Chuyên gia cảnh báo suy thoái nếu giá dầu liên tục tăng lên mức kỷ lục mới

Các nhà phân tích cảnh báo việc Mỹ cấm dầu của Nga có thể đẩy giá dầu và thực phẩm lên cao hơn nữa, từ đó có thể gây ra suy thoái kinh tế nếu giá tiếp tục tăng.

Bơm xăng cho ô tô tại một trạm bán xăng ở Arlington, Virginia, Mỹ ngày 8/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Bơm xăng cho ô tô tại một trạm bán xăng ở Arlington, Virginia, Mỹ ngày 8/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh CNBC, ông Andy Lipow, Chủ tịch công ty Lipow Oil Associates, cho rằng nếu Nga trả đũa bằng cách ngừng cung cấp dầu cho châu Âu, giá dầu có thể dễ dàng tăng thêm từ 20 đến 30 USD/thùng. Trước đây, Nga đã cảnh báo cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu các nước phương Tây nhắm mục tiêu vào lĩnh vực năng lượng của nước này.

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga ngày 8/3, giá dầu thô của Mỹ đã giao dịch trên 128 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng trên 130 USD/thùng.

Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết họ sẽ loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Giá dầu đã tăng vọt trong những tuần gần đây, tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2008.

Ông Lipow nói: “Điều tôi sợ nhất là những mức giá này đã tăng quá nhanh, nhanh đến mức có thể gây ra suy thoái ở châu Âu và châu Mỹ Latinh, kéo theo cả Mỹ, rồi cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến khả năng Trung Quốc bán hàng tiêu dùng cho thế giới”.

Theo thống kê từ Goldman Sachs, Nga cung cấp 11% lượng dầu được tiêu thụ trên toàn cầu, 17% lượng khí đốt được tiêu thụ trên toàn cầu và có tới 40% lượng khí đốt của Tây Âu được nhập từ Nga năm 2021.

Ông Caroline Bain, nhà kinh tế tại Capital Economics, nhận định rằng trong trường hợp xấu nhất, lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu năng lượng Nga ở tất cả các quốc gia tiêu thụ lớn sẽ làm giảm và gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng, đẩy giá năng lượng tiếp tục lên mức chưa từng thấy. Ông nói: “Lạm phát ở các nền kinh tế tiên tiến sẽ ở mức khoảng 5% khi hết năm 2022, cao hơn nhiều so với mức 2,4% mà chúng tôi dự báo trước khi xảy ra xung đột ở Ukaine. Nếu các hộ gia đình phải giảm chi tiêu và châu Âu phải phân phối năng lượng thì khu vực đồng euro rơi vào suy thoái”.

Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius tại Goldman Sachs cho rằng về lý thuyết, có thể sắp xếp lại nguồn cung dầu để giải tỏa cho nguồn cung bị thắt chặt ở phương Tây, nhưng trên thực tế, việc này có thể không hiệu quả. Ông giải thích: “Nếu các nước phương Tây mua dầu Nga ít hơn, về nguyên tắc, Trung Quốc và Ấn Độ có thể mua dầu Nga nhiều hơn, mua dầu Saudi Arabia và dầu của các nước khác ít hơn để dầu từ những nơi này chảy sang phương Tây. Nhưng việc sắp xếp lại như vậy không hoàn hảo, không chỉ vì chi phí vận tải tăng hay vì các trục trặc kỹ thuật khác mà còn vì Trung Quốc và Ấn Độ có thể ngần ngại tăng nhập khẩu dầu Nga trong bối cảnh Nga đã bị trừng phạt toàn cầu”.

Trước những lo ngại đó, giá dầu đã tăng hơn 20 USD/thùng và các chuyên gia nhận định giá dầu còn tăng nữa.

Ông Hatzius cho biết Goldman Sachs ước tính giá dầu tăng sốc 20 USD trong thời gian dài sẽ làm giảm GDP thực tế 0,6% trong khu vực đồng euro và ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng.

Còn ông Matt Smith, nhà phân tích dầu tại tập đoàn Kpler, cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ làm trầm trọng thêm áp lực trên thị trường năng lượng.

Trước đó, các hãng tin của Nga dẫn lời Phó Thủ tướng nước này Alexander Novak cảnh báo chính sách cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường toàn cầu, theo đó giá dầu sẽ tăng tới mức không thể dự đoán được, có thể lên đến 300 USD/thùng. Ông cho rằng thị trường châu Âu sẽ không thể nhanh chóng tìm ra nguồn cung thay thế dầu mỏ Nga, có thể mất hơn một năm và người tiêu dùng châu Âu sẽ phải chịu mức giá đắt đỏ hơn.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chuyen-gia-canh-bao-suy-thoai-neu-gia-dau-lien-tuc-tang-len-muc-ky-luc-moi-20220309152054457.htm