Hành động tự vệ của Ấn Độ với thép Trung Quốc giữa bão thuế quan

Bộ Tài chính Ấn Độ thông báo sẽ áp thuế 12% đối với một số sản phẩm thép - động thái dường như nhằm ngăn chặn Trung Quốc 'bán phá giá' một lượng lớn thép vào thị trường Ấn Độ, gây thiệt hại cho các công ty trong nước.

Dây chuyền sản xuất thép tại một nhà máy ở Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Dây chuyền sản xuất thép tại một nhà máy ở Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang tin breitbart.com, giới chức Ấn Độ đã đề xuất khả năng áp thuế tự vệ 12% vào cuối tháng 3 với dự đoán rằng Mỹ có thể áp thuế khiến Trung Quốc phải tìm thị trường thay thế cho các sản phẩm không còn được người Mỹ ưa chuộng do giá tăng cao.

Thực tế cho thấy vào ngày 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố loạt thuế đáp trả gần như tất cả các quốc gia có quan hệ thương mại với Mỹ, bao gồm cả Ấn Độ, tuy nhiên sau đó ông đã đình chỉ hầu hết các mức thuế này, ngoại trừ với Trung Quốc, thậm chí còn nâng cao thêm. Ông Trump đã tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc lên 145% và đe dọa nâng lên tới 245%.

Chính quyền theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của Thủ tướng Narendra Modi, vốn đặt trọng tâm chính sách kinh tế vào việc thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, đã ủng hộ các chính sách của ông Trump, dù đang đối mặt với khả năng bị áp thuế tới 34% nếu New Delhi không đạt được thỏa thuận với Washington sau khi giai đoạn tạm hoãn 90 ngày kết thúc. Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal gọi các mức thuế là “cơ hội cả đời” đối với Ấn Độ, nhấn mạnh rằng các quốc gia khác đang phải đối mặt với mức thuế cao hơn nhiều và có vị thế kém thuận lợi hơn để đàm phán.

Ấn Độ công bố mức thuế mới đối với thép Trung Quốc vào ngày 21/4 trùng với chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cùng gia đình tới nước này. Trong bài phát biểu ngày 22/4, ông Vance tuyên bố Mỹ và Ấn Độ đã thống nhất các điều khoản đàm phán cho một thỏa thuận thương mại mới — bước đi lớn đầu tiên trong việc tái cấu trúc quan hệ kinh tế song phương.

Bộ Tài chính Ấn Độ biện minh cho thuế “tự vệ” – một loại thuế nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước – là cần thiết để bảo vệ các công ty thép nội địa trước sự cạnh tranh không công bằng từ nước ngoài. Tuyên bố không nêu đích danh Trung Quốc là mục tiêu chính của biện pháp thuế, nhưng thị phần lớn mà Trung Quốc nắm giữ khiến điều này là điều hiển nhiên.

Hôm 21/4, Reuters đưa tin rằng “lượng thép Trung Quốc đổ vào trong những năm gần đây đã khiến một số nhà máy Ấn Độ phải cắt giảm hoạt động và cân nhắc cắt giảm nhân sự, và Ấn Độ là một trong nhiều quốc gia đã cân nhắc hành động nhằm hạn chế nhập khẩu để bảo vệ ngành công nghiệp nội địa”.

Ấn Độ là nhà sản xuất thép thô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Bộ trưởng Ngành Thép H.D. Kumaraswamy cho biết thuế này mang lại “sự hỗ trợ quan trọng” cho các nhà sản xuất Ấn Độ, “đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đang chịu áp lực lớn từ lượng nhập khẩu ngày càng tăng”. Thuế này dự kiến sẽ có hiệu lực trong vòng 200 ngày.

Tổng cục Biện pháp Phòng vệ Thương mại Ấn Độ đã đề xuất áp dụng loại thuế này vào cuối tháng 3, cảnh báo về “tổn thất nghiêm trọng và nguy cơ đe dọa” đối với các nhà sản xuất thép Ấn Độ. Tờ China Daily, cơ quan tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc, khi đó lập luận rằng việc bảo vệ ngành thép sẽ gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp ô tô, đóng tàu và xây dựng của Ấn Độ, do các ngành này không thể tiếp cận với sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc. Tờ báo cũng đổ lỗi cho “chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ” là nguyên nhân khiến Ấn Độ cân nhắc áp thuế mới.

Sau khi Tổng thống Trump công bố chính sách áp thuế đáp trả toàn cầu vào ngày 2/4, Hiệp hội Phát triển Thép Không gỉ Ấn Độ (ISSDA) cho biết các mức thuế đối với Ấn Độ sẽ không ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp này.

