Chuyên gia chỉ ra một số tiêu chí trong dự thảo chuẩn cơ sở GDĐH còn cứng nhắc
Việc ban hành Chuẩn cơ sở GDĐH có thực sự cần thiết, hay chỉ làm các trường thêm rối rắm khi phải thêm một loại báo cáo với những nội dung trùng lặp?
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Những tiêu chí nêu trong dự thảo đã nhận được nhiều sự quan tâm từ các chuyên gia giáo dục đại học.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), hiện là giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Quốc tế thuộc Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho hay, đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khá nhiều biện pháp để kiểm soát chất lượng giáo dục đại học, trong đó quan trọng nhất là kiểm định chất lượng giáo dục ở cấp cơ sở giáo dục, chương trình giáo dục và báo cáo ba công khai định kỳ hàng năm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đào tạo cũng đã được chuẩn hóa với với các chuẩn đầu vào và đầu ra, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở vật chất, thư viện,... Việc kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục đại học từ vài năm nay đã được đẩy mạnh, đến thời điểm hiện tại đã trở thành một công tác thường xuyên tại các trường và đang dần đi vào ổn định.
Như vậy, khi ban hành quy định về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học cần phải cân nhắc và xem xét kỹ lưỡng đến các tiêu chí trong đó. Bởi, nếu có những nội dung đôi khi trùng lặp hoặc có ít khác biệt so với các quy định hiện hành có thể dẫn tới sự chồng chéo, tăng thêm gánh nặng cho các trường.
Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, nhìn vào từng tiêu chí trong dự thảo, có thể thấy có những điểm chưa hợp lý.
Đơn cử như lộ trình tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại Tiêu chuẩn 2, Tiêu chí 2.3 về Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tính trên số giảng viên toàn thời gian có nêu, cần đạt trên 20% và từ năm 2025 đạt trên 25% đối với cơ sở đào tạo không đào tạo tiến sĩ; trên 10% riêng đối với các trường chuyên ngành đặc thù; Đạt trên 40% và từ năm 2025 đạt trên 50% đối với cơ sở đào tạo có đào tạo tiến sĩ; trên 20% riêng đối với các trường chuyên sâu nghệ thuật hoặc thể dục, thể thao có đào tạo tiến sĩ.
Thời điểm đưa ra dự thảo đã là giữa năm 2023, vậy chỉ trong vòng hơn 1 năm, vậy làm sao các cơ sở giáo dục đại học có thể tăng 5% (đối với các trường không đào tạo tiến sĩ) và tăng 10% (đối với các trường đào tạo tiến sĩ)? Đây dường như là một quy định khó có thể thực hiện được.
Việc đưa ra các chỉ tiêu cứng nhắc như vậy có thể vô tình đẩy các trường đến tình trạng phải bằng mọi giá có được bằng cấp để đạt chuẩn như quy định. Hơn nữa, điều này còn thể hiện sự đánh đồng giữa bằng cấp với chất lượng, có thể làm nảy sinh ra những tiêu cực không đáng có. Trong khi đó, chất lượng của giảng viên còn có thể được đánh giá bằng nhiều biện pháp khác chứ không chỉ đơn thuần là bằng cấp.
Hiện nay, ở khá nhiều trường, đặc biệt là các trường đại học tư thục, sinh viên khi đăng ký học phần cũng sẽ được lựa chọn đăng ký giảng viên mà mình mong muốn học. Đồng thời, theo quy định của kiểm định chương trình giáo dục đại học, sinh viên cũng sẽ được đánh giá giảng viên cuối khóa. Do đó, sinh viên chính là những người đánh giá trực tiếp năng lực của các thầy cô chứ không chỉ nằm ở việc đảm bảo bằng cấp.
Theo Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, trong các quy định hiện hành, để xin mở ngành hay duy trì ngành đã có quy định cụ thể về số lượng giảng viên, trình độ của giảng viên như thế nào nên các tiêu chí về giảng viên trong dự thảo nêu trên là chưa thực sự cần thiết.
Ngoài ra, tại Tiêu chuẩn 2, Tiêu chí 2.4 quy định về tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ thôi việc, chuyển công tác trong một năm, tính trên tổng số giảng viên toàn thời gian, không quá 5%, theo bà Phương Anh, việc đưa ra số liệu không quá 5% như vậy có phần cảm tính.
