Châu Âu và châu Phi có thể nối liền bằng đường hầm dưới biển

Tây Ban Nha đang xúc tiến nghiên cứu khả thi cho một dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng qua việc xây dựng đường hầm dưới nước nối liền châu Âu và châu Phi qua eo biển Gibraltar.

Theo Newsweek, chính phủ Tây Ban Nha hôm 11.5 đã thông báo đã phê duyệt khoản ngân sách trị giá 1,6 triệu euro (khoảng 1,7 triệu USD) để tiến hành nghiên cứu khả thi cho dự án xây dựng một đường hầm dưới nước nối từ miền Nam Tây Ban Nha đến miền Bắc Morocco. Đây là khu vực có khoảng cách địa lý gần nhất giữa châu Âu và châu Phi, với chỉ hơn 13km cách biệt tại điểm hẹp nhất của eo biển.

Đường hầm dự kiến sẽ kéo dài khoảng 27,7km dưới lòng biển Địa Trung Hải, nối liền bán đảo Iberia với lãnh thổ Bắc Phi. Mục tiêu của dự án là thúc đẩy hội nhập kinh tế, tăng cường lưu thông hàng hóa, hành khách và dịch vụ giữa hai khu vực.

Bản vẽ đường hầm dưới nước để kết nối Tây Ban Nha với Morocco - Ảnh: Newsweek

Bản vẽ đường hầm dưới nước để kết nối Tây Ban Nha với Morocco - Ảnh: Newsweek

Ý tưởng xây dựng một đường hầm cố định qua eo biển Gibraltar đã tồn tại hàng chục năm qua nhưng gặp nhiều trở ngại kỹ thuật và tài chính. Nay, với sự hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU), sáng kiến đang được khởi động lại với quyết tâm mới từ Bộ Giao thông Tây Ban Nha.

Cơ quan chịu trách nhiệm chính là Công ty SECEGSA của Tây Ban Nha. Theo Bộ trưởng Giao thông Oscar Puente, SECEGSA sẽ dẫn đầu quá trình khảo sát, đánh giá các yếu tố kỹ thuật, địa chất và kinh tế để xác định tính khả thi của việc thi công công trình ngầm này.

SECEGSA cho biết nghiên cứu hiện tại sẽ đánh giá lại các phương pháp xây dựng được đề xuất trong dự án sơ bộ từ năm 2007, đồng thời phân tích kỹ địa tầng tại khu vực đáy biển.

Hiện chi phí xây dựng đường hầm vẫn chưa được xác định cụ thể, nhưng các ước tính dao động từ 6 - 15 tỉ euro (khoảng 6,6 - 16,6 tỉ USD). Nếu thành hiện thực, đây sẽ là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất từng được triển khai tại khu vực Địa Trung Hải.

Để so sánh, đường hầm eo biển Manche nối liền Pháp và Anh dài khoảng 50km và tiêu tốn khoảng 5 tỉ bảng Anh khi hoàn thành vào năm 1994, theo thời giá hiện nay, tương đương 15 tỉ USD. Dù đường hầm Gibraltar chỉ dài bằng một nửa, nhưng điều kiện đáy biển Địa Trung Hải được đánh giá phức tạp hơn, có thể khiến việc xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Vào tháng 11 năm ngoái, chính phủ Tây Ban Nha đã chi hơn 480.000 euro (gần 533.000 USD) để thuê 4 thiết bị đo địa chấn, nhằm lập bản đồ chi tiết đáy biển khu vực eo biển Gibraltar phục vụ cho quá trình lập kế hoạch kỹ thuật.

Theo Bộ Giao thông Tây Ban Nha, dự án đường hầm nếu được thực hiện sẽ đóng vai trò là "liên kết thiết yếu" trong mạng lưới giao thông châu Âu - Địa Trung Hải. Việc thiết lập một tuyến giao thông cố định giữa châu Âu và châu Phi không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách địa lý mà còn thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch.

Ngoài ra, đường hầm cũng có thể mở rộng khả năng vận chuyển hàng hóa giữa các quốc gia châu Âu với khu vực Bắc Phi, qua đó nâng cao vai trò chiến lược của Tây Ban Nha và Morocco trong mạng lưới hậu cần toàn cầu.

Trong tuyên bố chính thức, Bộ Giao thông Tây Ban Nha nhấn mạnh: “Việc tạo điều kiện thuận lợi cho dòng hành khách, hàng hóa và dịch vụ sẽ tạo ra sự tăng tốc về mặt định lượng và định tính cho nền kinh tế”.

Dù được đánh giá là dự án mang tính biểu tượng và tiềm năng, quá trình thực hiện sẽ không dễ dàng. Bên cạnh thách thức địa chất, kỹ thuật và tài chính, dự án cũng phải vượt qua các rào cản chính trị và phối hợp song phương giữa hai quốc gia.

Trước đây, đã từng có những mốc thời gian được đặt ra cho việc hoàn thành đường hầm vào năm 2030, nhưng sau đó đều bị loại bỏ vì thiếu căn cứ thực tế. Hiện tại, SECEGSA đặt mục tiêu hoàn tất nghiên cứu khả thi vào tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, giai đoạn thiết kế chi tiết, phê duyệt và thi công có thể kéo dài hàng chục năm.

Các chuyên gia cho rằng việc thi công đường hầm dưới biển ở khu vực có đáy biển sâu, đá cứng và hoạt động địa chấn như eo biển Gibraltar đòi hỏi công nghệ tiên tiến và nguồn tài chính bền vững. Ngoài ra, yếu tố bảo vệ môi trường biển và tác động sinh thái cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trong các giai đoạn tiếp theo.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chau-au-va-chau-phi-co-the-noi-lien-bang-duong-ham-duoi-bien-232532.html