Chuyên gia đề nghị cần có giải pháp đồng bộ để phát triển điện gió bền vững

Quy hoạch Điện VIII dự báo rằng không phải điện mặt trời mà là năng lượng điện gió sẽ thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Ngày 26/5, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức Diễn đàn “Điện gió và mục tiêu Net Zero vào năm 2050”.

Các đại biểu tại diễn đàn.

Các đại biểu tại diễn đàn.

TS. Nguyễn Linh Ngọc - Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Việc chuyển dịch năng lượng của Việt Nam là tất yếu. Việt Nam là nước chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, nước biển dâng nên rất cần tham gia với cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu.

Trong nỗ lực của Việt Nam để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, điện gió là một yếu tố đóng góp vào cơ cấu năng lượng. Quy hoạch Điện VIII dự báo rằng không phải điện mặt trời mà là năng lượng điện gió sẽ thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp điện gió dài hạn góp phần giảm thiểu hàng triệu tấn carbon từ nhiệt điện, Việt Nam có thể hiện thực hóa việc trung hòa carbon ngành năng lượng nói riêng và trung hòa carbon nói chung đến 2050, tạo nền móng phát triển ngành công nghiệp điện gió, một giải pháp mang tính dài hạn và chiến lược cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Chuyên gia đề nghị cần có giải pháp đồng bộ để phát triển điện gió bền vững.

Chuyên gia đề nghị cần có giải pháp đồng bộ để phát triển điện gió bền vững.

TS. Dư Văn Toán, Chuyên gia năng lượng tái tạo, Viện nghiên cứu biển và hải đảo, cho biết, Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu thế giới về đầu tư vào nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời). Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tháo gỡ.

Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô zôn, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc phát triển điện gió giúp bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải thiện đời sống của người dân.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng cần có lộ trình cụ thể và giải pháp đồng bộ để phát triển điện gió bền vững. Các chuyên gia cũng nêu một số ý kiến đánh giá về cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính; cơ hội, thách thức và việc huy động, bố trí nguồn lực cho việc phát triển điện gió, cũng như các kịch bản Net Zero cho ngành năng lượng Việt Nam.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/chuyen-gia-de-nghi-can-co-giai-phap-dong-bo-de-phat-trien-dien-gio-ben-vung-i694883/