Bởi số liệu muốn chính xác phải dựa trên những cuộc khảo sát và ở mỗi ngành học, vốn dĩ số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ đã không giống nhau, có những ngành dư nhưng cũng có những ngành thiếu. Khi một ngành không còn nhu cầu đào tạo và có dự kiến đóng ngành, sẽ có sự chuyển dịch giảng viên, hoặc một cơ sở giáo dục có nhiều giảng viên đến tuổi về hưu trong cùng một năm dẫn đến giảm số lượng tiến sĩ, chẳng lẽ điều này lại làm giảm chất lượng của trường?
Ngoài ra, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cũng cho biết, một số tiêu chí khác cũng không cần thiết và phù hợp với thời đại hiện nay.
Đơn cử như ở Tiêu chuẩn 3, Tiêu chí 3.5 quy định về số máy tính cá nhân phục vụ học tập tính trên một ngàn sinh viên không nhỏ hơn 50, tốc độ đường truyền Internet trên một ngàn sinh viên đạt tối thiểu 100Mbps.
Trong bối cảnh máy móc, thiết bị công nghệ thay đổi rất nhanh chóng như hiện nay, nếu chúng ta áp đặt về số lượng máy tính cũng như tốc độ đường truyền Internet với người học như vậy là không hợp lý và không thể nào đuổi kịp được. Vấn đề này nên để các trường được tự chủ quyết định, bởi mỗi cơ sở giáo dục đại học sẽ biết tùy ngành học nào nên có số lượng, tốc độ và xu hướng thời đại thế nào cho phù hợp.
Cũng bàn về vấn đề trên, theo Tiến sĩ Phan Phiến, Trường Đại học Khánh Hòa, việc có một bộ Chuẩn để đánh giá các cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết, tuy nhiên, trong dự thảo này, có một số tiêu chí nên chăng cần cân nhắc lại.
Như ở quy định tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trong dự thảo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học, Tiến sĩ Phan Phiến cho rằng, đối với các trường không đào tạo tiến sĩ, tỉ lệ như vậy là phù hợp.
Tuy nhiên, đối với các trường có đào tạo tiến sĩ, việc quy định lộ trình trong hơn 1 năm tăng 10% tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ như vậy sẽ gây khó khăn cho một số trường.
Tỉ lệ này sẽ chỉ dễ dàng cho các trường đang có đội ngũ giảng viên đi học tiến sĩ, chuẩn bị bảo vệ tốt nghiệp sẽ kịp thời đạt được, trong khi đó, một số cơ sở giáo dục đại học khác trong thời gian này nếu không có giảng viên học lên cao thì việc quy định như vậy sẽ không thể thực hiện được. Vì việc học tiến sĩ cũng phải tốn thời gian ít nhất khoảng 3 – 4 năm.
Việc áp quy định tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đối với các trường có đào tạo tiến sĩ sẽ càng khó khăn hơn với các trường mới phát triển, mới đào tạo tiến sĩ.
Hơn nữa, đối với các trường có trường có đào tạo tiến sĩ, quy định giảng viên có trình độ tiến sĩ nên tính toán theo từng ngành sẽ phù hợp hơn và có thể tính tỉ lệ cao hơn so với dự thảo với khoảng 60-70%.
Theo Tiến sĩ Phan Phiến, nếu áp dụng theo quy định trong dự thảo này, có một số trường đang chỉ đào tạo thạc sĩ, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ đáp ứng quy định của Chuẩn, tuy nhiên, khi có một ngành học rất mạnh, đủ tiêu chuẩn nên trường muốn mở tiến sĩ lại vô tình đưa các trường vào thế khó. Bởi, cứ mở ngành đào tạo tiến sĩ, lại bị áp dụng theo cách tính tỉ lệ của các trường có đào tạo tiến sĩ, dù chỉ mở có một ngành.
“Thông thường, việc mở đào tạo tiến sĩ sẽ giúp uy tín của trường tăng lên nhưng theo quy định như vậy lại khiến trường không đạt Chuẩn, giảm đi độ uy tín của đơn vị”, Tiến sĩ Phan Phiến bày tỏ quan điểm.