Chuyên gia: Để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, phải khơi thông các dòng vốn một cách thực chất và hiệu quả

Đây là nhận định của PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), trước câu hỏi về động lực quan trọng giúp kinh tế tư nhân có thể 'vươn mình'.

 PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phát biểu tại tọa đàm diễn ra sáng nay (13/5) -Ảnh Bình An.

PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) phát biểu tại tọa đàm diễn ra sáng nay (13/5) -Ảnh Bình An.

Theo PGS.TS Nghiêm Thị Thà, nguồn vốn ngắn hạn của khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 50% tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng, tương đương gần 7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải chịu mức lãi suất vay thương mại dao động 9% – 11%/năm, cao hơn mặt bằng chung trong khu vực ASEAN (6% – 7%/năm).

Khó khăn lớn nằm ở khả năng tiếp cận tín dụng, đặc biệt đối với các hộ kinh doanh cá thể. Theo khảo sát của VCCI năm 2023, có đến 45% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản đảm bảo hoặc không đáp ứng được yêu cầu hồ sơ tài chính. Dù Nghị định 13/2023/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm Fintech trong ngân hàng đã có hiệu lực, nhưng kết quả triển khai vẫn còn hạn chế.

Ở góc độ vốn dài hạn, khu vực tư nhân Việt Nam mới chỉ huy động được khoảng 13% vốn qua thị trường chứng khoán, con số này khá khiêm tốn so với mức 40% – 60% ở các nước phát triển. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm cũng còn ít, chỉ khoảng 30 quỹ đang hoạt động và chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghệ, trong khi các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, logistics vẫn khó tiếp cận vốn.

Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án đối tác công tư (PPP) cũng rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số dự án công trong giai đoạn 2016–2023, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực tế trên cho thấy, việc huy động vốn cho khu vực kinh tế tư nhân hiện còn vướng nhiều điểm nghẽn. Thứ nhất là thiếu đa dạng về kênh huy động vốn, khi phần lớn vẫn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Thứ hai là hệ thống pháp lý liên quan đến tài chính và đầu tư tư nhân còn thiếu đồng bộ, đặc biệt chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và tư nhân.

Thứ ba, chính sách khuyến khích đầu tư tài chính dài hạn và vốn mạo hiểm chưa đủ hấp dẫn. Cuối cùng, việc thiếu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và công cụ đánh giá năng lực tài chính khiến các doanh nghiệp tư nhân khó tạo được niềm tin với nhà đầu tư.

Khơi thông các dòng vốn một cách thực chất và hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh và bền vững - Ảnh minh họa VNB

Khơi thông các dòng vốn một cách thực chất và hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân phát triển nhanh và bền vững - Ảnh minh họa VNB

Trước những thách thức đó, một loạt giải pháp được đề xuất nhằm cải thiện môi trường tài chính cho khu vực tư nhân. Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách tài chính, thông qua việc xây dựng luật hoặc nghị định riêng về tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, cần sửa đổi các luật liên quan như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, bổ sung cơ chế bảo lãnh tín dụng, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Một đề xuất đáng chú ý là thành lập Quỹ Phát triển tài chính tư nhân quốc gia nhằm cung cấp tín dụng ưu đãi dài hạn.

Bên cạnh đó, cần phát triển các kênh huy động vốn đa dạng hơn. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế là một hướng đi khả thi. Nhà nước cũng cần khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư tư nhân theo mô hình “matching fund” – đối ứng giữa nguồn vốn công và tư, tương tự như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Đặc biệt, cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo gồm trung tâm ươm tạo, quỹ thiên thần, dịch vụ tư vấn pháp lý – tài chính và ứng dụng công nghệ tài chính như P2P lending, eKYC, gọi vốn cộng đồng một cách hiệu quả và có kiểm soát.

Một khía cạnh không thể bỏ qua là nâng cao năng lực tài chính và quản trị cho khu vực tư nhân. Theo ADB, chỉ 21% DNNVV tại Việt Nam có hệ thống kế toán theo chuẩn mực quốc tế, đây cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn quốc tế. Trong 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể hiện nay, chỉ có 2,1 triệu hộ đóng thuế, còn lại 3 triệu hộ chưa có đóng góp vào ngân sách. Việc chuyển đổi các hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc hợp tác xã cần được hỗ trợ thông qua các hiệp hội nghề nghiệp.

Chương trình SME Link của USAID kết hợp với VCCI là một ví dụ điển hình, khi đã giúp hơn 500 doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ tín dụng đạt chuẩn, tiếp cận hơn 1.000 tỷ đồng vốn vay chỉ trong năm 2023.

“Tóm lại, việc huy động hiệu quả các nguồn lực tài chính, cả ngắn hạn lẫn dài hạn, chính là nền tảng để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững. Để thực hiện được điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa nhà nước, hệ thống tài chính – ngân hàng, các nhà đầu tư và bản thân các doanh nghiệp tư nhân.

Trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TW đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất, khơi thông các dòng vốn cho khu vực này không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn là chiến lược then chốt để phát triển kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới”, PGS.TS. Nghiêm Thị Thà nhấn mạnh.

Bình An

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-gia-de-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-ben-vung-phai-khoi-thong-cac-dong-von-mot-cach-thuc-chat-va-hieu-qua.html