Theo tờ The Hindu, Chủ tịch ISSDA Rajamani Krishnamurti khi đó cho rằng: “Điều đáng lo ngại hơn là nguy cơ chuyển hướng thương mại từ các quốc gia bị áp thuế bởi Mỹ sang Ấn Độ, dẫn đến lượng nhập khẩu giá rẻ đổ vào thị trường nội địa”. Tờ báo cũng dẫn lời các chuyên gia khác cảnh báo rằng: “Khi xuất khẩu từ EU sang Mỹ trở nên không khả thi, Ấn Độ có thể phải đối mặt với tình trạng thép bị bán phá giá từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản”.

“Bán phá giá” là một thuật ngữ kinh tế chỉ việc một quốc gia sản xuất dư thừa một loại hàng hóa, sau đó xuất khẩu ồ ạt vào một thị trường nước ngoài khiến các nhà sản xuất nội địa không thể cạnh tranh với mức giá rẻ của hàng ngoại. Bằng cách này, một nhà sản xuất lớn như Trung Quốc có thể xóa sổ ngành công nghiệp nội địa ở một quốc gia và thay thế bằng các công ty của chính mình.

Thép cuộn tại nhà máy của Ben Gang Group Corporation ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 18/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thép cuộn tại nhà máy của Ben Gang Group Corporation ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 18/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc ngay lập tức phản ứng mạnh mẽ trước chính sách thuế quan của ông Trump sau khi ông công bố, và ngày càng phản đối gay gắt hơn khi Nhà Trắng miễn trừ cho hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ ngoại trừ Trung Quốc.

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 21/4 cũng ra tuyên bố cảnh báo sẽ trừng phạt những quốc gia nào đàm phán với chính quyền Trump bằng các “biện pháp đối phó” không được nêu rõ.

“Nhượng bộ không thể mang lại hòa bình, và thỏa hiệp không thể được tôn trọng. Tìm kiếm cái gọi là miễn trừ bằng cách làm tổn hại lợi ích của người khác vì lợi ích ích kỷ tạm thời của bản thân chẳng khác nào tìm da hổ, cuối cùng chỉ đem lại thất bại cho cả hai phía và làm hại cả người khác lẫn chính mình”, tuyên bố viết.

Tuyến bố nhấn mạnh: “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ bên nào đạt được thỏa thuận gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận và sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp đối phó một cách tương xứng”.

Ấn Độ phần lớn đã phớt lờ các lời cảnh báo từ Trung Quốc và đón tiếp Phó Tổng thống Vance nồng nhiệt vào thứ Hai (21/4). Thủ tướng Modi đã đích thân tiếp đón ông Vance và gia đình để bàn bạc các vấn đề, trong đó có thương mại.

“Chúng tôi cam kết hợp tác đôi bên cùng có lợi, bao gồm trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ, quốc phòng, năng lượng và giao lưu nhân dân,” ông Modi viết trên mạng xã hội về cuộc gặp. “Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn cầu Toàn diện Ấn Độ – Mỹ sẽ là mối quan hệ định hình thế kỷ 21 vì tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân hai nước và thế giới”.

Trong bài phát biểu tại thành phố Jaipur (Ấn Độ) vào thứ Ba (22/4) ông Vance thông báo rằng Washington và New Delhi đã thống nhất các điều khoản đàm phán cho một hiệp định thương mại mới.

“Như nhiều người trong quý vị đã biết, chính phủ hai nước chúng ta đang tích cực làm việc về một thỏa thuận thương mại dựa trên các ưu tiên chung như tạo việc làm mới, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đem lại thịnh vượng cho người lao động,” ông Vance phát biểu. “Tại cuộc gặp hôm qua, Thủ tướng Modi và tôi đã đạt được tiến triển rất tốt về tất cả các vấn đề này”.

“Chúng tôi đặc biệt vui mừng tuyên bố rằng Mỹ và Ấn Độ đã chính thức hoàn tất các điều khoản tham chiếu cho quá trình đàm phán thương mại”, Phó Tổng thống Mỹ nói thêm. “Tôi cho rằng đây là một bước tiến quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi, vì nó vạch ra lộ trình hướng tới một thỏa thuận cuối cùng giữa hai quốc gia chúng ta. Tôi tin rằng còn rất nhiều điều Mỹ và Ấn Độ có thể cùng nhau đạt được”.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/hanh-dong-tu-ve-cua-an-do-voi-thep-trung-quoc-giua-bao-thue-quan-20250423212516373.htm