Chuyên gia: Để lọt SGK có 'sạn' là có lỗi với thế hệ trẻ
Ý kiến chuyên gia cho rằng, những cuốn SGK có sạn và những người thẩm định để lọt lưới SGK có sạn, cùng cơ quan quản lý chỉ đạo nhà trường dùng sách có sạn… đều là những người có lỗi với thế hệ trẻ.
SGK có sạn là “có lỗi với thế hệ trẻ”
Sau 3 năm thực tiễn triển khai xã hội hóa biên soạn và phát hành SGK, thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, nhiều bất cập đã bộc lộ liên quan đến chất lượng biên soạn, giá thành, đặc biệt, những hạt sạn lớn của các bộ SGK trong Chương trình GDPT 2018.
Thậm chí nhiều ý kiến cho rằng, do thiếu đội ngũ biên soạn đủ năng lực nên đã dẫn đến nhiều sạn trong SGK.
Tại Hội thảo “Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK phổ thông sau một thời gian thực hiện: Thực trạng và kiến nghị” do Hội Khoa học tâm lí - Giáo dục Việt Nam (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho rằng, đang có sự thiếu hụt đội ngũ biên soạn có năng lực. Bản thân chương trình GDPT 2018 chưa được thử nghiệm bài bản.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, SGK cũng chưa kịp thử nghiệm nghiêm chỉnh trên diện rộng để đánh giá và điều chỉnh dẫn đến nhiều sạn. Đặc biệt, phối hợp giữa phát triển chương trình giáo dục và người viết sách, nhà xuất bản cộng với hệ thống đo lường đánh giá đang “khấp khểnh”.
Ông Vinh đề nghị chi hàng trăm tỷ để Bộ GD-ĐT có một bộ SGK bản quyền: “Nên chăng dùng 200-300 tỷ để tìm kiếm đủ chuyên gia xuất sắc soạn bộ sách chuẩn về chất lượng. Bộ là chủ bản quyền. Để tránh câu chuyện “sân sau” của nhà xuất bản thì cho đấu thầu, Bộ nắm bản quyền, đấu thầu hàng trăm nhà xuất bản, ai làm được theo khung giá bộ tài chính và bộ giáo dục như vậy chúng ta có bộ sách. Nên có bộ SGK chuẩn còn các nhà xuất bản khác nhiều bộ sách thì chấp hành Nghị quyết của Quốc hội theo cơ chế thị trường, tức là sách nào hay thì dân dùng...”
Gửi ý kiến đóng góp tới Hội thảo, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, tác giả của những cuốn SGK có sạn và những người thẩm định để lọt lưới SGK có sạn, cùng cơ quan quản lý chỉ đạo nhà trường dùng sách có sạn… đều là những người “có lỗi với thế hệ trẻ”.
“Bộ “Cánh diều” được phép sử dụng thì lại có nhiều sạn, phải sửa chữa, bổ sung. Bộ “Cùng học để phát triển năng lực và Bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” tự nhiên biến mất. Nếu là bộ sách hay thì sao lại để nó không tồn tại? Không ai chịu trách nhiệm về hiện tượng này”, GS.TS Phạm Tất Dong thẳng thắn nhận định.
Báo chí đã tốn nhiều giấy mực sau sự ra đời của Chương trình GDPT mới 2018 - một chương trình nhiều bộ sách. Không chỉ với những hạt sạn lớn, cuộc đấu khẩu giữa người thẩm định với người viết sách đã làm dư luận ngao ngán cả về năng lực của cả hai bên, cũng như không tin vào động cơ “trong sáng” của những người làm sách và phát hành sách.
Xã hội hóa SGK còn nhiều cái khó
Trước ý kiến của các chuyên gia, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) thừa nhận khó khăn trong việc tìm tác giả viết SGK. Theo ông Tài, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK có rất nhiều công đoạn nhưng công đoạn thỏa thuận dân sự giữa người viết sách với nhà xuất bản còn nhiều cái khó.
“Có một lực lượng có kinh nghiệm không thỏa thuận được nên đang nằm ngoài đóng góp chất lượng SGK, nhiều tác giả trẻ có cống hiến cũng chịu áp lực vô hình. Họ mong muốn cống hiến nhưng nhìn vào biết sách họ đánh giá biết gì đâu nên đây cũng là áp lực”, ông Thái Văn Tài nói
Tuy vậy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định, 3 năm qua, chương trình GDPT 2018 với lớp 1 năm đầu tiên triển khai có nhiều ý kiến phản biện gay gắt với từ “sạn”. Dù có nhiều cách tiếp cận với từ “sạn” nhưng ông Tài cho rằng sai với yêu cầu cần đạt hay kiến thức khoa học thì hầu như không có: “Sạn có nhiều cách tiếp cận nhưng sạn sai với yêu cầu cần đạt hay kiến thức khoa học thì hầu như không có, nếu có chăng phát hiện sớm trước khi phát hành. Sạn ở đây là quan điểm tiếp cận quan điểm tiếp cận, ý kiến cá nhân và chủ yếu trên mạng xh còn chưa nhận được bất cứ kiến nghị đề xuất từ nhà trường, giáo viên nhà khoa học chỉ rõ đề nghị bộ, hội đồng thẩm định tác giả xem xét kiến thức nội dung đưa vào sai việc này việc kia”.
Các chuyên gia nhận định, xã hội hóa việc biên soạn và phát hành SGK về thực chất là chuyển từ có chế độc quyền sang cơ chế thị trường. Vấn đề đối với Việt Nam là các cơ quan quản lý đã không có những quy định phù hợp và kịp thời để quản lý thị trường SGK. Theo đó, góp phần vào việc vừa giảm giá vừa nâng cao chất liệu SGK.
“Những quy định mới đây của Quốc hội và Chính phủ về giá và về phân phối, sử dụng SGK, nếu được tổ chức thực hiện tốt thì chắc chắn sẽ phát huy mặt tích cực thị trường SGK như mong muốn. Tuy nhiên, như bài học kinh nghiện quốc tế đã chỉ ra, điều này không đơn giản. Trước mắt, do các chính sách mới về giá, phân phối và sử dụng SGK chưa thể triển khai trong năm học 2022-2023, do vậy cần giải pháp tình thế theo hướng áp giá hoặc trợ giá để đảm bảo mọi học sinh đều có SGK mới với giá phải chăng”, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đóng góp ý kiến./.