Ninh Bình: Từ nông thôn mới đến trung tâm công nghiệp hỗ trợ -Bước chuyển mình chiến lược của một vùng đất di sản

Ninh Bình đang chuyển mình mạnh mẽ: Từ một địa phương Nông nghiệp thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ, kết hợp di sản, công nghiệp xanh, nông nghiệp hiện đại.

“Cánh đồng trổ bông, nhà máy sáng đèn” – Diện mạo mới của Ninh Bình nông thôn

Ngày 9/5/2025, Hội đồng Thẩm định Trung ương đồng thuận 100% đề xuất công nhận tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Một dấu mốc không chỉ về mặt hành chính, mà là bước khẳng định sự đổi thay thực chất, toàn diện và bền vững của một địa phương có hơn 80% diện tích là khu vực nông thôn.

8/8 tiêu chí theo quy định của Chính phủ đã được tỉnh hoàn thành trọn vẹn. 6/6 huyện đạt chuẩn NTM; 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ; 76/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao – đạt tỷ lệ 63,8%, phản ánh rõ nét sự lan tỏa của chương trình đến tận thôn xóm, ngõ làng.

Không chỉ là “sổ sách đạt chuẩn”, nông thôn Ninh Bình đã chuyển mình mạnh mẽ. Tỷ lệ cây xanh dọc quốc lộ và tỉnh lộ lần lượt đạt 85% và 72%, diện tích cây xanh công cộng đạt 6,51 m²/người – cao hơn 50% so với chuẩn tối thiểu. Người dân đánh giá mức hài lòng với chính quyền lên tới 85,34%; hộ nghèo giảm còn 1,03%; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 70,74 triệu đồng/người/năm.

Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 160 triệu đồng, trong khi 209 sản phẩm OCOP đã tạo bản sắc nông sản cho từng vùng miền. Nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn được kết nối với du lịch cộng đồng ở Tràng An, Tam Cốc, Vân Long – mở ra hướng đi không chỉ giúp người dân làm giàu, mà còn giữ được “hồn đất, vía làng”.

Nhưng điều đặc biệt nhất, không nằm ở các con số, mà ở tư duy: Ninh Bình kiên định phát triển một nông thôn hiện đại, hài hòa với đô thị – kiến tạo không gian sống sinh thái – văn hóa – kinh tế, gắn với chiến lược phát triển thành “đô thị di sản thiên niên kỷ”.

Công nghiệp hỗ trợ – Động cơ mới đưa Ninh Bình “ly nông mà không ly hương”

Không ngủ quên trên những cánh đồng trù phú, Ninh Bình đã và đang bước vào giai đoạn chuyển mình đầy bản lĩnh: Từ một địa phương nông nghiệp – Du lịch, trở thành một trung tâm công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và công nghệ cao ở miền Bắc.

Tính đến nay, Ninh Bình đã thu hút 103 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 1,8 tỷ USD. Trong đó, 18 dự án của nhà đầu tư Đài Loan với tổng vốn hơn 767 triệu USD, chiếm 42,2% tổng vốn FDI toàn tỉnh – Chủ yếu đầu tư vào linh kiện điện tử, phụ trợ ô tô, sản xuất xi măng, giày da, may mặc.

Đây không phải là những dự án “treo”. Phần lớn đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động và đóng góp bền vững vào ngân sách địa phương.

Ninh Bình đã xác định rõ định hướng chiến lược: Ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng công nghệ sạch, tiết kiệm quỹ đất, ít thâm dụng lao động nhưng mang lại hiệu ứng lan tỏa lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, những lĩnh vực được “trải thảm đỏ” gồm cơ khí chế tạo, công nghiệp bán dẫn, vật liệu kỹ thuật cao và đặc biệt là sản xuất – lắp ráp ô tô, ngành đang được tỉnh xác định là “động cơ tăng trưởng mới” trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại.

