-quan-doi-cac-quoc-gia-can-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-20250423173830439.htm