Ninh Bình tập trung phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ

Ninh Bình tập trung phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ

Thực tiễn triển khai cho thấy, Ninh Bình đã gặt hái những kết quả bước đầu rất rõ nét, thể hiện qua việc đón nhận một loạt dự án FDI tiêu biểu: Công ty TNHH MCNEX Vina (Hàn Quốc) đầu tư 69,5 tỷ đồng vào sản xuất camera module; Công ty TNHH Simona Leather đầu tư 31,2 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền thiết bị; Công ty Adora Việt Nam đưa vào 22,5 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất mới; cùng các dự án sản xuất giày của Athena Việt Nam và Chung Jye Ninh Bình với tổng vốn gần 31 tỷ đồng.

Những dự án này không đơn thuần là dòng vốn ngoại chảy về địa phương, mà chính là dòng sinh khí mới cho nền công nghiệp hỗ trợ bản địa: từ đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, cho đến hình thành mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh – từng bước nội địa hóa chuỗi cung ứng, điều mà lâu nay vẫn là bài toán khó đối với nhiều địa phương công nghiệp truyền thống.

Hạ tầng – thể chế – con người: “Tam giác bền vững” của Ninh Bình

Phía sau sự chuyển mình mạnh mẽ ấy là một tam giác chiến lược được vận hành bài bản: Hạ tầng – Thể chế – Con người.

Về hạ tầng, tỉnh đầu tư bài bản vào các khu – cụm công nghiệp như KCN Phú Long (485 ha), KCN Tam Điệp II (386 ha); đồng thời đẩy mạnh hạ tầng logistics kết nối vùng – liên vùng, tạo đà cho các ngành phụ trợ cơ khí, điện tử, ô tô.

Về thể chế, tinh thần “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” không chỉ là khẩu hiệu. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, triển khai “Một cửa – Một điểm đến”, giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành để rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư, bảo vệ môi trường.

Về con người, tỉnh đặc biệt chú trọng đào tạo nghề. Các trường cao đẳng kỹ thuật, trung tâm giáo dục nghề nghiệp được gắn chặt với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Tỉnh cũng định hướng rõ đào tạo nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, cơ khí, công nghệ số – những ngành có nhu cầu cao nhưng đang thiếu hụt trầm trọng.

Từ hạt gạo đến chip điện tử – Ninh Bình chọn lối đi riêng

Trong khi nhiều địa phương đổ dồn vào bất động sản, khai thác tài nguyên, Ninh Bình chọn con đường khó hơn: kết hợp bảo tồn di sản, phát triển nông thôn xanh và công nghiệp hỗ trợ sạch. Không chạy theo số lượng, không lấp đầy khu công nghiệp bằng mọi giá, Ninh Bình kiên định thu hút dự án ít nhưng chất lượng, đầu tư chiều sâu, gắn với phát triển bền vững.

Từ hạt lúa hữu cơ ở vùng Tam Điệp, quả cà chua treo ở vùng Kim Sơn, đến vi mạch camera và module điện tử của MCNEX Vina – một chuỗi phát triển mới đang được hình thành, nơi cánh đồng và nhà máy cùng phát triển, nơi người dân ly nông mà không ly hương.

Đô thị di sản – Công nghiệp xanh – Nông thôn hiện đại: Tam trụ chiến lược của Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình hôm nay không còn là một địa phương “Điểm đến du lịch” đơn thuần, mà là một điểm đến đầu tư chiến lược, một vùng đất của tương lai nơi Đô thị – Công nghiệp – Nông thôn cùng hòa quyện trong một tầm nhìn phát triển hiện đại, nhân văn và bền vững.

Từ xây dựng nông thôn mới đến kiến tạo công nghiệp hỗ trợ, từ giữ hồn di sản đến làm chủ công nghệ, Ninh Bình đang chứng minh: Một địa phương không cần phải lớn về diện tích hay dân số – Nhưng có thể trở thành lớn mạnh bằng tầm nhìn, ý chí và sự dẫn dắt quyết liệt của người đứng đầu.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ninh-binh-tu-nong-thon-moi-den-trung-tam-cong-nghiep-ho-tro-buoc-chuyen-minh-chien-luoc-cua-mot-vung-dat-di-san-387368.html